Nga cảnh báo hậu quả khi Đức ngừng dự án Nord Stream 2

Moscow nói quan hệ Nga - Đức có thể tổn hại nghiêm trọng và giá khí đốt sẽ tăng vọt sau khi Berlin quyết định đình chỉ dự án khí đốt Nord Stream 2 sau khi Nga công nhận hai nước cộng hòa ly khai tại miền Đông Ukraine.

Đức ra lệnh đình chỉ dự án khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) nhằm đáp trả quyết định công nhận hai vùng ly khai tại miền Đông Ukraine độc lập, cũng như chiến dịch tấn công của ông Putin nhằm vào Ukraine.

Bên cạnh đó, dưới đòn cấm vận của phương Tây khi Nga tấn công Ukraine, công ty vận hành dự án Nord Stream 2 - thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom, Nga - thông báo phá sản hôm 1/3 do một loạt lệnh trừng phạt mới của phương Tây.

“Nord Stream đã vỡ nợ do lệnh trừng phạt của Mỹ vào tuần trước”, AFP dẫn lời bà Silvia Thalmann-Gut - đại diện cơ quan kinh tế bang Zug (Thụy Sĩ) - cho biết.

Bà nói rằng giới chức khu vực nhận được thông tin công ty nộp đơn xin phá sản vào hôm 1/3, và hiện toàn bộ lực lượng lao động của công ty gồm 106 người đã bị sa thải.

Công ty vận hành dự án đường ống - Nord Stream 2 AG - có trụ sở tại Zug và thuộc sở hữu hoàn toàn của "ông lớn" Gazprom của Nga.

Nga nói quan hệ Moscow - Berlin có thể tổn hại nghiêm trọng và giá khí đốt sẽ tăng vọt sau khi Đức đình chỉ dự án khí đốt.

"Quyết định đình chỉ dự án Nord Stream 2 sẽ gây tổn hại không thể đảo ngược với quan hệ Nga - Đức, vốn xấu đi những năm gần đây do lỗi lầm không nằm về phía chúng tôi. Đức phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với những hậu quả do hành động phi pháp này gây nên, nó cũng đặt dấu hỏi về danh tiếng đối tác kinh tế đáng tin cậy của nước này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 2/3.

Quan chức ngoại giao Nga gọi quyết định của Berlin là "không thể chấp nhận và không xứng đáng với những chuẩn mực trong luật thương mại quốc tế", thêm rằng các nhà đầu tư vào dự án có quyền khởi kiện giới chức Đức ra tòa trọng tài quốc tế nhằm yêu cầu bồi thường.

Bà Zakharova cũng cảnh báo hậu quả kinh tế từ quyết định của Đức. "Triển khai kịp thời đường ống này phục vụ lợi ích của cả Nga và châu Âu. Tuy nhiên, điều này sẽ không diễn ra trong tương lai gần, vì dự án đã trở thành con tin cho những âm mưu chính trị. Có thể thấy rằng hậu quả không thể tránh khỏi là giá khí đốt tăng vọt tại thị trường châu Âu", quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho hay.

Nord Stream 2 lâu nay được phương Tây coi là "quân bài" quan trọng giữa căng thẳng ngày càng dữ dội với Nga về Ukraine.

Quá trình xây dựng đường ống đã hoàn tất, nhưng các nhà quản lý tại Đức chưa phê duyệt để đưa vào hoạt động.

Nord Stream 2, đường ống dài 1.230 km dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua ngả Ukraine hay Ba Lan.

Dự án bắt đầu được xây dựng từ năm 2018 và hoàn thành năm ngoái, dự kiến tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm.

Dự án này từ lâu đã gây nhiều tranh cãi. Đường ống này được coi là một cách hiệu quả để cung cấp năng lượng cho Liên minh châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Moscow.

Khi đi vào hoạt động, Nord Stream 2 sẽ đưa khí đốt tự nhiên từ Nga đến Châu Âu. Đường ống này chạy từ Nga trực tiếp đến Đức qua Biển Baltic, song song với Nord Stream 1.

Các chuyên gia cho biết, Nord Stream 2 sẽ không làm tăng đáng kể lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang Châu Âu.

Nhưng nó có thể định tuyến lại - có nghĩa là nhiều khí đốt tự nhiên hơn sẽ chảy trực tiếp đến Đức và có khả năng bỏ qua các đường ống hiện có khác chạy qua các nước Châu Âu khác, trong đó đáng kể nhất là Ukraina.

Mỹ coi đường ống dẫn khí này là một công cụ địa chính trị của Nga để làm suy yếu an ninh năng lượng và an ninh quốc gia của Châu Âu.

Ukraina cũng nhìn nhận theo hướng này và muốn đường ống dẫn khí ngừng hoạt động.

Khi Nord Stream 2 vận hành, Nga sẽ không còn phải trả phí vận chuyển để trung chuyển khí đốt qua Ukraina, và cả Nga và Châu Âu ít phải phụ thuộc vào đường ống chạy qua Ukraina.

Đức đã coi Nord Stream 2 là một “dự án thương mại” cần thiết cho ngành công nghiệp Đức và muốn nó đi vào hoạt động.

Một số nước Châu Âu đồng ý, số khác thì không, hoặc thực sự không muốn nói quá nhiều theo cách nào đó.

Trong khi châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga giữa khủng hoảng Ukraine, Moscow tăng cường hợp tác năng lượng với Bắc Kinh.

Nga vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của Trung Quốc, đất nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, thông qua đường ống Sức mạnh Siberia được đưa vào hoạt động từ năm 2019.

Hai nước được cho là cũng sắp đạt đồng thuận về dự án tiếp theo mang tên Sức mạnh Siberia 2, giúp cung cấp nhiên liệu cho Trung Quốc bằng đường ống chạy qua Mông Cổ.

Nhà phân tích chính trị Nikola Mikovic của Asia Times nhận định các dòng năng lượng của Nga đang dịch chuyển sang phía đông, mặc dù nước này vẫn là nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng cho Liên minh châu Âu (EU) ở phía tây.

Cũng chưa rõ liệu Trung Quốc có thể đóng vai trò thay thế về kinh tế cho phương Tây, thị trường chính của Nga, hay không.

Nga và Trung Quốc bắt đầu mở rộng hợp tác năng lượng ngay từ khi xung đột ở miền đông Ukraine mới bắt đầu. Tháng 5/2014, một tháng sau khi phong trào đòi ly khai ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, bùng nổ, Nga bắt đầu chuyển hoạt động kinh doanh năng lượng sang châu Á.

Ngoài dầu khí, nhà phân tích Mikovic còn đánh giá Trung Quốc có tiềm năng thay thế châu Âu trở thành thị trường quan trọng cho cả nguồn năng lượng hạt nhân của Nga. Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom đã tham gia xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-canh-bao-hau-qua-khi-duc-ngung-du-an-nord-stream-2-post497240.antd