Na Hang bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Na Hang lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, tập trung khai thác tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch, trong đó chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Mấy năm gần đây xã Hồng Thái nổi lên như một địa điểm du lịch hấp dẫn. Huyện Na Hang đã nhanh chóng khảo sát, lập quy hoạch để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây. Ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, cán bộ xã đã thống kê những ngôi nhà ngói âm dương của người Dao tiền thôn Khau Tràng để có biện pháp bảo tồn. Một số ngôi nhà qua thời gian đã xuống cấp, được sự vận động của thôn, chủ nhà đã không phá dỡ xây nhà mới mà tiến hành tu sửa, chỉnh trang để làm du lịch homestay. Người dân đã thấy ngay được lợi ích của việc bảo tồn di sản, đó là quần thể những ngôi nhà ngói âm dương ở thôn Khau Tràng được bảo vệ nghiêm ngặt. Du khách đến tham quan, du lịch rất thích thú khi được ở trong ngôi nhà mái ngói âm dương của người Dao tiền nơi đây. Trong ngôi nhà, trang phục, tiếng nói, ẩm thực, các vật dụng, phong tục, tập quán của người Dao tiền được giữ gìn. Câu lạc bộ hát Páo dung được thành lập. Người dân còn tái hiện, trình diễn nghi lễ cấp sắc, cưới, nghệ thuật thêu phục vụ du khách.

Đà Vị bảo tồn làng nghề bún khô truyền thống thôn Phai Khằn, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Xã Đà Vị có nhiều ngọn núi cao giáp tỉnh Bắc Kạn và vùng lòng hồ sinh thái Na Hang rộng lớn. Hiện nay, xã đang tập trung bảo tồn làng nghề làm bún khô truyền thống của đồng bào Tày thôn Phai Khằn. Bún khô Đà Vị khác với những nơi khác là sợi to, ăn dai và ngon. Đã có hàng chục hộ trong thôn mua thêm máy móc mở rộng sản xuất, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Giờ bún khô Đà Vị trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Bên cạnh đó, xã còn phục dựng lại nghi lễ nhảy lửa của người Dao đỏ thôn Bản Lục. Năm 2019, lần đầu tiên đội nhảy lửa thôn Bản Lục đã ra huyện biểu diễn phục vụ du khách, quảng bá nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Ông Hoàng Minh Đằng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện khẳng định, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Điển hình như: Xã Thanh Tương có phong trào hát Then lan tỏa rộng khắp. Xã đã thành lập được Câu lạc bộ đàn Tính, hát Then. Câu lạc bộ đã mời Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm, thôn Nà Đồn làm cố vấn. Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn nhiệt huyết truyền lửa nghề. Ông còn truyền dạy đàn Tính, hát Then cho học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Na Hang. Còn xã Năng Khả vẫn lưu giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày. Hiện nay xã đang quy hoạch bảo tồn nét văn hóa dân tộc Tày tại thôn Nà Khá, Nà Vai để trở thành làng văn hóa homestay độc đáo, thu hút du khách thập phương đến trải nghiệm…

Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương mà công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Na Hang đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Năm 2019 toàn huyện đón trên 170 nghìn lượt khách du lịch, tăng gần 50% so với năm 2018. Qua đó cho thấy hướng đi đúng trong phát triển du lịch của huyện là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/na-hang-bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-130443.html