Mở rộng nguồn hiến mô - tạng để cứu người

Nhiều nước trên thế giới hàng chục năm qua đã tăng nguồn hiến mô, tạng từ người chết tim. Nước ta chưa có quy định này nên cần bổ sung để nhiều người bệnh có thêm cơ hội được cứu sống

ssssssTrên đường đưa anh L.V.H (SN 1982) từ TP HCM về quê ở tỉnh Nghệ An để trút hơi thở cuối cùng, người nhà đã quyết định hiến tặng mô, tạng của anh. Một cuộc lấy ghép mô, tạng đã được tiến hành thần tốc tại miền Trung để tiếp nối sự sống cho nhiều người khác trên cả nước đang mỏi mòn chờ tạng.

Danh sách chờ phủ dài cả nước

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, thận, phổi, giác mạc của anh H. đã được ghép cho người bệnh; còn lá gan được chuyển ra ngay Hà Nội để đưa vào cơ thể một bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Câu chuyện của anh H. đã lan tỏa giá trị tốt đẹp của việc "cho đi là còn mãi".

Ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)

Trong số các ca được nhận tạng ghép mới đây tại Bệnh viện Việt Đức có một bé gái 8 tuổi bị suy tim do bệnh lý giãn cơ tim nhiều năm. Từ tháng 6-2023, bệnh nhi có chỉ định ghép tim. Đầu tháng 1-2024, bệnh nhi được nhận tim từ người hiến là nam thanh niên mất vì tai nạn giao thông. Các bác sĩ đã xử trí để ca phẫu thuật thành công với trái tim ghép được đặt vừa lồng ngực bé gái. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi phục hồi tốt. Nhờ những nghĩa cử từ các gia đình trao tặng tạng của người thân sau khi chết não qua đời, các thầy thuốc đã thực hiện hàng trăm ca ghép, hồi sinh nhiều cuộc đời mắc các bệnh lý hiểm nghèo về tim, gan, thận...

Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế, với 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, đến nay cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép, song chỉ gần 6% số ca được ghép từ nguồn tạng là người cho chết não - tương đương gần 500 ca. Việt Nam hiện có gần 30 cơ sở y tế ghép tạng.

"Danh sách bệnh nhân chờ được ghép tạng ở nước ta hiện rất nhiều. Điều quan trọng là làm sao thay đổi được tư duy của gia đình người hiến. Một người chết não có thể hiến được 2 giác mạc giúp 2 bệnh nhân có thể tìm lại ánh sáng; 1 quả tim, 1 phổi, 2 quả thận, 1 lá gan, cùng rất nhiều mô - tạng khác giúp hồi sinh cho không ít người" - PGS Hệ nhấn mạnh.

Đề xuất hiến mô - tạng từ người chết tim

Trước thực trạng nguồn tạng quá ít, chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu, trong 10 năm qua, hiến tạng từ người chết tim tăng rất nhanh trên thế giới, mới đây các chuyên gia đã đề xuất bổ sung hiến mô - tạng từ người chết tim vào luật để có thêm nguồn tạng cứu hàng ngàn người. "Thế giới tận dụng các nguồn hiến tạng từ người sống và người chết. Với người chết, có 2 nguồn là chết tim và chết não. Việt Nam đã có luật, quy định hướng dẫn về chẩn đoán chết não nhưng luật chưa đề cập đến chết tim" - PGS Hệ nói.

Cũng theo chuyên gia về tạng này, Việt Nam đã có Luật Hiến ghép mô - tạng năm 2006 nhưng chỉ đề cập hiến từ người chết não. 20 năm qua, nhiều nước trên thế giới như Tây Ban Nha, Pháp, Úc, Ireland, Trung Quốc... đã tăng nguồn hiến mô - tạng từ người chết tim. Như ở Trung Quốc, hiến tạng được lấy từ 3 nguồn, gồm người chết não, chết tim và chết tim sau khi chết não. Cụ thể, ở Trung Quốc, 64% thận hiến từ người còn sống, 19% từ người chết tim, 17% từ người chết não. Người chết tim có thể hiến được phổi, thận, gan, tụy, các mô, giác mạc, xương, gân.

Tại Việt Nam, hiện 95% ca ghép tạng được tiến hành từ người cho sống, chỉ 5% ca ghép từ người cho chết não, ngược với xu hướng thế giới. PGS Đồng Văn Hệ đề xuất nguồn hiến tạng, hiến mô từ người chết tim cần được cụ thể hóa để đưa vào Luật Hiến ghép mô - tạng và xây dựng quy trình cụ thể.

"Nếu có những quy định về người chết tim thì sẽ có thể mở rộng thêm nguồn hiến tạng, mô, giúp rất nhiều cho ngành ghép tạng. Khi tim dừng, giới y khoa có nhiều cách để giúp cho quả thận, lá phổi và những tạng khác vẫn sống để ghép được cho người khác trong vài giờ" - PGS Hệ thông tin.

PGS-TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng - Bệnh viện Việt Đức, cho biết thực tế, nhiều người đồng ý hiến tạng nhưng trong quá trình đánh giá chết não, bệnh nhân bất ngờ ngừng tuần hoàn. Khi đó, bệnh nhân không thể hiến tạng (do không được quy định trong luật) nên gia đình xin đưa về, đồng nghĩa mất đi một nguồn hiến tạng cứu người quý giá. Vì vậy, việc xây dựng quy định về hiến tạng từ người chết tim là cần thiết để mở rộng thêm cơ hội nhận tạng hiến.

Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), ghép tạng từ người hiến ngừng tim hoặc ngừng tuần hoàn là một dạng hiến tạng mở rộng nhằm tận dụng tối đa những mô - tạng còn chức năng để ghép. Trên thế giới, nguồn hiến từ người chết não hay chết tim đã tăng. "Vì vậy, cần đề xuất bổ sung nguồn hiến từ người chết tim vào luật với việc xây dựng hoàn chỉnh, chặt chẽ các quy định về pháp lý, hành chính, tiêu chuẩn y khoa, tài chính. Đây là cơ sở để phát triển hệ thống hiến, điều phối, ghép mô - tạng, bảo đảm tính minh bạch, công bằng" - bác sĩ Thu nhấn mạnh.

Các chuyên gia tin rằng với việc làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, nước ta rất cần nhiều nguồn tạng hiến để người bệnh chờ ghép có thêm cơ hội sống. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người phù hợp với tình hình thực tế.

Xây dựng tiêu chí rõ ràng, minh bạch

Theo giới chuyên môn, cách thức, quy trình, tiêu chuẩn để chẩn đoán người chết tim rất khác so với quy trình chẩn đoán chết não. Do đó, cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn trong hiến tạng từ người chết tim. Với những quy định hoàn chỉnh, chặt chẽ về tiêu chuẩn y khoa, tài chính sẽ là cơ sở để phát triển hệ thống hiến, điều phối, ghép mô - tạng bảo đảm minh bạch, công bằng. Để xây dựng bộ tiêu chuẩn chết tim, nên tham khảo và áp dụng bộ tiêu chuẩn đã áp dụng trên thế giới.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-rong-nguon-hien-mo-tang-de-cuu-nguoi-196240306200817435.htm