Một lối đi riêng khi viết về chiến tranh

Bên cạnh các tác phẩm truyện ngắn được đông đảo bạn đọc yêu thích, Lê Hoài Nam còn được biết đến là một cây bút viết tiểu thuyết đã gây được tiếng vang nhất định trong công chúng. Tám cuốn tiểu thuyết của nhà văn là thành quả của cả một chặng đường lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầy sáng tạo và say mê.

Trong đó phải kể đến cuốn tiểu thuyết gần đây - "Khắc tinh với thần chết", NXB Văn học, năm 2023, đã có những đóng góp mới mẻ, đáng trân trọng về thể loại tiểu thuyết của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Sự bứt phá trong chi tiết

Khác với thể loại truyện ký chủ yếu viết về người thật việc thật, thành phần cơ bản của tiểu thuyết lại chính là hư cấu, tưởng tượng, do nhà văn sáng tạo ra. Kể từ khi đất nước thống nhất, nhiều tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh đã bao quát được những vấn đề cơ bản của đời sống, số phận con người. Bước sang thời kỳ đổi mới, tiểu thuyết có phần bùng phát, thăng hoa, có sự chuyển đổi về tư duy nghệ thuật.

Đứng trước nhu cầu “đổi mới tư duy tiểu thuyết”, "Khắc tinh với thần chết" của Lê Hoài Nam đã khai thác đề tài chiến tranh bằng sự kiến giải độc đáo. Tham gia chiến đấu trực tiếp tại chiến trường Bình Trị Thiên, Lê Hoài Nam am hiểu tường tận cuộc sống trận mạc. Nhà văn đã mô tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng để đi đến tận cùng cốt lõi cuộc chiến tranh. Cuốn nhật ký của Trung úy cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm đã giúp Lê Hoài Nam có sự bứt phá trong việc sáng tạo, tinh lọc các chi tiết dữ dội của chiến trận, biến chúng thành những chi tiết văn học. Chính các chi tiết được sắp đặt một cách nghệ thuật đã làm nên cá tính, sức sống của nhân vật tiểu thuyết.

Nhà văn Lê Hoài Nam và cuốn sách viết về chiến tranh có nhiều tình tiết độc đáo.

Đối với tác phẩm văn học, nhân vật là yếu tố hàng đầu chi phối các yếu tố nghệ thuật khác. Trong "Khắc tinh với thần chết", Lê Hoài Nam đã phát huy được khả năng tiếp cận và phản ánh những biến động hào hùng và bi tráng, khốc liệt của chiến tranh. Các nhân vật đều được mô tả ở nhiều góc độ, nhiều bình diện, nhiều mối quan hệ, nhiều chiều kích và được đánh giá giá trị bằng tiêu chí nhân bản qua các tình tiết độc đáo, đậm chất nhân văn. Các tình tiết, sự kiện ghi trong nhật ký được Lê Hoài Nam vận dụng một cách sáng tạo vào việc khắc họa chân dung người lính.

Ngay từ phần đầu tác phẩm, Lê Hoài Nam đã để cho ba nhân vật Phạm Hữu Thẩm, Vũ Triền Sông và Nguyễn Văn Đắc cùng ở một đại đội, do Đại đội trưởng Nguyễn Viết Mậu chỉ huy. Lần đầu ra chiến trường, họ còn bỡ ngỡ và vấp phải những khuyết điểm. Sông bắn đạn AK khi chưa có lệnh, làm lộ bí mật đơn vị, Thẩm lần đầu nhìn thấy lính Mỹ sợ đến vãi đái ra quần.

Đi sâu vào những uẩn khúc của mỗi nhân vật, nhà văn đã xây dựng các tình tiết truyện bằng cách vừa sử dụng các trang nhật ký, vừa sáng tạo miêu tả bằng sự thấu hiểu và khả năng bao quát sâu rộng thực tế cuộc sống chiến đấu. Từ Đại đội trưởng Nguyễn Viết Mậu, chính trị viên Hoàng Như Quang, thủ trưởng Trần Trung Hắc, các chiến sĩ Thẩm, Sông và Đắc, đến ông già A Kôn, những cô gái KơNiêl, Hai Huê, Kim Huệ ..., mỗi nhân vật đều có cá tính riêng.

Hàng trăm trận đánh được nhà văn miêu tả tỉ mỉ, sinh động với rất nhiều dáng vẻ, nhiều kiểu đánh, độ nguy hiểm và đa dạng về cái chết... Mỗi trận đều hiện rõ tên địa danh, tên người chỉ huy cùng các chiến sĩ, điều đó càng làm tác phẩm gần với hiện thực, gia tăng tính thuyết phục. Những tên địa danh được liệt kê trong "Khắc tinh với thần chết" là chất liệu, là phương diện biểu hiện ngôn ngữ tiểu thuyết có tính thực tiễn gần gũi với đời sống chiến trường, nhằm khắc sâu tính hiện thực của tác phẩm.

Tiểu thuyết rất coi trọng thành phần miêu tả. Nhà văn đã khéo dùng nhật ký để nói về cảnh tang thương khủng khiếp này: “Những nơi giáp ranh giữa đồng bằng, đầu lâu, xương sống, xương ống, xương sườn... phơi trắng lối đi (...) Nhiều cái đầu lâu chúng cắm trên cái cọc” (tr 88). Bên cạnh đối thoại, độc thoại nội tâm, các tình tiết cũng đóng vai trò chủ yếu trong phương thức trần thuật. Nó trở thành một biện pháp nghệ thuật có hiệu quả trong quá trình sáng tạo sao cho giống với hiện thực nhất. Câu mở đầu của các trang nhật ký đều được ghi bằng một thời gian ký ức với các từ “ngày...tháng...năm...”. Thời gian ký ức đó đã trở thành bảo bối của nhà văn nhằm xâu chuỗi các số phận, các sự kiện xảy ra trên chiến trường, tạo ra lợi thế cho tác giả trình bày những suy nghiệm có tính tư tưởng, đẩy tới các tình huống của truyện.

Tình huống truyện bất ngờ, lôi cuốn

Tình huống bất ngờ, gây sốc đó là cái chết của Đắc. Bởi Đắc đã theo Sông và Thẩm cùng chịu đựng gian khổ, nguy hiểm, từng thề sống chết chiến đấu có nhau. Đắc còn được chính trị viên biểu dương trước đại đội. Vậy mà chỉ sau vài ngày, khi Đắc bị bắt, anh đã nhận lời chiêu hồi. Tình huống đầy kịch tính, bất ngờ này đã được đẩy lên đến điểm đỉnh khi Đại đội trưởng Mậu quyết định “xử lý luôn đi” (tr 112). Trong khoảnh khắc không do dự đó, Thẩm dùng khẩu Dragunov cùng loạt đạn đại liên của Sông và trung đội 1, trung đội 2 hạ gục “con đầm già” mà có Đắc ngồi trong đó.

Để tạo ra tình huống độc đáo này, Lê Hoài Nam vừa sàng lọc, lựa chọn sử dụng nhật ký đúng chỗ, vừa phát huy sức mạnh của trí tưởng tượng, kiến giải chiến tranh bằng nhiều chiều kích nên thuyết phục người đọc. Hơn nữa cách xử sự của Thẩm và Sông trong việc chôn cất Đắc vừa là bằng chứng về sự nhào nặn ghê gớm những bất thường của chiến tranh, vừa là một bằng chứng về vẻ đẹp vị tha cao cả, ăm ắp tình người mà không dễ thời nào cũng có được.

Trong tình huống nguy hiểm thể hiện bản lĩnh anh hùng. Đó là sau khi Thẩm “bắn một quả B41 vào nhà chỉ huy... Thịnh bắn trung liên vào nhà ăn” khiến quân ngụy chết và bị thương hàng loạt. Do vết đạn xuyên qua hai mắt cá chân đã khiến Thẩm không thể chạy thoát, không may trốn vào chính nhà tên ấp trưởng. Bị lộ, Thẩm đã tỏ rõ thái độ bình tĩnh, gan dạ và thông minh xử lý tình huống rất linh hoạt. Nhờ cách đó anh đã thoát ra được khỏi vòng trùng vây. Nhưng cơn sốt rét quen thuộc lại ập tới, làm Thẩm rã rời, suy kiệt, cùng lúc lại bị giặc bao vây, bắn phá, khiến “Thẩm nằm im không nhúc nhích. Trời nóng hầm hập, mồ hôi nhớp nháp. Kiến, bọ, sâu róm, sâu đo... bò khắp người, áp chế thần kinh” (tr 275). Ngôn ngữ độc thoại của nhân vật Thẩm ở đây cho thấy sự từng trải, sự khám phá, sáng tạo đáng trân trọng của nhà văn.

Lê Hoài Nam đã tạo sự tái ngộ kỳ diệu bằng tình huống thật lãng mạn. Nhà văn để Thẩm được gặp lại KơNiêl trong cảnh ngộ đặc biệt. Vượt lên trên đạn bom, họ đã biết cách tạo niềm vui sống. Để có cuộc sống đẹp, họ đã không bỏ lỡ cơ hội để hưởng thụ vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của con người. Nói về tình yêu của Phạm Hữu Thẩm và KơNiêl, nhà văn đã không ngần ngại miêu tả chất sắc dục tình yêu nhục thể, một lĩnh vực rất riêng của mỗi cá nhân. Đi sâu vào thế giới nội tâm để nhà văn khám phá chiều sâu tâm tính, nhận diện hình ảnh con người đích thực. Mô tả tình yêu trong chiến tranh, Lê Hoài Nam để sự lãng mạn đồng hành cùng tiếng súng với vô vàn nguy hiểm, nên trang viết đầy ắp hiện thực.

Theo Lê Hoài Nam, chúng ta chiến thắng đối phương là vì có đường lối chiến lược chiến thuật đúng đắn của Đảng, có sức mạnh đoàn kết dân tộc, có quân đội anh hùng, chiến sĩ ta sống có lý tưởng, “Sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc" (tr. 78). Tiểu thuyết "Khắc tinh với thần chết" đã cho ta hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại chống Đế quốc Mỹ. Nếu Mỹ có sức mạnh về tiềm lực kinh tế và vũ lực quân sự, thì dân tộc Việt Nam có vũ khí tinh thần thép của mình. Sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc đã lập nên kỳ tích vĩ đại.

"Khắc tinh với thần chết" là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh theo một lối riêng. Lê Hoài Nam đã chọn cách nhìn về cuộc sống nơi chiến sự một cách ngoạn mục khác lạ, thấu hiểu sâu rộng và độc đáo. Với cái nhìn đa diện, nhiều chiều, tác phẩm đã thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới mẻ về hiện thực và về con người. Góp thêm một tiếng nói đáng ghi nhận vào sự thay đổi diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/mot-loi-di-rieng-khi-viet-ve-chien-tranh-i728051/