Lời cảnh báo bên những lò gạch cũ

Đã có những cái chết thương tâm, những tai nạn đau lòng để lại các di chứng nặng nề cho nhiều đứa trẻ khi vui chơi bên lò gạch cũ, bị tường lò đổ ập đè lên người.

Tất cả như lời cảnh báo đến các bậc phụ huynh lẫn chủ lò gạch cần thường xuyên kiểm tra độ an toàn của lò.

Tử vong thương tâm khi đang vui chơi

Nhiều người dân quanh năm làm rẫy ở thôn Ea Mao (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc, Đăk Lăk) như còn vẹn nguyên nỗi ám ảnh, đau tiếc trước sự việc đau lòng vừa xảy ra trên địa bàn. Như thói quen thường ngày, chiều muộn 18/5, nhiều trẻ em thôn Ea Mao túa ra các lò gạch cũ nô đùa, vui chơi.

Có ngày trời mát, học sinh còn tụ tập bên các lò gạch đông hơn. Bỗng nhiên, bức vách của một lò gạch cũ đổ ập xuống, gạch, đất văng khắp nơi và đè phủ lên người các cháu T.T (6 tuổi), D.H (5 tuổi), D.M (7 tuổi) và G.N (8 tháng tuổi được D.M bế theo đi chơi ở lò gạch).

Nghe tiếng kêu cứu thất thanh, người dân túa ra vạch đất, cào gạch cứu các nạn nhân nhưng còn quá nhỏ nên cháu G.N đã tử vong ngay. 3 nạn nhân còn lại nhanh chóng được đưa đến BVĐK vùng Tây Nguyên cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, gãy chân, chấn thương sọ não. Nhập viện không lâu, cháu D.M cũng tử vong.

Theo các bác sĩ BVĐK vùng Tây Nguyên: Đã huy động ê-kíp trực cấp cứu khẩn trương cứu chữa ngay nhưng vết thương quá nặng. Các tai nạn xảy ra do lò gạch cũ đổ thường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu. Trẻ thường ra chơi vô tư mà không chú ý đến điều này.

Nhiều người dân ở xã Ea Yiêng cho biết: Do bận bịu công việc nên trẻ em thường chơi tự do quanh các khu nhà cộng đồng hoặc ở những công xưởng cũ hay lò gạch. Giờ xảy ra tai nạn đau lòng này cần phải chú ý hơn.

Tại Đăk Lăk, 2 khu vực tồn tại nhiều lò gạch thủ công nhất là huyện KRông Păk và KRông Ana. Hiện nay, KRông Ana đã có thông báo dừng hoạt động các cơ sở sản xuất gạch nằm trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, gần khu dân cư, khu vực trồng lúa và hoa màu.

Khoảng cách tối thiểu phải đảm bảo là 100m. Tuy nhiên, bên các lò gạch cũ, các lò bỏ hoang cần phải thiết lập rào chắn hoặc các biển cảnh báo để trẻ em không được vào chơi, đến gần.

Cần phải đảm bảo an toàn tại các lò gạch cũ.

Cần chú trọng đến an toàn

Sau sự việc đau lòng xảy ra ở thôn Ea Mao, Sở LĐ-TB&XH Đăk Lăk, Quỹ Bảo trợ trẻ em Đăk Lăk đã phối hợp với chính quyền địa phương huyện Krông Pắc thăm hỏi, động viên, chia sẻ những mất mát với các gia đình có con bị nạn. Đồng thời chung tay hỗ trợ vật chất để các gia đình vượt qua đau thương.

Chính quyền địa phương cũng cho biết đã kêu gọi các chủ lò gạch cần phải thường xuyên kiểm tra an toàn khu vực sản xuất. Đặc biệt các lò gạch cũ phải chú trọng đến công tác an toàn. Nếu có yếu tố mất an toàn thì phải cảnh báo và cấm trẻ em, học sinh đến gần. Nếu không sự cố xảy ra các em sẽ không xoay sở được.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho trẻ em, mà nhiều lò gạch thủ công hiện nay còn gây ô nhiễm môi trường và bức bối cho đời sống người dân.

Điển hình như hàng chục cơ sở sản suất (lò gạch) gạch thủ công quanh Trạm Y tế xã Ninh Xuân và Trường Tiểu học số 1 Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Tại đây, mỗi khi các lò gạch hoạt động, những cột khói bay lên đen kịt rồi tỏa ra các khu dân cư, mùi khét lẹt. Nếu vào những ngày mưa thì bùn đất vương vãi khắp các đường liên xã, liên thôn, đời sống càng trở nên bức bối hơn. Một số người dân thôn Tân Mỹ (Ninh Xuân) cho biết: Phải thường xuyên nhắc nhở và canh chừng các cháu học sinh để không đến gần các lò gạch.

Một số chủ lò gạch thủ công bày tỏ tâm tư: Cũng muốn chấm dứt nghề nhọc nhằn này chuyển sang hình thức mới. Tuy nhiên, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ hoặc phương án chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý cho các chủ lò gạch thủ công.

Đông Hưng - LC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loi-canh-bao-ben-nhung-lo-gach-cu-n193272.html