Hoàn chỉnh liên kết chuỗi giá trị lúa gạo

Việc liên kết chuỗi giá trị lúa gạo cần sự chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các bên, từ đó giúp nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu thị trường

Ngày 2-5, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) phối hợp các đơn vị tổ chức hội thảo "Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo".

Nhìn nhận thấu đáo vai trò của thương lái

Ông Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó Chủ tịch VIETRISA - nêu quan điểm thương lái là lực lượng có đầy đủ thông tin về thời điểm chính xác thu hoạch lúa, lịch mở - đóng cống thủy lợi để thuận lợi vận chuyển lúa... Lực lượng này có nguồn lực mạnh về ghe, máy gặt đập liên hợp và tài chính. Do đó, qua khảo sát, có khoảng 60% doanh nghiệp (DN) thích mua lúa qua thương lái hơn là hợp tác xã (HTX).

Tuy nhiên, vẫn có một số thương lái dùng nhiều chiêu thức để ép nông dân. Bởi vậy, theo ông Trần Minh Hải, cần có chứng chỉ hành nghề hoặc một giải pháp khác giúp nhận diện thương lái tốt và thương lái chưa tốt. Thương lái tốt chính là lực lượng giúp nhà nước quản lý hiệu quả hơn, mềm dẻo hơn trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Đồng quan điểm, ông Võ Quốc Trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, đánh giá cao vai trò của thương lái khi 2,1 triệu tấn lúa ở địa phương được tiêu thụ phần lớn nhờ vào lực lượng này.

"Thương lái đóng vai trò cầu nối không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo. Khi dịch COVID-19 bùng phát, sự tham gia của thương lái và môi giới đã giúp sản phẩm lúa gạo của nông dân trong tỉnh không bị hư hao, thất thoát, được thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi" - ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, nếu có sự quan tâm đúng mức đến những thương lái có khả năng kết nối với DN chế biến, xuất khẩu lúa gạo và lực lượng môi giới trung gian đủ uy tín gắn kết cùng nguồn lực của tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là động lực thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo phát triển ổn định. Qua đó, giúp đáp ứng tiêu chí của Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam - Bộ NN-PTNT, cho hay cách đây 20 năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có một cuộc khảo sát với 25.000 thương lái ở ĐBSCL kết nối tiêu thụ 24 triệu tấn lúa/năm nhưng sau đó bỏ ngỏ vấn đề này cho tới bây giờ. Ông Tùng đánh giá hội thảo này là khởi đầu để có cách nhìn rõ hơn về vai trò của thương lái.

Việc phát triển liên kết bền vững chuỗi giá trị lúa gạo sẽ mang lại lợi ích cho các bên tham gia

Gỡ "nút thắt cổ chai"

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN-PTNT, liên quan sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL có nhiều mô hình liên kết thông qua các chủ trương lớn như Quyết định 80/2002 của Thủ tướng về tiêu thụ nông sản qua hợp đồng; Quyết định 62/2013 của Thủ tướng về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết để gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định 98/2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một vài địa phương ĐBSCL thực hiện Nghị định 98/2018.

"Muốn liên kết chặt chẽ, bắt buộc phải chia sẻ lợi ích từ khâu sản xuất bắt đầu, hay còn gọi là hợp tác từ đầu vụ. Đồng thời, khuyến khích liên kết giữa DN, HTX và nông dân trong các khâu sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường để có giá bán cao, giảm chi phí, hạn chế "bể" giao kèo" - ông Thịnh góp ý.

Cũng theo Cục trưởng Lê Đức Thịnh, rút kinh nghiệm từ mô hình Cánh đồng lớn, thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" cần lưu ý đưa nông dân vào HTX. HTX là đầu mối đại diện cho chuỗi giá trị canh tác, chia sẻ với nông dân trong chuỗi.

Từ góc nhìn DN, ông Nguyễn Đình Trọng, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm thiên nhiên King Green, dẫn chứng gạo dẻo của nước ta không thể làm phở, bún... Trong khi đó, do thị trường có nhu cầu nên Việt Nam phải nhập gạo của Ấn Độ. Vì vậy, đại diện DN kiến nghị việc phát triển gạo chất lượng cao phải gắn với cơ chế thị trường, trong đó cần định hướng quy hoạch vùng trồng đúng với yêu cầu thị trường để nâng cao giá trị của hạt gạo.

Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (Long An), cho rằng để xây dựng chuỗi giá trị thành công, không chỉ cần sự liên kết giữa HTX với DN mà hoạt động sản xuất cũng phải đạt chất lượng, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Khi có chương trình, đề án cụ thể, HTX triển khai cho các thành viên "thuộc bài" để thực hiện theo liên kết. Thành viên làm không đúng chuẩn sẽ bị đình chỉ 3 năm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận có "nút thắt cổ chai" trong việc liên kết bền vững chuỗi giá trị lúa gạo nhiều năm qua. Chỉ có khoảng 37% DN, HTX liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. "Hội thảo này không giúp giải quyết được ngay tồn tại nhưng giúp chúng ta có nhiều cách nhìn, cách hiểu để từng bước hoàn chỉnh hơn chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Theo thông tin từ hội thảo, vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã đề cập việc đưa VFA và VIETRISA vào cùng hợp tác để thực hiện chuỗi liên kết nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung, trong đó có Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Xây dựng sàn giao dịch bán lúa

Ông Trần Minh Hải thông tin: Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đang xây dựng sàn giao dịch bán lúa, kết nối người mua và người bán. Theo đó, khi nông dân bắt đầu xuống giống thì kê khai thông tin lên sàn để bên mua nắm được. Thương lái có nhu cầu mua thì đăng ký bằng CCCD, số điện thoại để được kết nối, tương tự như cách làm của một số ứng dụng công nghệ - dịch vụ hiện nay.

Bài và ảnh: CA LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoan-chinh-lien-ket-chuoi-gia-tri-lua-gao-196240502221338282.htm