Lớp học tiếng Anh của một thầy giáo mang cảnh phục

Đang là một giảng viên dạy tiếng Anh của Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy (Bộ Công an) ở Hà Nội, Đại úy Vũ Văn Chính đã xung phong rời khỏi chốn đô thành náo nhiệt để đến tăng cường tại một xã biên giới xa xôi, khó khăn và phức tạp, cách Hà Nội tới hơn 500km.

Lớp học tiếng Anh của Đại úy Vũ Văn Chính

Đó chính là xã Nậm Ban thuộc huyện Nậm Nhùn của tỉnh biên giới Lai Châu. Anh cũng là 1 trong 22 cán bộ chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Công an xung phong tăng cường về các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự trong đợt 2, giai đoạn 2023-2025 mà Bộ Công an phát động.

Ngay khi đến xã Nậm Ban nhận nhiệm vụ mới, Đại úy Vũ Văn Chính đã bắt tay ngay vào công việc được giao. Chia sẻ suy nghĩ lần đầu đặt chân đến mảnh đất này, anh cho biết, ở xã biên giới xa xôi, hẻo lánh, khó khăn như xã Nậm Ban, các em học sinh phải chịu rất nhiều thiệt thòi, thiếu thốn trong cuộc sống và học tập. Trong nhiều thứ thiếu thốn đó, có thiếu thốn về cơ hội học ngoại ngữ, vì ở vùng sâu vùng xa thường rất thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, nhất là cho cấp tiểu học và THCS.

Đó cũng chính là động lực để Đại úy Vũ Văn Chính vượt chặng đường dài đến với xã biên giới nghèo khó này, với mong muốn dành những kỹ năng, kiến thức, trình độ ngoại ngữ của mình để dạy cho các em nhỏ.

Anh cho rằng, việc dạy ngoại ngữ cho các em nhỏ có thể tiến hành vào các giờ phụ đạo sau giờ làm nhiệm vụ hoặc là vào ngày nghỉ nếu hôm đó không có vụ việc đột xuất hay vụ án…

Để thực hiện ý tưởng này, Đại úy Chính đã nhắm đến khoảng sân rộng có mái che của nhà ông Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban Nguyễn Văn Đài để mượn làm lớp dạy học. Còn bảng và bàn ghế thì mượn lại những thứ cũ kỹ, thải loại của trường tiểu học đem về sửa sang, dùng lại. Phấn viết thì anh nhờ đồng chí Trưởng công an xã Nậm Ban "tiện thể" chuyến đi công tác ở dưới phố huyện Nậm Nhùn mua giúp.

Sau một đêm suy nghĩ, hôm sau, Đại úy Chính báo cáo Ban chỉ huy công an xã rồi gặp ông Nguyễn Văn Đài bày tỏ tâm nguyện “muốn giúp các cháu học sinh được học ngoại ngữ”. Thật là hữu duyên, ông Phó Chủ tịch xã cũng đang có con học lớp 8, nên ngay khi nghe ý tưởng của đại úy từ Hà Nội lên công tác, đã hồ hởi đồng thuận luôn.

Ông Phó Chủ tịch xã nói với anh Chính là ngay ở bản Nậm Ô (trung tâm xã) đang có khoảng 6 cháu đang rất cần phụ đạo môn ngoại ngữ. Thế là đồng thanh tương ứng, với sự giúp sức của các phụ huynh và công an xã sở tại, một lớp học đơn sơ nhanh chóng được hình thành.

Lớp học đơn sơ của thầy giáo công an đã thành hiện thực

Thông tin từ Công an tỉnh Lai Châu cho biết, từ tháng 12-2023, tại lớp học đó, mỗi tuần có 3 buổi, các học trò nghèo lại hào hứng đến với người thầy đặc biệt mang quân phục màu mạ non.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đài, Phó Chủ tịch xã Nậm Ban: Lớp học chỉ có 1 thầy và 6 học trò. Các em ham học nên đến nay, sau 4 tháng triển khai, việc phụ đạo nhanh có kết quả. Những kiến thức căn bản về từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh, các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết được nâng lên rõ rệt sau thời gian ngắn. Các học trò cũng cảm thấy tự tin hơn và hứng thú học tiếng Anh hơn từ những giờ rèn luyện của thầy giáo Đại úy Vũ Văn Chính.

Thầy giáo ngoại ngữ mặc sắc phục công an

Và những em học trò nơi biên giới

Theo Đại úy Chính cho biết, hiện tại, đã có thêm một số phụ huynh muốn gửi con vào lớp phụ đạo tiếng Anh. Nhưng thời gian này, anh muốn dành phần thời gian dư rỗi để tập trung rèn luyện cho các cháu đã theo học từ tháng 12-2023 đến nay, để các cháu có thể làm bài thi cuối học kỳ 2 và cuối cấp đạt kết quả tốt nhất.

Đến dịp hè này, anh sẽ mượn nhờ khoảng sân nhà ông Phó Chủ tịch xã Nậm Ban để mở thêm một lớp học ngoại ngữ mới. Tuy nhiên, lớp tiếng Anh sắp tới này không chỉ có dạy kỹ năng ngoại ngữ đơn thuần, mà còn kết hợp với dạy về kỹ năng sống; tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng, hiểu biết về phòng chống ma túy, tác hại của bạo lực học đường và thậm chí có thể còn cố gắng truyền đạt, giáo dục thêm một số kiến thức về tâm lý lứa tuổi cho các cháu, do chính những chiến sĩ với cảnh phục màu mạ non đảm nhiệm.

Đại úy Vũ Văn Chính chia sẻ rằng, tất cả những việc làm này chỉ với mong muốn nâng cao nhận thức về pháp luật và truyền cảm hứng học tập nói chung và môn ngoại ngữ nói riêng, cho những đứa trẻ nơi vùng cao biên giới xa xôi, nghèo khó.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lop-hoc-tieng-anh-cua-mot-thay-giao-mang-canh-phuc-post734407.html