Làng quê Tế Hanh trước Cách mạng Tháng Tám qua bài thơ 'Một làng thương nhớ'

Làng ấy, buồn ủ rũ một bên sông

Hồn thương nhớ đắm chìm trong dĩ vãng

Thuở phong lưu, sắc đời đầy tươi sáng

Tơ lụa vàng chói rạng khắp bao thôn

Dưới trời xanh, soi biếc cả tâm hồn

Dâu tăm tắp từ đồng ra đến bãi

Đi hái lá, buổi chiều về cô gái

Vẳng lời ca ân ái khúc xuân tình

Tiếng chim ca nô nức với bình minh

Người thôn nữ thấy lòng như lụa mướt

Tay đưa thoi, ngồi dệt tình mơ ước

Đời thanh bình mây gió giục yêu đương

Đôi chàng trai lơ đãng để tơ vương

Đem tâm sự gửi vào giây chỉ mộng

Và con sông tưng bừng theo nhịp sống

Cũng rộn ràng lộng bóng những Tây Thi…

Nhưng một hồi tơ lụa phải ra đi

Hàng ngoại hóa giết dần hàng nội hóa

Vắng bóng kẻ sớm chiều đi hái lá

Dáng dâu mềm lả lướt đã nhường cho

Vẻ nặng nề không sắc của khoai ngô

Cỏ từ đây hắt hiu niềm nhớ tiếc

Những đôi lứa bỗng nhiên đành vĩnh biệt

Thôi còn đâu tha thiết với đường tơ

Việc hàng ngày vất vả, quá thô sơ

Đời lam lũ lấy gì thơ với mộng

Trước khung cửi nằm im chờ nhện đóng

Phận con tằm lỡ dở nghĩ mà thương

Bao trái tim góa bụa giữa tầm thường

Một thế hệ hao mòn trong lặng lẽ

Cho đến nỗi cháu nghe bà kể lể

Hạnh phúc xưa như thể chuyện hoang đường

Chỉ làng buồn còn giữ một màu tang

Và đất nhớ võ vàng mơ ước cũ

Và con sông âm thầm trong nước ngủ

Vẻ mồ côi của một xứ buồn tênh.

(1942)

Tế Hanh

Lời bình của Thanh Thảo:

Quê Tế Hanh vốn xưa có nghề trồng dâu nuôi tằm kéo tơ dệt lụa. Làng Bình Dương ấy đã có một thời phong lưu, thời mà đời sống người dân lao động tuy vất vả nhưng vẫn có nét thảnh thơi của một nghề dù “nuôi tằm ăn cơm đứng” nhưng thu nhập khá, lại không phải “chân lấm tay bùn”:

“Thuở phong lưu, sắc đời đầy tươi sáng

Tơ lụa vàng chói rạng khắp bao thôn

Dưới trời xanh, soi biếc cả tâm hồn”

Dĩ nhiên, khi viết bài thơ này, Tế Hanh vẫn còn là nhà thơ lãng mạn, ông nhìn cảnh sắc và nghề lao động đặc thù này với cái nhìn “làm đẹp hơn”. Dù sao, người đọc thơ vẫn cảm nhận được quê Bình Dương của Tế Hanh đã từng có một thời khá giả, tươi vui, cho tới khi…

“Nhưng một hồi tơ lụa phải ra đi

Hàng ngoại hóa giết dần hàng nội hóa

Vắng bóng kẻ sớm chiều đi hái lá

Dáng dâu mềm lả lướt đã nhường cho

Vẻ nặng nề không sắc của khoai ngô

Cỏ từ đây hắt hiu niềm nhớ tiếc

Những đôi lứa bỗng nhiên đành vĩnh biệt

Thôi còn đâu tha thiết với đường tơ”

Vẫn là cái nhìn buồn bã của một hồn thơ lãng mạn, nhưng nó không hề quay lưng với hiện thực của ngôi làng đã mất nghề trồng dâu nuôi tằm chỉ vì “Hàng ngoại hóa giết dần hàng nội hóa”. Bài thơ viết năm 1942, năm mà thực dân Pháp cai trị Việt Nam đã dâng thuộc địa Việt Nam cho phát xít Nhật, và nền kinh tế “nội hóa” đã suy kiệt, suy sụp vì dân ta bị “một cổ hai tròng”cai trị, vì chiến tranh thế giới thứ 2 đang lan rộng khắp thế giới. Ngày đó, cánh cửa mở ra xuất khẩu hàng hóa từ đô thị Hội An, phố thị Thu Xà đã không còn hoạt động như trước nữa, và không chỉ quê Tế Hanh, mà Quảng Ngãi tỉnh cũng lâm vào cảnh khổ nghèo vì chính sách thu gom lương thực tàn bạo của quân đội Nhật, và cách vơ vét “kiếm được miếng nào hay miếng đó” của các quan thực dân Pháp.

Đó là thời điểm cuộc Cách mạng sau đó 3 năm-cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đang âm thầm chuẩn bị, âm thầm chuyển động khắp 3 miền Nam-Trung-Bắc. Những người tù cộng sản được tha về từ Tây Nguyên và Côn Đảo đang kết nối hoạt động trở lại, bí mật tuyên truyền cho quần chúng những lời hiệu triệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về thời cơ toàn dân đứng lên cứu nước.

Bài thơ của Tế Hanh không tuyên truyền cho cách mạng, nhưng nó phản ánh một hiện thực về sự thay đổi xấu đi, thay đổi khó sống của đời sống một vùng quê cụ thể-quê Bình Dương của nhà thơ vào năm 1942:

“Chỉ làng buồn còn giữ một màu tang

Và đất nhớ võ vàng mơ ước cũ

Và con sông âm thầm trong nước ngủ

Vẻ mồ côi của một xứ buồn tênh”

Chỉ như thế thôi, nhưng yêu cầu phải thay đổi đã âm thầm dâng cao ngút. Và một nhà thơ lãng mạn trong trẻo hiền hậu như Tế Hanh, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông đã biết ngay mình sẽ đi cùng ai, đi về phía nào:

“Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển

Vẫn trở về lưu luyến bên sông”

(Bài “Nhớ con sông quê hương”)

Nhà thơ yêu quê hương, yêu nước đã có sự lựa chọn không do dự cho mình, cùng với quê hương mình:

“Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

Hình ảnh con sông quê mát rượi

Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới”

(Bài “Nhớ con sông quê hương”)

Bài thơ “Một làng thương nhớ” Tế Hanh viết từ năm 1942 và ít phổ biến hơn nhiều bài thơ khác của ông. Nhưng nó đã được in trong “Tế Hanh toàn tập” của NXB Văn Học, như một minh chứng cho con đường của nhà thơ Tế Hanh đến và đồng hành cùng Cách mạng.

THANH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202208/lang-que-te-hanh-truoc-cach-mang-thang-tam-qua-bai-tho-mot-lang-thuong-nho-3130777/