Truyền thông Ả Rập viết về chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam

Dưới tiêu đề: 'Thắng trận Điện Biên Phủ, người Việt Nam chế nhạo thực dân Pháp', hãng thông tấn Al Jazeera đã đăng bài về thắng lợi lịch sử của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ.

Bộ đội Việt Nam đánh chiếm sân bay Mường Thanh, kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Al Jazeera)

VietTimes xin đăng tải bản chuyển ngữ của bài viết của hãng thông tấn Al Jazeera:

Ngày 19/12/1946, quân Pháp ném bom Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, nhằm đáp trả cuộc nổi dậy chống lại chế độ thực dân. Khoảng 8 năm sau, ngày 7/5/1954, sau một cuộc vây hãm kinh hoàng kéo dài 56 ngày, căn cứ Điện Biên Phủ rơi vào tay quân đội Việt Nam. Ngày 21/7/1954, Hiệp nghị Geneva được ký, kết thúc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và ách thống trị thực dân ở châu Á.

Ba sự kiện liên quan chặt chẽ này là thời điểm quyết định của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, dẫn đến độc lập và thống nhất của Việt Nam.

Leclerc, người hùng Thế chiến II tới giành lại quyền bá chủ ở châu Á

Ngày 5/10/1945, tại cảng Sài Gòn ở Đông Dương thuộc Pháp, tướng Leclerc từ Paris, nơi đã được giải phóng khỏi Đức Quốc xã cách đây vài tháng, đến xứ thuộc địa xa xôi ở Đông Nam Á. Người hùng và là cánh tay phải tướng De Gaulle được giao nhiệm vụ khôi phục quyền thống trị thực dân của Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam (Ảnh: Al Jazeera)

Đối với Pháp, việc mất Đông Dương là điều không thể. Thuộc địa này được thành lập vào cuối thế kỷ 19 và bao gồm Nam Kỳ, Campuchia, Bắc Kỳ và Lào dưới sự quản lý của Pháp. Khu vực này được gọi là “thuộc địa bóc lột” để Pháp tiếp cận thị trường Trung Quốc và phục vụ các mục tiêu thuộc địa của mình. Người Pháp đã sử dụng một lượng lớn lao động giá rẻ, phần lớn các sản phẩm gạo, thuốc phiện, chè và cao su được sản xuất ra đều được vận chuyển về Pháp.

Để kiểm soát những khu vực rộng lớn này, người Pháp đã xây cầu, đường sắt, trường học và bệnh viện, chính quyền thuộc địa đã dựa vào một số quan chức người Việt thông thạo tiếng Pháp, một số người thậm chí đã được đào tạo ở Paris trước khi quay về làm công chức.

Hồ Chí Minh - người lãnh đạo cuộc chiến tranh giành độc lập

Qua tiếp xúc với trí thức phương Tây, các sinh viên Việt Nam trở về quê hương, họ say mê chủ nghĩa Mác, các giá trị dân chủ và ước mơ giành độc lập. Trong số những người trở về này, có Hồ Chí Minh (“Người khai sáng” theo tiếng Việt). Ông là hiện thân của cuộc đấu tranh chống thực dân, đã thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) vào năm 1941 và trở thành người lãnh đạo của tổ chức này.

Cùng lúc đó, Thế chiến thứ hai nổ ra và người Nhật phát động một chiến dịch xâm lược quy mô lớn. Một số lượng không nhiều quân Pháp trên bộ chỉ có thể kháng cự tượng trưng. Đông Dương thất thủ và nằm dưới sự giám sát của Đế quốc Nhật Bản.

Nhưng bom nguyên tử đã làm thay đổi diễn biến tình hình, Nhật Bản bị tàn phá phải đầu hàng ngày 2/9/1945. Hồ Chí Minh lập tức chớp lấy cơ hội giành chính quyền và tuyên bố Việt Nam độc lập.

Chiến tranh bắt đầu, quân đội từ Việt Bắc gây sốc

Sau Thế chiến thứ hai, cán cân quyền lực bị phá vỡ, lục địa châu Âu hỗn loạn và dường như hiển nhiên 2 cường quốc sẽ dẫn dắt thế giới là Liên Xô và Mỹ. Tại đây, một bộ phận quân đội Pháp đã ý thức được nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn ở châu Á và cần thiết phải đàm phán. Đây là nội dung báo cáo do tướng Leclerc đệ trình cho De Gaulle, người dường như cũng phản đối việc bùng nổ chiến tranh.

Tuy nhiên, việc người đứng đầu chính phủ lâm thời Pháp từ chức đã khiến Leclerc một mình phải đối mặt với Cao ủy Đông Dương, người hoàn toàn tin tưởng vào việc ở lại châu Á, cho dù phải đạt được điều đó bằng vũ lực.

Đây là bước ngoặt lớn trong diễn biến các sự kiện ở Việt Nam, nếu Pháp xem xét lời khuyên của Leclerc thì chiến tranh đã không nổ ra, tiến trình hòa bình đã bắt đầu, các sự kiện lịch sử đã không diễn ra trong khu vực như chúng ta đã biết, và Hoa Kỳ cũng sẽ không tham chiến ở Việt Nam.

Sân bay bị Quân đội Việt Nam khống chế, quân Pháp ở Điện Biên Phủ phải sống nhờ vào tiếp viện bằng thả dù (Ảnh: Al Jazeera).

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ đó, các chiến binh Việt Nam lợi dụng điểm yếu của Pháp ở Đông Dương và bí mật chuyển các chiến binh có vũ trang sang các trại huấn luyện của Trung Quốc thông qua sự hỗ trợ của một đại tá ở cực Bắc; còn Trung Quốc cung cấp vũ khí, trang thiết bị cho Việt Nam và khi cần thiết, trở thành chỗ dựa mạnh mẽ cho đội du kích của Hồ Chí Minh.

Ngay từ những trận đánh đầu tiên, quân đội Việt Nam đã sớm nhận ra rằng họ sẽ không thể chống lại quân Pháp nếu không có sự ủng hộ của nhân dân miền Bắc, những người hiểu rất rõ đặc điểm của vùng rừng núi, là điều kiện lý tưởng để phát động một cuộc chiến tranh du kích chống lại sự hiện diện của Pháp.

Quân đội Việt Nam bắt đầu nắm quyền kiểm soát vùng nông thôn, và sau đó, dưới sự lãnh đạo của các vị tướng kiệt xuất như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những đội quân này bắt đầu giành được những chiến thắng và người Pháp nhận ra rằng những đội quân này được trang bị và huấn luyện tốt có thể thích ứng với chiến tranh hiện đại.

Dấu hiệu của Chiến tranh lạnh - cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản

Năm 1950, cuộc xung đột ở Đông Dương bước vào bối cảnh mới và rộng hơn với sự khởi đầu của cái gọi là Chiến tranh lạnh, không còn là chiến tranh thuộc địa mà là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng khốc liệt giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản.

Phương Tây đánh giá rằng nếu Việt Nam trở thành quốc gia cộng sản thì các nước láng giềng Lào và Campuchia cũng vậy. Nên từ năm 1952 Mỹ bắt đầu hỗ trợ Pháp trong nỗ lực chiến tranh ở khu vực này.

Còn quân đội Việt Nam liên tục được Trung Quốc tái trang bị và nhận được các vũ khí hiện đại.

Về phần Pháp, chính quyền đã làm ngơ trước cuộc xung đột nơi xa xôi này và coi đây như một cuộc chiến tranh bẩn thỉu mà chính phủ Pháp không thể thắng được, cần phải đàm phán.

Trong trận chiến giữa hổ và voi, không thể dựa vào hỏa lực

Để bắt đầu từ nguồn sức mạnh, cả hai phe đều nỗ lực giành thắng lợi có tính quyết định. Quân Pháp có kế hoạch khiêu khích kẻ thù trực tiếp đối đầu và tìm cách thiết lập một căn cứ quân sự vững mạnh trên khu vực do quân đội Việt Nam kiểm soát gần Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng chiến thuật du kích dựa vào tấn công chớp nhoáng, phục kích, tập kích ban đêm ở vùng sâu, vùng xa nhắm vào các điểm yếu của đối phương. Quân đội Việt Nam phân tán trong rừng, ẩn nấp giữa dân thường để tránh đối đầu trực tiếp, nhưng mục tiêu rất rõ ràng, đó là đánh đuổi kẻ thù.

Quân đội Pháp có quân số ước tính khoảng 200.000 binh sĩ, chia thành nhiều đơn vị khác nhau, đủ để kiểm soát các thành phố và tuyến đường sá nhưng không đủ để chiếm cả nước. Họ cố thủ vững chắc, dựa vào hỏa lực mạnh trong các cuộc đối đầu.

Nhưng họ không phân biệt được dân thường và chiến binh, không biết mình đang bắn vào ai và không biết nguy hiểm đến từ đâu. Đây là điều Hồ Chí Minh nói là "hổ đấu voi". Khi không thể định vị và xác định được đối thủ, hỏa lực sẽ trở nên vô dụng.

(Còn tiếp)

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/truyen-thong-a-rap-viet-ve-chien-thang-dien-bien-phu-cua-viet-nam-post174659.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat