Tổng thống Biden ký luật cấm nhập khẩu uranium từ Nga

Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh cấm nước này nhập khẩu uranium từ Nga, nhằm giảm sự phụ thuộc của Washington đối với Moscow trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Guardian

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Guardian

“Ngày 13/5/2024, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật cấm nhập khẩu uranium của Nga, cấm nhập khẩu uranium chưa được chiếu xạ, có độ làm giàu thấp được sản xuất tại Liên bang Nga hoặc bởi một thực thể Nga,” thông cáo của Nhà Trắng cho biết, theo Sputnik.

Lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu đối với các nhà máy điện hạt nhân Mỹ sẽ có hiệu lực sau khoảng 90 ngày, mặc dù Bộ Năng lượng Mỹ vẫn có thể ban hành quyền miễn trừ trong trường hợp có lo ngại về nguồn cung.

Hồi cuối tháng 4, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật cấm nhập khẩu uranium của Nga” và đệ trình lên Tổng thống Biden để ký ban hành luật. Đạo luật này cấm nhập khẩu uranium có độ giàu thấp chưa được chiếu xạ được sản xuất ở Nga hoặc bởi một thực thể của Nga, đồng thời bao gồm các biện pháp để ngăn chặn các bên tìm ra lỗ hổng.

Nhà máy điện hạt nhân Vogtle của Georgia Power ở Waynesboro, Georgia, ở phía đông nam Mỹ. Ảnh: AP

Nhà máy điện hạt nhân Vogtle của Georgia Power ở Waynesboro, Georgia, ở phía đông nam Mỹ. Ảnh: AP

Tuy nhiên, trong những tình huống cực đoan, khi không có nguồn cung cấp uranium khác để duy trì hoạt động của các lò phản ứng của Mỹ hoặc nếu việc mua hàng đó vì "lợi ích quốc gia", luật pháp cho phép việc mua hàng tiếp tục cho đến tháng 1/2028. Đạo luật cũng yêu cầu Bộ Năng lượng Mỹ điều tra và báo cáo trước Quốc hội về các phương án thay thế nguồn cung cấp uranium của Nga. Lệnh cấm sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2040.

Trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington tin rằng lệnh cấm nhập khẩu uranium từ Moscow sẽ giúp tăng cường an ninh kinh tế và năng lượng của Mỹ, cho phép nước này loại bỏ sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Ông Sullivan nói rằng luật mới này cũng sẽ giải phóng 2,72 tỷ USD để tài trợ xây dựng ngành công nghiệp nhiên liệu uranium của Mỹ. Quan chức này cũng khẳng định đạo luật sẽ “thực hiện các mục tiêu đa phương mà chúng tôi đã đặt ra với các đồng minh và đối tác của mình”, bao gồm cả cam kết vào tháng 12/2023 với Canada, Pháp, Nhật Bản và Anh về việc đầu tư chung 4,2 tỷ USD để mở rộng khả năng làm giàu và chuyển đổi uranium.

Nga chưa bình luận về động thái của Mỹ.

Nga là nhà cung cấp uranium đã làm giàu hàng đầu thế giới và khoảng 24% uranium đã làm giàu của nước này được các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ sử dụng.

Theo Washington Post, sự phụ thuộc của Mỹ vào uranium của Nga bắt nguồn từ chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân “Đổi Megaton sang Megawatt” vào năm 1993, ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Theo đó, Mỹ đã mua 500 tấn uranium từ các đầu đạn hạt nhân đã tháo dỡ của Nga và chuyển nó thành nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân.

Vào thời điểm đó, nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ ca ngợi thỏa thuận này là đôi bên cùng có lợi, vì Moscow rất cần tiền mặt còn Washington cần các nhiên liệu giá rẻ và điều này có thể xoa dịu những người ủng hộ kiểm soát vũ khí.

Tuy nhiên, hiện nay, một số chuyên gia cho rằng chương trình này đã gây ra hậu quả không mong muốn đối với Mỹ, vì việc Nga cung cấp nhiên liệu rẻ tiền đã khiến các công ty Mỹ và châu Âu phải vật lộn để cạnh tranh.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tong-thong-biden-ky-luat-cam-nhap-khau-uranium-tu-nga-post34579.html