Lan tỏa tinh thần hiếu học qua Lễ giỗ danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa

Ngày 29/2 (tức 20 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Ban Tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm quận Bình Thủy long trọng tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 152 của danh nhân văn hóa Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Lễ giỗ diễn ra ấm cúng, trang nghiêm với sự tham gia của nhiều người dân địa phương và những người con mang họ Bùi khu vực ĐBSCL đã về dâng hương tưởng nhớ bậc tiền nhân. Đây cũng là hoạt động thường niên nhằm lan tỏa tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ.

Ban tế tự, hương văn, hương nhạc, hương lễ, học trò lễ thành kính đảnh lễ, cung kính hương, đăng, trà, quả tưởng nhớ công đức vị quan thanh liêm

Từ sáng sớm, Ban Quản lý Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã trang nghiêm tổ chức cúng Chánh Giỗ cụ Thủ Khoa. Ban tế tự, hương văn, hương nhạc, hương lễ, học trò lễ thành kính đảnh lễ, cung kính hương, đăng, trà,... tưởng nhớ công đức vị quan thanh liêm, một nhà thơ yêu nước, người con ưu tú của quê hương Cần Thơ.

Tại buổi lễ kỷ niệm sau đó, những người tham dự cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa với quê hương, đất nước thông qua những tiết mục văn nghệ được dựng hoạt cảnh, hát – múa đặc sắc và bài tưởng nhớ danh nhân của lãnh đạo UBND quận Bình Thủy.

Hoạt cảnh ca múa khắc họa chân cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Song song đó, Ban giám hiệu Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy cùng học sinh tham dự chia sẻ niềm tự hào khi được dạy và học tại ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa đất Tây Ðô.

Em Diệp Thành Phát, học lớp 12a8, trường THPT Bùi Hữu Nghĩa bày tỏ: "Hôm nay là lần đầu tiên em tham dự Lễ giỗ, em thấy rất là long trọng, là lễ lớn của Cần Thơ. Khi học trong ngôi trường mang tên Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa thì em thấy vui, hãnh diện, trong học tập em phải cố gắng hơn nữa để bản thân có thể hoàn thiện và phấn đấu tốt hơn trong tương lai".

Ông Nguyễn Chí Khoa, chắt ngoại đời thứ 5 của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã trao 20 phần học bổng cho học sinh khó khăn trên địa bàn

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi (1807-1872), quê quán tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Ðịnh (nay thuộc quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ). Ông là vị quan thanh liêm, danh nhân văn hóa nổi tiếng, được tôn vinh là “Rồng Vàng” của đất Nam bộ.

Ngoài việc dạy học Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa còn tham gia cách mạng. Vào tuổi 60, ông dùng ngòi bút thay gươm vừa để kêu gọi, cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân, vừa để lên án những tên quay lưng lại với đồng bào, đất nước. Thực dân Pháp đã nhiều lần tìm cách mua chuộc ông nhưng không thành công, vu khống ông có ý đồ chống Pháp, giam ông vào nhà lao. Tại nơi tăm tối ngục tù, ông vẫn làm thơ, tỏ rõ tinh thần, ý chí cương trực của mình.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ ôn lại chân dung Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cho thế hệ trẻ

Tinh thần ham học và dùng kiến thức bảo vệ đất nước của ông đã trở thành tấm gương sáng cho nhân dân Việt Nam, mà gần gũi nhất chính là các thế hệ con – cháu – chắt của cụ Thủ khoa. Ngay tại lễ giỗ, với mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ trong việc trau dồi tri thức, ông Nguyễn Chí Khoa, chắt ngoại đời thứ 5 của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã trao 20 phần học bổng cho học sinh khó khăn trên địa bàn.

Học sinh tham dự chia sẻ niềm tự hào khi được theo học tại ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa đất Tây Ðô

"Trước tiên cám ơn các cơ sở Đảng, ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã tổ chức một buổi lễ rất long trọng, quy mô hoành tráng. Dưới góc độ gia tộc chúng tôi rất là tự hào, vinh dự và hân hoan có tổ tiên được công nhận là danh nhân văn hóa Việt Nam.

Trước đây thời ba tôi là ông Nguyễn Chí Khương có lập một “quỹ học bổng Bùi Hữu Nghĩa”, quỹ này đóng góp bởi các thành viên trong dòng họ, không huy động từ nguồn khác. Theo truyền thống của cụ Bùi Hữu Nghĩa đó là khuyến học, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần rất nhỏ để tiếp sức cho các bạn hiếu học có hoàn cảnh khó khăn", ông Khoa nói.

Đây cũng là hoạt động thường niên nhằm lan tỏa tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ.

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa mất năm 1872, thọ 65 tuổi. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân trong vùng lập bài vị tôn thờ ông ở Đình Bình Thủy và chùa Nam Nhã. Mộ của ông xây bằng đá ong vào năm 1942 và được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994.

Không gian trưng bày mô hình trang trí thể hiện sự trân trongjdanh nhân văn hóa Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa bằng hoa - trái cây được các đơn vị xã/phường trên địa bàn quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ thực hiện

TP. Cần Thơ sau đó đã nhiều lần trùng tu, đầu tư xây dựng, mở rộng khu mộ thành Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, đưa vào hoạt động năm 2013.

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lan-toa-tinh-than-hieu-hoc-qua-le-gio-danh-nhan-van-hoa-bui-huu-nghia-post1079831.vov