Nêu cao ý chí tự lực, chung tay giảm nghèo

Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn song với ý chí tự lực, nhiều hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Với họ, quyết định này là sự khẳng định nỗ lực vươn lên và lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Những lá đơn tự nguyện

Trong ngôi nhà mới đang dần hoàn thiện từ nguồn hỗ trợ, bà Lưu Thị Chề (SN 1972), dân tộc Nùng ở thôn Nguộn, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) cùng các con cẩn thận lau từng viên gạch mới lát. Thấy có khách, bà vội trải chiếc chiếu đã cũ rồi mời khách ngồi. Chồng bị bệnh, thường xuyên phải điều trị, bản thân lại bị khiếm thính nên từ khi ra ở riêng, hai vợ chồng phải chật vật mưu sinh và luôn nằm trong danh sách hộ nghèo.

Từ nuôi tắc kè, hiện gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Thượng, xã Long Sơn (Sơn Động)có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Cuộc sống càng khó khăn khi 3 người con lần lượt chào đời. Chính vì vậy, dù ngôi nhà cũ đã xuống cấp nhiều năm nhưng bà không có khả năng xây dựng lại; các con cũng phải nghỉ học giữa chừng. Giữa năm nay, cùng với 94 triệu đồng hỗ trợ của T.Ư, tỉnh và nhà hảo tâm, gia đình bà vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây mới ngôi nhà cấp 4 rộng 100 m2.

Quá trình thi công, người thân, hội viên các hội đoàn thể của thôn cũng giúp đỡ toàn bộ ngày công xây dựng. Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Kiên Thành nói: “Nếu theo các tiêu chí của chuẩn nghèo đa chiều mới, gia đình bà Chề vẫn thuộc diện hộ nghèo. Dù vậy, bà vẫn quyết định xin ra khỏi hộ nghèo vào cuối năm nay để tự nỗ lực phấn đấu vươn lên”.

Năm 2021, toàn tỉnh có 24.639 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,27%, hộ cận nghèo là 24.516 hộ, chiếm 5,24%. Năm 2022, số hộ nghèo giảm còn 17.946 hộ, chiếm 3,81%, hộ cận nghèo còn 19.797 hộ, chiếm 4,2%. Dự kiến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn khoảng 3%.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn tỉnh có 24.639 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,27%, hộ cận nghèo là 24.516 hộ, chiếm 5,24%. Năm 2022, số hộ nghèo giảm còn 17.946 hộ, chiếm 3,81%, hộ cận nghèo còn 19.797 hộ, chiếm 4,2%. Có được kết quả này, cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều hộ thể hiện tinh thần vượt khó, tự nguyện xin thoát nghèo.

Tại Lục Ngạn, năm 2022, toàn huyện có 20 hộ tại các xã: Sa Lý, Hộ Đáp, Đồng Cốc, Biển Động, Hồng Giang, Kiên Thành và Phượng Sơn viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tương tự, tại huyện Sơn Động, số hộ nghèo, cận nghèo xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng tăng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Trường hợp hộ ông La Văn Thuận (SN 1972), thôn Tảu, xã Long Sơn là một ví dụ.

Theo lời ông, trước đây, cũng có thời gian ông từng không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo vì những khoản hỗ trợ sẽ không còn nhưng nghĩ lại thấy mình còn khỏe, gia đình có đất, có vườn nên năm 2020, ông quyết định xin ra khỏi danh sách. Quyết tâm thoát nghèo, trên diện tích 2 ha đất rừng của gia đình, vợ chồng ông quan tâm chăm sóc, đưa giống mới vào sản xuất. Có thu nhập từ rừng trồng, gia đình có điều kiện mua sắm các đồ dùng trong nhà như ti vi, tủ lạnh, xe máy... Cuộc sống gia đình đã ổn định hơn và ngày một đi lên.

“Khi đã bước qua ranh giới nghèo, vợ chồng tôi có động lực hơn để tiến lên phía trước. Đầu năm 2022, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 70% giống cây ba kích, tôi chuyển hơn 1 ha vải thiều kém hiệu quả sang trồng hơn 5 nghìn cây ba kích tím. Khoảng 4-5 năm nữa, diện tích này sẽ cho thu hoạch”, ông La Văn Thuận vui vẻ nói.

Giúp nhau cùng thoát nghèo

Công tác giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó mấu chốt là người nghèo phải có quyết tâm, tự lực thoát nghèo. Việc người dân tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là việc làm cho thấy họ đã thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có ý chí vươn lên. Điểm nhấn đáng chú ý là hầu hết các hộ xin thoát nghèo đều năng động hơn trong phát triển kinh tế, cuộc sống ngày một tốt hơn, có hộ còn giúp đỡ những hộ nghèo khác trong thôn, xã.

Hoàn thành xây dựng nhà, cuối năm nay bà Lưu Thị Chề (thứ hai từ trái qua), thôn Nguộn, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) tự nguyện thoát nghèo.

Điển hình như sau khi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo năm 2022, vợ chồng anh Vũ Văn Tuyên, thôn Nam Sơn, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) cùng đi xuất khẩu lao động, hiện thu nhập ổn định. Hay như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Thượng, xã Long Sơn (Sơn Động) vươn lên trở thành hộ sản xuất tiêu biểu của địa phương.

Được biết, trước đây do đầu tư chăn nuôi lợn đúng thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, vợ chồng chị mất trắng, nợ hàng trăm triệu đồng, từ đó trở thành hộ nghèo. Không chịu chùn bước trước khó khăn, năm 2019, được địa phương hỗ trợ, chị cải tạo khu chuồng nuôi lợn cũ rồi mua 100 con tắc kè giống về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi, đàn tắc kè ngày càng phát triển, hiện gia đình luôn duy trì khoảng 3 nghìn con trong chuồng.

Năm 2021, lứa tắc kè đầu tiên được bán, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng nên chị quyết định xin thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Long Sơn nói: “Để nhân rộng mô hình nuôi tắc kè, năm 2022, UBND huyện dành 100 triệu đồng hỗ trợ 4 hộ nghèo trong xã. Từng trải qua giai đoạn khó khăn, vợ chồng chị Thắm thấu hiểu hoàn cảnh của các hộ nên cung ứng giống với giá thấp hơn thị trường 20%, đồng thời nhận hỗ trợ kỹ thuật. Nếu thuận lợi, năm 2023, 4 hộ này sẽ có thu nhập từ nuôi tắc kè, địa phương cũng sẽ có thêm 4 hộ thoát nghèo”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh bình quân 1%, riêng huyện nghèo Sơn Động giảm từ 4-5%/năm; xã đặc biệt khó khăn giảm 3,5% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh dành hơn 431 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư hơn 388 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh để thực hiện 7 dự án, trong đó có một số dự án đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các hộ nghèo như cải tạo nhà ở, đào tạo nghề, phát triển sản xuất.

Đến nay, các địa phương đã đào tạo nghề cho gần 2,3 nghìn người, trong đó hơn 1 nghìn lao động có trình độ sơ cấp. Cùng đó, từ năm 2021 đến nay có 313 hộ được hỗ trợ cải tạo, xây dựng nhà ở, hiện có 275 hộ hoàn thiện, chuyển sang ở nhà mới. Đối với dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, các địa phương đã phê duyệt được khoảng 30% dự án hỗ trợ, chuẩn bị triển khai.

Mặc dù vậy, để giảm nghèo nhanh và bền vững, vai trò của người dân, đặc biệt là bản thân người nghèo là nhân tố quyết định. Do đó, mỗi hộ nghèo cần có ý chí tự lực, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội để tự thoát nghèo, giúp đỡ các hộ khác cùng vươn lên.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/413060/neu-cao-y-chi-tu-luc-chung-tay-giam-ngheo.html