Mặn mòi hạt muối

Năm nay, thời tiết nắng nóng giúp sản lượng muối ở khu vực Hòn Khói (thị xã Ninh Hòa) tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá muối giảm nên niềm vui của diêm dân chưa trọn vẹn.

Sản lượng tăng cao nhưng giá muối giảm

14 giờ, diêm dân vùng muối Hòn Khói bắt đầu thu hoạch muối dưới cái nóng hầm hập của ngày nắng gắt. Dù rất vất vả song chúng tôi có thể cảm nhận niềm vui trên những gương mặt đẫm mồ hôi. Luôn tay luôn chân, hết tháo nước vào ngâm ruộng, lại phụ cào dồn đám muối ở ruộng khác, ông Nguyễn Văn Tài (Tổ dân phố Phú Thọ 1, phường Ninh Diêm) cho biết, nghề muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, trời càng nắng thì hạt muối làm ra càng đẹp, càng trắng, sản lượng tăng lên. Trước đây, gia đình ông làm muối truyền thống (nền đất) rất vất vả nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Năm 2021, gia đình ông và em gái quyết định vay 400 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư làm muối trải bạt trên diện tích 2.000m2. Tuy chi phí đầu tư cao nhưng muối bạt cho chất lượng cao, sản lượng tăng lên, nhờ đó thu nhập ổn định hơn. “Riêng vụ muối năm 2023, tôi thu được khoảng 200 tấn muối với giá bình quân 1,5 triệu đồng/tấn, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, tuy giá muối chỉ còn khoảng 900.000 đồng đến 950.000 đồng/tấn nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng đạt cao nên cũng bù lại phần nào. Điều đáng mừng là muối thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua hết đến đó, không bị ứ đọng như nhiều năm trước” - ông Tài nói.

Diêm dân phường Ninh Diêm nhộn nhịp thu hoạch muối.

Trên ruộng muối của ông Lê Như Anh Huy (Tổ dân phố Phú Thọ 1), hàng chục người lao động đang rộn ràng thu hoạch, người cào, người đẩy muối lên khu vực tập kết. Gia đình ông Huy có tổng diện tích 4ha, trong đó có 1ha muối trải bạt tạo ô kết tinh, 3ha còn lại dùng để phơi nước. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, cứ 4 đến 5 ngày thu được khoảng 60 đến 70 tấn muối. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông đã thu được 600 tấn muối, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Huy chia sẻ: “Năm 2023, gia đình tôi thu được khoảng 2.000 tấn muối, với giá muối trung bình 1,5 triệu đồng/tấn, thu lãi khá. Năm nay, tuy giá muối có giảm nhưng sản lượng đạt cao nên người làm muối vẫn có lãi”.

Cào muối khoảng 4 giờ/ngày, diêm dân được trả công 350.000 đồng.

Ngoài các hộ dân, trên địa bàn phường Ninh Diêm còn có các công ty, hợp tác xã sản xuất muối với quy mô lớn. Điển hình như Công ty Cổ phần Muối Khánh Hòa, với diện tích sản xuất muối khoảng 350ha. Theo kế hoạch năm 2024, doanh nghiệp này sản xuất khoảng 25.500 tấn muối. Đến thời điểm này, công ty đã thu hoạch được khoảng 5.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông NGUYỄN VĂN TÍN - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm: Vùng sản xuất muối Ninh Diêm có tổng diện tích 500ha, có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, diêm dân. Hiện nay, hơn 99% người dân trên địa bàn đầu tư sản xuất muối bạt nên chất lượng tốt. Từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng nên sản lượng tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tuy nhiên, hiện nay, giá muối giảm nhiều so với năm 2023 nên diêm dân có lãi nhưng không đáng kể. Điều đáng mừng là muối thu hoạch đến đâu thương lái thu mua hết đến đó, không có tình trạng tồn đọng như nhiều năm trước. Tuy nhiên, đầu ra cho hạt muối vẫn chưa thực sự ổn định và bền vững.

Ổn định việc làm và thu nhập

Theo quan sát của chúng tôi, trong số nhân công thu hoạch muối, những lao động lớn tuổi chủ yếu cào muối, còn các lao động trẻ đảm nhận việc chuyển muối đến khu vực tập kết. Anh Nguyễn Văn Phát (30 tuổi, Tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm) đang đẩy những xe muối từ ruộng lên khu vực tập kết vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, khi các diêm dân sản xuất muối đất, sản lượng đạt thấp, những người làm công vất vả nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu nên chỉ có những người lớn tuổi theo nghề. Mấy năm gần đây, diêm dân chuyển qua làm muối bạt, sản lượng, doanh thu đều tăng nên tiền công theo đó cũng tăng lên. Vì vậy, thay vì đi làm công nhân, tôi đã về quê làm muối. Hiện tại, mỗi ngày, tôi làm khoảng 4 giờ, thu nhập gần 400.000 đồng. Mới đầu, nhìn cái nắng trưa như thiêu đốt da thịt, tôi rất ngại nhưng lâu dần thành quen nên giờ thấy rất bình thường”.

Năng suất muối đạt cao nhưng giá bán chưa ổn định.

Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt, bà Nguyễn Thị Hồng (Tổ dân phố Thạnh Danh, phường Ninh Diêm), đã hơn 20 năm trong nghề làm muối cho biết: “Những năm trước, việc gánh muối quá vất vả, thu nhập thấp nên đám trẻ ít làm. Bây giờ, nhiều việc hơn, thu nhập ổn định, nhờ đó lao động ngày càng trẻ hóa. Nhiều thanh niên trong xã thay vì đi làm công nhân xa nhà, nay đã quay về quê làm muối. Riêng vợ chồng tôi, hiện nay ngày nào cũng có người gọi đi làm muối, thu nhập cũng được từ 12 đến 14 triệu đồng/tháng”. Với những người lớn tuổi như ông Đặng Được (hơn 70 tuổi, Tổ dân phố Phú Thọ 1), đã có hơn 30 năm làm muối, ông vẫn đi cào muối đều đặn, mỗi tháng kiếm được 6 - 7 triệu đồng. Qua tìm hiểu, tiền công đẩy muối của một lao động khoảng 90.000 đồng/giờ, công cào muối 300.000 đến 350.000 đồng/ngày.

Người đẩy muối được tính công 90.000 đồng/giờ.

Chia tay các diêm dân khi ánh nắng chiều tà lấp lánh trên đỉnh các đống muối trắng xóa, thấp thoáng trên các thửa ruộng, những người lao động vẫn đang cần mẫn thu hoạch muối. Qua tìm hiểu của chúng tôi, cùng với sự nỗ lực của các diêm dân, việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất muối công nghệ cao, muối sạch đã góp phần gia tăng giá trị hạt muối ở Ninh Hòa. Đồng thời, Nhà nước đang chuẩn bị triển khai Dự án Đầu tư hạ tầng vùng muối Hòn Khói sẽ giúp mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho hạt muối.

CẨM VÂN - CÔNG ĐỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202404/man-moi-hat-muoi-5f97f5a/