Nga 'lận đận' thế nào trong chế tạo máy bay hoạt động trên tàu sân bay?

Tàu sân bay duy nhất của Nga - Đô đốc Kuznetsov, đã ngừng hoạt động trong nhiều năm để sửa chữa. Nhưng không chỉ có vậy, Matxcơva cũng đang phải vật lộn với bài toán chế tạo máy bay phản lực hoạt động trên tàu sân bay.

Vào tháng 7-2023, truyền thông nhà nước Nga đưa tin tàu Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay duy nhất của Nga, có thể trở lại hoạt động vào cuối năm 2024. Con tàu đã được sửa chữa từ năm 2017 và việc vận hành trở lại thường xuyên bị trì hoãn do rủi ro và trục trặc.

Tàu sân bay này mới chỉ thực hiện một lần triển khai chiến đấu trong sự nghiệp gần 30 năm của mình. Nhưng sắp tới, ngay cả khi tàu Kuznetsov vượt qua các cuộc thử nghiệm trên biển, việc trang bị cho tàu một phi đoàn sẽ vẫn là bài toán khó

Mặc dù đã vận hành tàu hàng không mẫu hạm trong hơn nửa thế kỷ, Nga vẫn gặp khó khăn trong việc chế tạo các máy bay phản lực hoạt động trên tàu sân bay.

Năm 1976, Yak-38 là máy bay cánh cố định đầu tiên của Liên Xô chỉ dành cho tàu sân bay đầu tiên - lớp Kiev.

Tổng cộng có 231 chiếc Yak-38 được chế tạo. Nhưng đây là một dự án thất bại vì loại máy bay phản lực này dễ gặp trục trặc cơ học, đặc biệt là trong môi trường nóng ẩm hay hệ thống phóng tự động vô tình kích hoạt nhiều lần và làm hỏng máy bay

Yak-38 còn có nhiều khuyết điểm khác như tầm bay, trọng tải và tốc độ kém hơn so với máy bay của quân đội đối thủ. Ngay cả chiếc Yak-36M được nâng cấp, với tầm bay xa hơn và gấp đôi tải trọng, cũng không đủ sức mạnh so với máy bay trên tàu sân bay NATO.

Động cơ nâng kém nên Yak-38 hiếm khi cất cánh thẳng đứng vì nó tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu. Yak-38 cũng không có radar riêng, nghĩa là phi công phải dựa vào tầm nhìn trực quan hoặc sự trợ giúp của lực lượng khác.

Yak-38 từng tham chiến ở đất liền Afghanistan. Nhưng cuối cùng, các nhà lãnh đạo Liên Xô quyết định không tiếp tục nâng cấp và cho Yak-38 nghỉ hưu ngay sau năm 1991.

Cũng từ những năm 1970, Liên Xô đã tìm cách chế tạo sân bay lớn hơn và loại máy bay phản lực có khả năng cất - hạ cánh thông thường giống như của các cường quốc NATO. Kết quả là tàu sân bay lớp Kuznetsov và Su-33 ra đời.

Su-33 thực chất là một biến thể của chiến đấu cơ Su-27 với một số điểm khác biệt, bao gồm gầm và bộ phận hạ cánh được gia cố để hạ cánh trên tàu sân bay, cánh mũi phía trước để giảm khoảng cách cất cánh, diện tích cánh lớn hơn để tăng thêm lực nâng, động cơ mạnh mẽ hơn.

Bất chấp những cải tiến so với Yak-38, Su-33 cũng có hiệu quả hạn chế vì máy bay phản lực có kích thước lớn nên tàu sân bay Kuznetsov, vốn nhỏ hơn các tàu sân bay của Mỹ, không thể chở nhiều chiếc như vậy.

Su-33 không được đưa vào sử dụng cho đến sau Chiến tranh Lạnh và chỉ có khoảng 22 chiếc được chế tạo. Ba chiếc đã bị mất tích trong các vụ tai nạn và chỉ có 17 chiếc được cho là vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.

Một loại máy bay khác dùng cho tàu sân bay Nga là MiG-29K của Cục thiết kế Mikoyan. Năm 2004, dự án chế tạo máy bay vận tải MiG-29K vốn bị gián đoạn đã hồi sinh khi hải quân Ấn Độ mua tàu sân bay lớp Kiev - Đô đốc Gorhskov cùng máy bay phản lực cho tàu sân bay này

Với những đặc điểm phù hợp hơn so với Su-33, trong khi lực lượng không quân Ấn Độ đã quen với khung máy bay MiG-29 nên New Delhi đã đặt 2 đơn đặt hàng vào năm 2004 và 2010 cho 45 chiếc MiG-29K cùng các thiết bị liên quan trị giá 2,2 tỷ USD.

Những chiếc MiG-29K đầu tiên được giao vào năm 2009 và phi đội đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2013. Tuy nhiên, MiG-29K cũng hoạt động kém hiệu quả.

Một báo cáo năm 2016 của Cơ quan Kiểm toán và Kiểm toán Ấn Độ cho biết, từ năm 2009 đến 2015, tỷ lệ những chiếc MiG-29K hoạt động chỉ vào khoảng 16-47%

Ngoài các vấn đề về khung máy bay và hệ thống điện tử hàng không, báo cáo cho biết, 62% động cơ do Nga giao đã bị ngừng hoạt động hoặc bị từ chối vì có khiếm khuyết và thiếu sót.

Ít nhất 5 chiếc MiG-29K của hải quân Ấn Độ đã bị mất tích trong các vụ tai nạn từ năm 2018 đến năm 2022 - một tỷ lệ cao hơn nhiều so với những chiếc MiG-29 của lực lượng không quân Ấn Độ.

Thời điểm đó, Matxcơva từ chối chuyển giao công nghệ động cơ phản lực hoặc cho phép Ấn Độ chế tạo MiG-29K của riêng mình. Mặc dù mọi vấn đề đã được khắc phục nhưng Ấn Độ đã chọn ngừng sử dụng tất cả các máy bay MiG-29K vào năm 2035.

Nga đã lên kế hoạch thay thế Su-33 bằng MiG-29K nhưng kể từ khi tàu sân bay Kuznetsov bắt đầu tái trang bị vào đầu năm 2017, không thấy máy bay phản lực nào cất cánh từ tàu này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-lan-dan-the-nao-trong-che-tao-may-bay-hoat-dong-tren-tau-san-bay-post558284.antd