Đêm Giang Thành (Kiên Giang) đầy cảm xúc

Đêm 26.4.2024, để chào mừng sự kiện - lễ Khánh thành đền thờ anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và TNXP hy sinh trên tuyến đường IC. Huyện Đoàn Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức buổi giao lưu giữa 150 Đoàn viên thanh niên với các Cô Chú Thanh niên xung phong Đường IC (TNXP IC ) huyền thoại.

Các bạn trẻ nơi huyện biên giới Giang Thành tỏ ra háo hức, có lẽ lần đầu các bạn được tiếp xúc, gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử, những người thật việc thật…nhìn các cô Chú với huân chương lấp lánh trên ngực các bạn đã thấy yêu quý, ngưỡng mộ và cảm phục.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Qua những câu chuyện kể về một thời đạn bom ác liệt, một thời gian khổ hy sinh, những câu chuyện suốt đêm vận chuyển vũ khí, những lần đánh giáp lá cà với giặc, những trận bị biệt kích bắn đạn như mưa, những lần vượt kênh Vĩnh Tế hiểm nguy- Kinh Vĩnh Tế còn được mệnh danh là kinh “Vĩnh biệt” con kênh không rộng nhưng sâu nước chảy, đồn bót giặc canh gác ngày đêm, tàu sắt hàn kín và tuần tra liên tục đến mức có thể ví một con ruồi không lọt qua được, nhưng vì là tuyến đường huyết mạch đi từ trung ương cục miền nam, từ biên giới Campuchia về, cán bộ, bộ đội ra Bắc vào Nam, tăng cường viện trợ, hay vận chuyển vũ khí đạn dược đều phải qua kinh Vĩnh Tế mới về cà Mau, vùng căn Cứ U Minh, rừng đước, về chiến trường Tây Nam bộ. Có những đoàn cán bộ nằm bên bờ kinh hàng tháng mà không vượt qua được, và ít có lần qua trót lọt, tỷ lệ hy sinh rất cao- nhiều đồng đội đã nằm lại đây, máu xương nhuộm đỏ đất này- khóc liệt đến mức mỗi lần qua sông là “rửa chân lên bàn thờ “ thế nhưng ai cũng sẵn sàng đối mặt với cái chết để đổi lấy hòa bình, để hoàn thành nhiệm vụ… có thể nói Không ai ngược xuôi trên tuyến đường này mà không có dấu ấn đau thương với con kinh Vĩnh Tế.

Những câu chuyện thiếu muối đói cơm, những cơn sốt rét rừng oái ác, bệnh sốt thương hàn không thuốc cứu chữa đã lấy đi sinh mệnh của hàng chục chị em.

Cô Trần thị Ngọc Nữ Nguyên là y tá trạm phẫu thuật tiền phương, nơi chữa trị và chăm sóc thương bệnh binh nhớ về các anh thương bênh phải cắn răng chịu đựng, giòi đụt vết thương thối rữa vì thiếu thuốc và phương tiện bông băng, đến kim tiêm mà phải mài để sử dụng nhiều lần, nhớ những lần địch đánh, cổng thương bênh chạy và bảo vệ an toàn cho thương bênh như một mệnh lệnh từ trái tim của người thầy thuốc. Những đêm dò đường tìm đất chôn cất đồng đội, xác người sau chôn chồng lên xác người trước vì là vùng trũng vào mùa mưa bốn bề là nước … Chết không có đất chôn cất là nỗi đau, hài cốt trôi dạt, nhiều người cho đến nay vẫn chưa tìm được.

Anh Cao Long Phiêu bật khóc nức nở khi nói về lần nhận 30 tấn hàng đầu tiên tại xã Vĩnh Điều, sau hơn nữa thế kỷ mà anh vẫn còn nguyên cảm xúc … “mừng đến rơi nước mắt” Anh khóc vì bộ đội đang cần vũ khí đạn dược để chiến đấu, vì ngày ngày giặc càn quét giết chóc bà con xóm làng, đau thương và câm thù, muốn có thật nhiều súng đạn để tiêu diệt giặc trả thù cho đồng bào, cho quê hương…

Cô Đoàn thị Hồng Thấm ngẹn ngào kể về mái tóc huyền óng mượt là duyên của con gái, được Bà Ngoại nâng niu chải chuốt hằng ngày vậy mà vì nhiệm vụ phải cắt ngắn cho gọn, chị gói cẩn thận gởi về dặn Ngoại cất làm kỷ niệm nếu con không còn để về với Ngoại thì có phần tóc của con an ủi Ngoại ấm lòng.

Những câu chuyện kể đầy xúc động đã chạm đến trái tim của các Em, nhiều bạn trẻ rơi nước mắt cảm thấy biết ơn và vô cùng cảm phục thế hệ cha anh đã hiến dâng tuổi thanh Xuân tươi đẹp nhất của mình cho hòa bình độc lập hôm nay.

Tuổi trẻ Giang Thành nguyện sống xứng đáng với vùng đất lịch sử đã thấm mồ hôi xương máu của cha anh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Những địa danh gần gũi gắn bó thân quen hàng ngày trên quê hương Giang Thành bỗng dưng trở nên linh thiêng, con kinh Vĩnh Tế, địa danh Tà Êm, Vĩnh Điều, Hòn Đất hòn Me, hang Mo so, lộ Cái Sắn…là những địa chỉ đỏ, nơi tập kết hàng chiến lược, nơi in dấu chân của các cô Chú TNXP IC anh hùng, nơi đã thắm máu xương của biết bao người ngã xuống. Con kinh Tám Ngàn - chính là Hàng rào điện tử McNamara - là tên gọi cho hệ thống các phương tiện hiện đại nhất, tối tân nhất… nó như một biện pháp trinh sát mặt đất tự động nhằm phát hiện các hoạt động vận chuyển của bộ đội, của TNXP lưu thông qua khu vực này, tức là nhất cử nhất động đều không thoát được con mắt thần của hàng rào điện tử McNamara…

Địch trang bị tối tân, hiện đại tinh vi đến thế mà những người con trai con gái “chân trần vai sắt” vẫn đều đặn ngày đêm đi qua với hàng vạn tấn vũ khí, hàng vạn lượt cán bộ ngược xuôi trên đường hành quân ra trận. Họ biến hóa linh hoạt và thông minh, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” không có gì ngăn nỗi quyết tâm và ý chí của tuổi trẻ, “đâu cần Thanh niên có, việc gì khó có Thanh niên” họ sống và chiến đấu hy sinh với tinh thần như thế.

Với mật độ bom đạn pháo bày dày đặc, B52 rải thảm, xe tăng thiết giáp hạm đội tàu sắt… địch huy động tổng lực hòng hủy diệt con đường vận chuyển vũ khí của ta từ miền Đông Nam bộ về miền Tây vùng đất cuối cùng của Tổ Quốc. Mức độ ác liệt nhất, “nơi mà sắt thép còn tan chảy” thế mà con người vẫn sống và vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất.

- Có bạn trẻ hỏi Các cô Chú có niềm vui gì trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ?

câu hỏi mà tưởng chừng như Các cô Chú chỉ có sống với bom đạn hủy diệt, bị đói rách, bệnh tật… nhưng chú Cao Long Phiêu đã trả lời một cách nhẹ tênh “ cứ mỗi chuyến hàng vận chuyển về đến nơi an toàn là niềm vui cao nhất, là phần thưởng lớn lao nhất “ cứ hoàn thành nhiệm vụ là vui, bộ đội có vũ khí đánh giặc góp phần chiến thắng kẻ thù là vui… nếu có ước muốn thì các cô Chú TNXP IC cũng chỉ có một ước muốn lớn nhất là vận chuyển hàng chiến lược, vũ khí đạn dược, tài liệu, cán bộ, bộ đội một cách an toàn nhất- niềm vui của các cô Chú TNXP IC chỉ đơn giản như vậy thôi mà cao cả mà thiêng liêng, là tất cả sức trẻ hành động theo câu khẩu hiệu “Vì độc lập ta dóc toàn sức trẻ.

Yêu tự do ta hiến trọn tuổi Xuân “.

-Trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt, các Cô chú có tình yêu đôi lứa không? câu hỏi của bạn trẻ làm thay đổi không khí, tất cả cùng cười - Câu hỏi thật là duyên, Các cô Chú ngày đó 17-18 đôi mươi, cái tuổi thanh Xuân tươi đẹp, tuổi vừa mới lớn như hoa vừa chớm nở… đẹp rạng ngời nhưng “ không dám yêu và không có thời gian để yêu “ đó là câu trả lời rất thật của chú Cao Long Phiêu- nguyên là tiểu đội trưởng tiểu đội 9 của đại đội Nguyễn Việt Khái 3 TNXP IC. Chú nói thêm rằng, Ngày xưa giao chỉ tiêu công tác: nam thì đi vận chuyển 28 ngày/ tháng, Nữ thì 24 ngày/tháng, ( thực tế có người vận chuyển hàng 29-30 ngày trong tháng) như vậy thì cứ miệt mài ngày đêm xung phong, thi đua hoàn thành nhiệm vụ.

Mùa khô thì vận chuyển vũ khí đạn dược bằng đường bộ, những cô gái mình hạt sương mai đã giồng mình vác những thùng đạn nặng oằn vai, thậm chí còn nặng hơn cơ thể của mình, những bờ vai rớm máu, với đôi chân trần đã băng rừng lội nước, qua sông, vượt đồn bốt địch, vượt hiểm nguy đưa hàng về đến nơi an toàn. Mùa nước nổi thì vận chuyển bằng xuồng, chèo chống, lặn ngụp ướt đẫm trong đêm, nhanh tay nhanh chân để kịp chuyến hàng… những người con trai con gái tươi trẻ hồn nhiên đã gát lại tình yêu đôi lứa, tất cả dồn sức về phía trước- nơi chiến trường đang vẫy gọi. Câu trả lời rất thật của chú Cao Long Phiêu đã cho các bạn trẻ hiểu về một thời mà các thế hệ cha anh không những chỉ có hy sinh xương máu của mình mà còn hy sinh cả những tình yêu đôi lứa, cho đến ngày hòa bình vì những nỗi niềm riêng mà có chị không lập gia đình, có người quá lứa lỡ thì hay vì thương tật ốm đau… cũng có người không được làm Mẹ vì nhiễm chất độc hay bệnh phụ khoa… đã cướp đi thiêng chức làm Mẹ của các chị, đó là những hy sinh mất mát không đong đếm được là nỗi đau sâu lắng, thầm kín không nguôi- xin được sẻ chia cùng các Cô, đó là cảm nhận của các bạn trẻ hôm nay.

Cuộc giao lưu đã thu hút các bạn trẻ lắng nghe một cách nghiêm túc mà theo lãnh đạo của huyện Giang Thành nhận xét là chưa có cuộc giao lưu nào các bạn ngồi đến cuối mà vẫn còn muốn tiếp tục, muốn gặp gỡ chụp hình với các cô Chú TNXP IC là thần tượng của mình thật kính trọng và yêu thương.

Đêm giao lưu càng trở nên sinh động hơn, thu hút các bạn trẻ với những bài hát về Đường IC huyền thoại được các nhạc sĩ phổ từ những trang Thơ của anh Trần Thiện Hà, người đã thổn thức xúc động khi nói về anh chị em TNXP IC, anh tâm huyết đi tìm, gặp gỡ các anh chị TNXP IC sống ở nhiều tỉnh thành, lắng nghe các chị kể chuyện cuộc đời, chia sẻ những vui buồn và bằng tấm chân tình anh đã được nhiều anh chị em tin tưởng trao tặng kỷ vật của một thời tuổi trẻ hào hùng, những trang sách ố vàng, những lá thư thời chiến, những kỷ vật gắn bó máu thịt, ai cũng xúc động rưng rưng.

Cuộc giao lưu khép lại với nhiều cảm xúc, tuổi trẻ Giang Thành hiểu hơn về một vùng đất lịch sử, nơi diễn ra nhiều chiến công Oanh liệt của các cô Chú TNXP IC anh hùng, các em cảm thấy yêu từng tất đất quê hương và ra sức học tập rèn luyện Đức Tài góp phần xây dựng quê hương Giang Thành ngày càng giàu đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn các cô Chú TNXP IC, cảm ơn anh Trần Thiện Hà người đã có nhiều duyên nợ với TNXP IC, người con của đất kiên Giang, anh đã có nhiều trăn trở và gắn bó với Giang Thành từ những ngày mới thành lập cho đến nay, cảm ơn các bạn Đoàn viên Thanh niên huyện Giang Thành đã góp phần cho buổi giao lưu thành công tốt đẹp.

Ngày mai 27.4 long trọng tổ chức Lễ Khánh thành “Đền thờ anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và TNXP hy sinh trên tuyến đường IC” huyền thoại. Tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, nơi quê hương yêu dấu.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi là một cán bộ thuộc Ban Cơ yếu khu Tây Nam bộ, đã từng ngược xuôi nơi vùng đất Tây Nam bộ nhiều đau thương, rừng U Minh, rừng đước, những dòng sông chảy xiết, những lần gặp biệt kích, máy bay thả bom, … những ký ức một thời tuổi trẻ hào hùng. Hôm nay về đây, những người còn sống, già yếu bệnh tật ôm chầm lấy nhau, mừng rơi nước mắt, từ nay hàng ngàn đồng đội ngã xuống trên tuyến đường IC huyền thoại, sau hơn 50 mới có nơi hương khói, có chỗ tạc tượng ghi danh.

Tôi bồi hồi xúc động, viết những dòng này như một lời tri ân gửi đến các linh hồn bất tử, những người đã vì nước quên thân, những người đã dâng hiến cả tuổi thanh Xuân của mình làm nên con đường huyền thoại IC anh hùng.

Tháng 4.2024

Trái tim người lính

Th.S Nguyễn Minh Hạnh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dem-giang-thanh-kien-giang-day-cam-xuc-a24788.html