Nam GenZ bật mí khoản chi chưa từng hối hận để giành học bổng toàn phần Thạc sĩ Châu Âu

Dư Hoàng Khang (sinh năm 1997) là cử nhân trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Hiện tại, anh chàng đang theo học Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Truyền thông (Communication Management) tại đại học Wroclaw, Ba Lan với học bổng toàn phần từ Arqus Alliance (liên minh gồm 9 trường Đại học ở Châu Âu).

Tốt nghiệp Cử nhân ngành Kinh doanh Quốc tế tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) năm 2019, Hoàng Khang xuất sắc khi tiếp tục giành được học bổng toàn phần hệ Thạc sĩ từ Arqus Alliance (liên minh gồm 9 trường ĐH ở châu Âu) để có cơ hội được học tại Đại học Wroclaw, Ba Lan.

Theo chia sẻ của Khang, học bổng này có tổng cộng 9 suất cho mỗi đợt 1 và đợt 2, tương ứng với 9 trường, mỗi trường có 01 suất; không giới hạn về quốc tịch/màu da hay chuyên ngành - dành cho cả sinh viên ở châu Âu và ngoài châu Âu.

Với học bổng đạt được, Hoàng Khang sẽ được miễn toàn bộ học phí cho chương trình Thạc sĩ, hỗ trợ sinh hoạt phí là 1400 EUR/tháng trong suốt quá trình học. Ngoài ra, đối với sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn có hỗ trợ đặc biệt 250 EUR/tháng.

Trải nghiệm lần đầu của Hoàng Khang khi tham quan phố cổ tại thành phố Wrocław, Ba Lan.

Nam du học sinh cho biết: “Theo mình thấy mức 1400 EUR/tháng khá thoải mái khi học tập tại các trường trong khối liên minh Arqus. Sau ba tháng học tập và sống tại Ba Lan, mình tiết kiệm kha khá để có thể du lịch và trải nghiệm các thành phố khác ở châu Âu”.

Tính đến hiện tại Khang đã có cơ hội tham quan được các thành phố nổi tiếng như Prague (Cộng hòa Séc), Berlin (Đức), Krakow (Ba Lan) và sắp tới là Milan (Ý) và Hallstatt & Vienna (Áo).

Tâm sự về ước mơ du học, Hoàng Khang bày tỏ ngày từ năm nhất, năm 2 đại học (cuối năm 2017) đã nung nấu dự định này. Tuy nhiên, tại thời điểm đó hồ sơ của Khang gần như không có gì nổi trội, bên cạnh đó tài chính gia đình cũng sẽ không đủ chi trả cho các chương trình Thạc sĩ ở Châu Âu. Từ đó, anh chàng quyết định sẽ hoàn thành bậc Cử nhân ở Việt Nam và không ngừng nâng cấp bản thân để sẵn sàng cho các cơ hội học bổng Thạc sĩ sau này.

Trước khi theo đuổi giấc mơ du học, Khang cho biết đã “thử” những trải nghiệm quốc tế và nhận ra rằng thế giới ngoài kia vẫn còn nhiều điều thú vị để khám phá. Nam sinh nhớ như in hè năm 2018, sau khi đăng ký tham gia tình nguyện quốc tế cùng AIESEC tại Malaysia để “sống thử” 6 tuần tại đất nước này đã mở ra cho Khang thêm nhiều vốn sống, trải nghiệm.

Sau đó, hè năm 2019 chàng trai cũng may mắn được chọn là 1 trong 6 sinh viên được học bổng toàn phần từ AYFN (ASEAN Youth Friendship Network) để trải nghiệm 1 tuần ở Osaka và Kyoto, Nhật Bản. “Sau những hành trình gặp gỡ và khám phá thế giới, mình luôn không ngừng tìm kiếm cơ hội để được trải nghiệm nhiều hơn và mình đạt được sau 3, 4 năm cố gắng”, Khang nói.

Ngày nhận được thông báo trúng tuyển học bổng toàn phần từ Arqus Alliance Khang vui sướng, háo hức chờ đợi ngày được đến Ba Lan học tập, bên cạnh cảm giác hạnh phúc anh chàng vẫn có chút tiếc nuối vì phải sắp xa người thân, bạn bè một khoảng thời gian tương đối dài.

Bên cạnh thời gian học tập căng thẳng, Khang thường tranh thủ các thời gian nghỉ cuối tuần để du lịch.

Hoàng Khang chia sẻ do kết quả học bổng thông báo khá muộn nên chỉ có 6 tuần để bàn giao toàn bộ công việc, chia tay gia đình, bạn bè. Thời gian này nam sinh cũng gấp rút chuẩn bị visa và thủ tục trước khi sang quốc gia mới.

Học bổng toàn phần Arqus Alliance không chỉ giúp nam sinh người Việt bớt gánh nặng tài chính mà còn mở ra nhiều cơ hội khác như được học tập và sống ở 2-3 đất nước trong suốt 2 năm học, gặp gỡ bạn bè quốc tế cũng như tham gia nhiều hoạt động tại khối liên minh Arqus.

Về mặt học thuật, Hoàng Khang được học thêm nhiều kiến thức, góc nhìn khác nhau về lĩnh vực truyền thông tại Ba Lan. Ngoài ra, vào tháng 2 năm tới anh chàng sẽ tham gia học kỳ trao đổi tại Đại học Padova, Ý.

Khang cho biết: “Đại học Padova, thành lập năm 1222, là một trong những trường lâu đời nhất nước Ý và có chất lượng về mặt nghiên cứu các nhóm ngành khoa học, trong đó có lĩnh vực truyền thông. Dự kiến, mình sẽ tìm các cơ hội thực hiện các bài nghiên cứu về lĩnh vực này trong thời gian trao đổi tại đây”.

Tiếp cận với môi trường giáo dục hoàn toàn mới, giai đoạn 2-3 tuần đầu khiến Khang khá chật vật do chương trình giáo dục có phần khác với chương trình Cử nhân từng học. Một số môn đòi hỏi sự tìm tòi rất kỹ, hiểu vấn đề rồi mới đề xuất giải pháp hợp lý. Bên cạnh đó, Khang còn được học chung với nhiều bạn với nhiều nền văn hóa khác nhau nên lại có thêm nhiều góc nhìn mới mẻ, thú vị hơn.

Để thích nghi nhanh chóng, Khang khẳng định điều cần có là thái độ và tư duy mở (open-minded). Hiện tại anh chàng đã sang Ba Lan học tập được 3 tháng và cũng chưa gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập và làm quen bạn mới.

Ảnh nam sinh chụp chung sinh viên thuộc chương trình Thạc sĩ Truyền thông tại Ba Lan.

Tuy nhiên, Hoàng Khang cũng thừa nhận rằng bản thân cũng đã phải đánh đổi một số thứ khác để theo đuổi ước mơ du học. Trong đó, nam sinh đã tốn kha khá chi phí cho các khoản ứng tuyển (admission fee) của một số trường và chi phí thi lại IELTS.

Một số học bổng yêu cầu bạn nhận được thư mời nhập học từ trường nên cũng đã phải chi khoảng 20, 50 hoặc 100 EUR cho mỗi lần ứng tuyển học bổng khác nhau. Ngoài ra, để cải thiện điểm IELTS cũng như bằng IELTS đã hết hạn, Khang đã phải thi lại IELTS ba lần từ năm 2020, chi phí khoảng 4.700.000 đồng/lần thi.

Khang cũng đã đánh đổi một số cuộc vui khác vào cuối tuần để dành thời gian tìm hiểu thông tin du học và ứng tuyển. Thời gian dành cho gia đình và người thân cũng ít hơn.

Hoàng Khang nói thêm: “Đầu tư cho giáo dục là những khoản đầu tư dài hạn mà bạn có thể cảm thấy bị “lỗ” ở thời gian đầu. Thế nhưng, mỗi lần bị “lỗ” đó lại có cơ hội rút ra những bài học mới cũng như động lực phấn đấu để không ngừng “nâng cấp” bản thân. Hoặc đơn giản là tìm kiếm các cơ hội trao đổi ngắn hạn nhưng vẫn không ảnh hưởng đến công việc hiện tại.”

Trong thời gian ứng tuyển học bổng, Khang luôn dành thời gian cho các mối quan hệ bạn bè chất lượng.

Điều nam du học sinh tâm đắc trong quá trình xin học bổng là việc “lì đòn” sau những lần thất bại. Khang không phủ nhận mỗi lần “trượt” học bổng bản thân rất buồn và hoài nghi bản thân nhưng vẫn phải tự động viên để không ngừng cố gắng.

Sắp tới, Hoàng Khang sẽ tập trung vào việc phát triển nội dung trên fanpage, hiện tại đã gần 10K followers do anh là founder. Các bài viết đăng tải là những chia sẻ, góc nhìn mới có thể truyền động lực đến nhiều bạn sinh viên Việt Nam hơn nữa.

Ngoài ra trong thời gian học tập tại Ba Lan Khang cũng sẽ tham gia và tổ chức tham gia những hoạt động để kết nối với sinh viên Việt Nam về các chủ đề về Nghiên cứu Khoa học, Học bổng, trao đổi sinh viên,…

Nhắn nhủ đến các bạn sinh viên có chung ước mơ du học, Khang gửi gắm: “Mình nghĩ hành trình ứng tuyển học bổng của mỗi người đều cần sự kiên trì và cố gắng từ sớm.

Hành trình này đôi lúc sẽ khó khăn nhưng hãy tận hưởng nó vì đây cũng là cơ hội để chúng mình không ngừng hoàn thiện bản thân. Hy vọng qua câu chuyện của mình, các bạn sẽ có thêm một góc nhìn mới về việc ứng tuyển học bổng (toàn phần) và đạt được những gì bạn đã đặt ra trên hành trình sắp tới”.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phương Nga

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-genz-bat-mi-khoan-chi-chua-tung-hoi-han-de-gianh-hoc-bong-toan-phan-thac-si-chau-au-post1597337.tpo