Nét đẹp trong nghi lễ cưới hỏi của đồng bào các dân tộc

Tỉnh ta có 12 dân tộc cùng sinh sống, với nhiều phong tục đặc sắc. Trong đó, lễ cưới hỏi với các nghi thức, thủ tục, đồ sính lễ được bà con coi trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng, chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống.

Gối, ghế, cuộn vải là những món quà hồi môn cô dâu người dân tộc Thái biếu gia đình bên chồng.

Gối, ghế, cuộn vải là những món quà hồi môn cô dâu người dân tộc Thái biếu gia đình bên chồng.

Sau khi đôi trai gái người dân tộc Thái đã tâm đầu ý hợp, nhà trai sẽ nhờ ông mối, bà mối (po xứ, me lãm) mang trầu cau, kẹo, bánh, 2 nải chuối, 2 bó mía đến đánh tiếng với nhà gái, hỏi ý kiến nhà gái về đồ sính lễ, ấn định ngày cưới, giờ đón dâu. Tùy theo từng dòng họ mà làm lễ to hay nhỏ. Cùng đồ sính lễ để thắp hương cho gia tiên, nhà trai sẽ mang đến nhà gái một con lợn, gạo nếp, rượu... để mời anh em, họ hàng đến mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Nghệ nhân Lò Thị Ban, tổ 3, phường Chiềng An, Thành phố, chia sẻ: Trong lễ cưới, bạn bè, người thân hai bên gia đình sẽ hát đối đáp với nhau. Những câu hát thường được chọn từ các tác phẩm trường ca Thái cổ, như Tiễn dặn người yêu, Tản chụ sống xương, Tản chụ xiết xương, XCók, Xken... nhằm khen rể, khen dâu, chúc cho đôi trẻ sống cùng nhau đến bạc đầu.

Trong ngày cô dâu về nhà chồng, đồng bào Thái một số vùng còn có một nghi lễ đặc trưng là “tẳng cẩu”. Hai người phụ nữ có cuộc sống gia đình êm ấm, khéo ăn nói, hiểu biết phong tục tập quán sẽ “tẳng cẩu” cho cô dâu và hát dặn dò cô dâu những điều hay lẽ phải trước khi về nhà chồng. Sau đó, nhà gái sẽ giao con gái cho nhà trai và trao quà hồi môn, gồm chăn, đệm cho bố mẹ chồng, khăn piêu, gối cho người thân bên chồng.

Đối với dân tộc Mường, việc tổ chức hôn lễ cũng có các bước như ướm hỏi (kháo thiếng), dạm ngõ (ti chầu năm), ăn hỏi (ti chầu cả), lễ đón dâu (ti du). Đầu tiên ông mối (ông mờ) sẽ thay mặt nhà trai đến đặt vấn đề, nếu nhà gái bằng lòng, hai bên thống nhất làm lễ bỏ cơi trầu ăn hỏi... Ông Triệu Tiến Phương, Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Phù Yên, cho biết: Đến ngày cưới, đoàn nhà trai do ông mối dẫn đầu sang nhà gái trao sính lễ và xin đón dâu. Nhà gái cử vài chục người đi đưa dâu. Ngoài đồ dùng riêng, cô dâu còn mang theo quà tặng để biếu bố mẹ chồng và họ hàng nhà chồng. Sau đón dâu 3 ngày, nhà trai mới làm lễ để cô dâu về thăm bố mẹ đẻ.

Còn với người Dao Tiền, khi đôi trẻ hợp ý và được sự chấp thuận của hai bên gia đình, nhà trai sẽ đến nhà gái làm lễ dạm hỏi. Sau đó, cho con trai sang nhà gái ở từ 3 ngày đến 3 tháng để giúp việc trong gia đình, trả công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ vợ, tỏ lòng biết ơn đối với đấng sinh thành. Đồng thời, cũng là thời gian để đôi trẻ tìm hiểu nhau thêm, trước khi tiến đến hôn nhân.

Sau đó, nhà trai sẽ cử nam, nữ thanh niên đưa đồ dẫn cưới sang nhà gái và ở lại phục vụ đám cưới tại nhà gái. Nhà gái đón tiếp nhà trai, làm lễ cắt khẩu, nhập khẩu cho cô dâu. Đặc biệt, còn có lễ thắt dây tơ hồng tiến hành trước sân nhà gái, vừa để đất trời chứng giám cho đôi trẻ nên vợ, thành chồng, vừa mang ý nghĩa kết nối cuộc đời 2 người, từ nay về chung một nhà, sống một đời son sắt, thủy chung. Với những nghi thức đặc sắc cùng giá trị về văn hóa tiêu biểu, nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019.

Những đôi trai gái dân tộc Mông thường tự tìm đến với nhau qua các dịp lễ, tết, chợ phiên. Sau khi tìm hiểu và được đôi bên gia đình đồng ý, nhà trai sẽ tổ chức nghi lễ “kéo vợ”. Thủ tục được thực hiện hoàn toàn tự nguyện, khi cô gái đã chấp nhận làm vợ chàng trai. Sau đó, ông mối đại diện cho nhà trai sang nhà gái hỏi cưới. Ngoài những lễ vật ăn hỏi giống các dân tộc khác, như, rượu, chè, thuốc, gạo, đôi gà... đồ dẫn cưới nhà trai mang sang nhà gái còn phải có đồng bạc trắng hoa xòe. Khi đưa cô dâu về nhà chồng, dù ở gần hay xa, đồng bào Mông đều tổ chức ăn bữa cơm dọc đường để báo với thần linh là nhà trai đã đón được cô dâu về nhà mình và mời các vị thần linh chứng kiến.

Cùng với xu hướng phát triển, giao lưu, hội nhập, nghi thức cưới hỏi, quan niệm, phong tục hôn nhân của đồng bào các dân tộc cũng có nhiều thay đổi. Các nghi lễ được tổ chức gọn nhẹ, nhiều tập tục không còn phù hợp dần được bà con xóa bỏ. Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, không thách cưới, lễ vật đơn giản, ý nghĩa, giúp các gia đình tiết kiệm chi phí, vun vén cho con cháu xây dựng cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.

Bài, ảnh: Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/net-dep-trong-nghi-le-cuoi-hoi-cua-dong-bao-cac-dan-toc-pt8SYGkSg.html