Mỹ có kế hoạch đầu tư 7,5 tỷ USD cho các điểm sạc pin xe điện

Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch tham vọng đầu tư tới 7,5 tỷ USD để mở rộng các điểm sạc pin cho xe điện tới những khu vực chưa có dịch vụ này.

California, bang có số lượng phương tiện giao thông chạy điện và cơ sở hạ tầng sạc pin hiện đại nhất ở Mỹ hiện nay: Ảnh minh họa: TTXVN

California, bang có số lượng phương tiện giao thông chạy điện và cơ sở hạ tầng sạc pin hiện đại nhất ở Mỹ hiện nay: Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, trước hết Washington cần phải vượt qua một loạt rào cản vốn khiến các nhà đầu tư tư nhân ngần ngại rót thêm vốn, đặc biệt ở những nơi khó tiếp cận.

Trải nghiệm hiện nay ở California, bang có số lượng phương tiện giao thông chạy điện (EV) và cơ sở hạ tầng sạc pin hiện đại nhất, cho thấy sự khó khăn để đạt những mục tiêu trong đề xuất chi tiêu ngân sách cho cơ sở hạ tầng lên tới 1.000 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn Quốc hội Mỹ thông qua.

Những năm gần đây, chính quyền bang California đã chi hơn 2 tỷ USD cho một loạt chương trình thúc đẩy EV, bao gồm cả chính sách phân phối bình đẳng các trạm sạc.

Chính quyền bang đã thu về hơn 25 tỷ USD thông qua chương trình mua bán tín chỉ carbon từ năm 2012 đến nay, một phần trong số đó dành cho các dự án EV và trạm sạc pin. Tuy nhiên, theo nghiên cứu do Hội đồng Quốc tế về giao thông vận tải sạch thực hiện và công bố, California hiện chỉ có chưa đầy 40% điểm sạc pin cần thiết để đáp ứng sự tăng trưởng dự kiến của EV đến năm 2025.

Gustavo Occhiuzzo - Giám đốc điều hành (CEO) công ty cung cấp dịch vụ sạc xe điện EVCS có trụ sở ở California, cho biết sự sẵn sàng của người tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng trong những quyết định xây dựng mạng lưới sạc điện của công ty ở những khu vực nông thôn và khó tiếp cận.

Theo ông Occhiuzzo, California là nơi mang lại doanh thu lớn nhất cho EVCS. Hiện công ty đang duy trì hơn 1.500 điểm sạc, phần lớn ở những cộng đồng khó tiếp cận ở California.

Tuy nhiên, với hầu hết những công ty tư nhân cung cấp dịch vụ sạc xe điện khác như EVgo, ChargePoint và Blink Charging Co, họ vẫn chưa thể thu lợi nhuận. Các lãnh đạo Evgo và ChargePoint cho rằng cần phải có sự ủng hộ lớn hơn từ chính quyền để mở rộng mạng lưới sạc điện đến những cộng đồng ở vùng sâu vùng xa và đưa ra những biện pháp khuyến khích chủ doanh nghiệp hoặc chủ đất cân nhắc lắp đặt các trạm sạc điện.

Hiện chính quyền bang California đã triển khai thêm nhiều chính sách khuyến khích dành riêng cho những cộng đồng khó tiếp cận. Số đơn đăng ký chương trình mua EV giảm giá của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình ở California từ đầu năm đến nay đã tăng 25% và khoảng 30% ngân sách chương trình sạc xe điện phổ biến nhất của bang là dành cho những cộng đồng cư dân này.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình của California lên quy mô toàn quốc sẽ đòi hỏi ngân sách liên bang lớn hơn. Daniel Davenport - Giám đốc cấp cao về ô tô tại Capgemini Americas, ước tính sẽ cần khoảng 50 tỷ USD để xây dựng mạng lưới sạc xe điện của Mỹ.

Hiện giới chức các bang và cấp liên bang cũng đang đối mặt với thách thức kép để tăng các điểm sạc điện. Trước hết, EV vẫn nằm ngoài khả năng tài chính của nhiều người tiêu dùng và một điểm sạc không được sử dụng tối đa công suất sẽ không bù đắp được chi phí vận hành. Các điểm sạc nhanh có thể nạp đầy pin xe trong nửa giờ có chi phí lắp đặt khoảng 100.000 USD.

Theo ước tính của các chuyên gia, các trạm sạc này cần được sử dụng ít nhất 20% năng suất trong ngày để phát huy hiệu quả. Đây là lý do khiến nhiều nhà cung cấp dịch vụ sạc điện thường ưu tiên đặt các điểm sạc ở những nơi dự báo có nhiều người sử dụng.

Tuy nhiên, trong tương lai, nhiều người Mỹ hơn có thể sử dụng EV cũ. Theo công ty nghiên cứu thị trường J.D. Power, hiện EV chỉ chiếm 0,3% tổng doanh số bán xe cũ tại tất cả đại lý bán xe cũ tại Mỹ, trong khi EV đang chiếm 3% doanh số bán xe mới. Dù vậy, để chiếm thị phần đáng kể trên thị trường xe cũ ở Mỹ, EV cần phải vượt qua một hành trình lâu dài./.

H.Thủy (Theo Yonhap)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-co-ke-hoach-da-u-tu-7-5-ty-usd-cho-ca-c-die-m-sa-c-pin-xe-die-n/212200.html