Lì xì sách để món lộc đầu năm không bị 'lượng hóa'

Theo chị Bích Trâm - chủ kênh podcast Sách và Sống, lì xì sách thì món quà sẽ mang trọn ý nghĩa 'lộc năm mới', đồng thời là cơ hội để trò chuyện, thảo luận về sách và cuộc sống.

Chị Bích Trâm, chủ kênh podcast Sách & Sống cho biết trước đây chị thường dùng sách làm quà tặng trong các dịp như sinh nhật, Giáng sinh. Song lì xì sách thì năm nay chị mới tình cờ nảy ra ý định và lần đầu thực hiện sau khi nghe một cuốn sách nói mà chị cảm thấy rất tâm đắc.

Lì xì sách tặng kèm buổi gặp gỡ

Vừa qua, chị Trâm treo status "Lì xì cuốn sách Bắt đầu với câu hỏi tại sao cho người hữu duyên!"

Trong status, chị chia sẻ lý do muốn lì xì sách: "Thực sự được truyền cảm hứng và bị lay động bởi tinh thần cho đi của Simon, Trâm cũng muốn hưởng ứng lời kêu gọi của anh, rằng nếu cuốn sách này truyền cảm hứng cho bạn thì hãy trao nó cho người mà bạn muốn truyền cảm hứng". Điều đặc biệt ở phần lì xì sách này là: người nhận được lựa chọn giữa sách nói hoặc sách giấy, và được tặng kèm một buổi "hẹn hò" với chị.

Người mong muốn nhận sách sẽ cần chia sẻ với chị Trâm lý do mình muốn đọc cuốn sách này. Chị cho biết tiêu chí này đưa ra nhằm mong muốn người đọc có sự tìm hiểu về nội dung cuốn sách, đánh giá xem đây thực sự là trải nghiệm mình cần và mong muốn có hay không. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các "ứng viên tiềm năng", chị Trâm đã chọn được người nhận phần lì xì sách.

Lì xì sách đưa kiến thức đến gần hơn cuộc sống

Chị Trâm cho biết nhờ "cái cớ" lì xì sách mà chị và bạn đã có một buổi nói chuyện về sách và cuộc sống thật chất lượng.

Chị Trâm chia sẻ sở dĩ chị không muốn lì xì sách đại trà theo số lượng là vì muốn có những trao đổi cá nhân, thân mật, nội dung đi sâu với người đọc. Đây cũng là điều chị hướng đến khi thực hiện podcast Sách & Sống.

Cái tên này dễ khiến mọi người nhầm lẫn rằng nội dung podcast xoay quanh những triết lý, bài học khô khan. Song kỳ thực không phải vậy, mà trái lại, chị Trâm - sách và cuộc sống đến gần nhau hơn. Theo chị, sách không phải là thứ xa rời thực tế, mà là cái vừa phản ánh vừa xây dựng cuộc sống.

Chị Trâm kể rằng mỗi dịp Tết về quê nội, chị lại "lì xì" cho các em nhỏ một buổi trò chuyện. Là người lớn hơn, có nhiều kinh nghiệm trong đời sống hơn, nhưng chị vẫn nghĩ kinh nghiệm của mình là "hạt cát bỏ bể" nên nếu "nói có sách, mách có chứng", "tầm chương trích cú" thì sẽ đưa được góc nhìn khách quan, đúc kết sâu sắc hơn cho các em nhỏ. Năm ngoái, nhờ buổi nói chuyện như vậy mà chị Trâm đã truyền động lực cho một người em mình đọc quyển Người giàu có nhất thành Babylon.

Chị Trâm nhận định: Lì xì vốn là văn hóa mang ý nghĩa tích cực, là món lộc cầu chúc may mắn và niềm vui trong năm mới. Tuy nhiên, phần lì xì bằng tiền là một thứ có thể "lượng hóa" - so đo ít nhiều, từ đó làm méo mó ý nghĩa của tập tục này. Chị ví dụ: "Mình lì xì bạn A 100.000 đồng mà bạn B 200.000 đồng, nhiều khi lại bị suy diễn là mình thương B nhiều gấp đôi A!"

Chính vì điều này mà chị Trâm không thích lì xì tiền, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Chị cho rằng lì xì sách thì chẳng đem ra đong đếm giá trị vật chất, mà thay vào đó, người nhận sẽ nhìn vào chủ đề, nội dung của cuốn sách.

Chị Trâm không nghĩ rằng sách hay vật phẩm nào có thể thay thế hoàn toàn tiền lì xì. Phần vì đây vốn đã là một tục lệ lâu đời. Phần vì có những trường hợp lì xì bằng tiền thì sẽ hợp lý hơn: Đơn cử với ông bà, những người lớn tuổi, chút tiền mừng đầu năm sẽ vừa đảm bảo với các cụ rằng con cháu có thu nhập ổn định, lo liệu được cuộc sống riêng, vừa cho các cụ chút tiền sắm sửa, tiêu dùng.

Dẫu vậy, chị Trâm vẫn hy vọng lì xì sách sẽ lan rộng hơn nữa và trở thành một nét đẹp văn hóa đưa mọi người, cũng như đưa sách và cuộc sống xích lại gần nhau hơn.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/li-xi-sach-de-mon-loc-dau-nam-khong-bi-luong-hoa-post1458024.html