Nga khó nhận thêm thủy phi cơ Be-200 khi cơ sở sản xuất bị tập kích

Nhà máy sản xuất thủy phi cơ Be-200 đã bị hư hỏng sau vụ tấn công mới đây do máy bay không người lái cảm tử thực hiện.

4 máy bay không người lái cảm tử Ukraine hôm 9/3 đã tấn công nhà máy Antk Beriev ở thành phố Taganrog - cơ sở sản xuất thủy phi cơ Be-200 duy nhất của Nga và gây ra hư hỏng đáng kể.

Truyền thông địa phương cho biết mặc dù chưa rõ thiệt hại nhưng khó có khả năng Hải quân và Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga sẽ nhận thêm những chiếc Be-200 sản xuất mới trong tương lai gần.

Nhưng điều cần lưu ý ở đây là ngay trước khi vụ tấn công xảy ra, việc sản xuất Be-200 đã bị đình trệ, cơ sở nói trên hiện chỉ làm công tác sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật cho những chiếc đang hoạt động.

Be-200 Altair là chiếc thủy phi cơ cỡ lớn do Công ty Beriev thiết kế và chế tạo, nó đảm nhiệm được các chức năng chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, vận tải hàng hóa và hành khách và còn có biến thể quân sự là máy bay tuần tra chống ngầm Be-220.

Loại máy bay lưỡng cư này đang phục vụ trong biên chế Bộ Tình trạng khẩn cấp và Bộ Quốc phòng Nga, nó còn nhận được sự quan tâm của khá nhiều khách hàng trên thế giới và đã thu về một số hợp đồng có giá trị đến từ nhiều quốc gia trên khắp hành tinh.

Tưởng như Be-200 sẽ trở thành một ngôi sao sáng mới của Nga trên thị trường quốc tế thì bất ngờ biến cố đã tới, trở ngại vẫn như mọi khi nằm ở vấn đề động cơ sau khi Ukraine cấm cung cấp thiết bị này cho Nga vì sự kiện bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Vào tháng 4/2019, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax, Thứ trưởng Bộ Công thương Nga - ông Oleg Bocharov cho biết nước này sẽ mất khoảng thời gian theo kỳ vọng là 5 năm để phát triển động cơ thay thế cho thủy phi cơ Be-200.

Trước đó Bộ Công thương Nga đã quyết định không sử dụng động cơ liên doanh với Pháp cho Be-200, thiết bị này từng dự kiến được sử dụng thay cho sản phẩm của Ukraine, sau khi Kyiv cấm xuất khẩu cho Moskva vào năm 2018.

Mặc dù đặt quyết tâm cao và thời hạn hoàn thành cũng chẳng phải là nhanh chóng, nhưng theo đánh giá từ các chuyên gia thì sẽ rất khó khăn để Nga hoàn thành tiến độ trên theo đúng kế hoạch ban đầu, nhất là với tình trạng hiện nay của nền công nghiệp quốc phòng.

Các lệnh cấm vận mà Ukraine và phương Tây áp đặt lên Nga rõ ràng đã gây ra vô số thiệt hại cho Moskva, đơn cử trong thương vụ cung cấp máy bay lưỡng cư Be-200 này, hợp đồng đã bị hủy kèm theo khoản phạt do Nga không thể giao hàng đúng thời hạn.

Nga từng lên phương án sử dụng động cơ PD-8 đang phát triển cho những chiếc Be-200 nói trên, nhưng loại máy động lực hàng không này cũng tiếp tục trễ hẹn tới ít nhất năm 2025.

Vấn đề cần nhấn mạnh nữa là thủy phi cơ Be-200 được Nga tạo ra trên cơ sở dự án máy bay tìm kiếm cứu nạn và chống tàu ngầm A-40 Albatross của Liên Xô

Việc chế tạo chiếc A-40 Albatross bắt đầu từ năm 1983, tại thời điểm đó có thông tin cho rằng loại máy bay lưỡng cư này sẽ thay thế Be-12 đã bị coi là lỗi thời.

Các nhà thiết kế A-40 tự tin Albatross sẽ là thủy phi cơ chuyên dụng lớn nhất thế giới và có thể tiêu diệt tàu ngầm của đối phương ở bất kỳ khu vực nào trên khắp các đại dương.

Theo thiết kế, A-40 Albatross có những đặc điểm vượt trội bao gồm thời gian tuần tra lên tới 12 giờ, tầm hoạt động thực tế 4.000 km, tải trọng chiến đấu 6.500 kg (nhiều hơn 2 lần so với chiếc Be-12).

Máy bay có chiều dài 45,7 mét, sải cánh 42,5 mét, trọng lượng cất cánh tối đa 90 tấn, phi hành đoàn 4 - 8 người. Tổng cộng có 3 nguyên mẫu A-40 Albatross đã được sản xuất, các cuộc thử nghiệm diễn ra ngay trước khi Liên Xô tan rã.

Sau năm 1991, dự án bị tạm đình chỉ, công việc và quá trình thử nghiệm tiếp theo không diễn ra. Tới năm 2012, Bộ Quốc phòng Nga chính thức tuyên bố "đóng cửa" tổ hợp hàng không chống tàu ngầm Albatross.

Năm 2016, giới chức quân sự Nga tuyên bố ý định tiếp tục hoạt động sản xuất máy bay chống ngầm A-40 Albatros, tuy vậy hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-kho-nhan-them-thuy-phi-co-be-200-khi-co-so-san-xuat-bi-tap-kich-post569481.antd