'Lằn ranh đỏ' của ông Putin

Đòn tâm lý chiến giữa Mỹ và Nga về khủng hoảng Ukraine đang trượt nhanh tới thời điểm khó có lối ra êm xuôi cho chính quyền của ông Biden, theo CNN.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang đối đầu trong một cuộc khủng hoảng mà cả hai bên đều không lùi bước.

Ukraine có vị trí quá quan trọng trong chiến lược của Washington và Moscow.

Chính quyền Mỹ cùng lúc phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước như dịch bệnh và lạm phát, cũng như cạnh tranh chính trị đảng phái. Ông Biden đã nói rằng Mỹ sẽ không điều quân tới Ukraine - quốc gia không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm khu tiền tuyến ở Donetsk. Ảnh: Guardian.

Một thực tế cho thấy hai cường quốc hạt nhân đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất kể từ những năm 1990. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine một khi xảy ra có thể gây ra xung đột vũ trang lớn nhất kể từ Thế chiến II.

Để phần nào xoa dịu tình hình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã gặp nhau ở Geneva vào ngày 21/1. Phía Moscow cho biết họ không kỳ vọng một bước đột phá mới, nhưng mong Mỹ “trả lời cho những yêu cầu từ Nga”.

Mỹ không chấp nhận những yêu cầu vốn sẽ gây tổn hại đến NATO. Những đe dọa về việc áp đặt lệnh trừng phạt “chưa từng có” lên Nga - nhằm buộc ông Putin phải nhượng bộ - đã không có hiệu quả. Chính quyền Kiev cho biết Nga đang dần hoàn thiện lực lượng có thể thực hiện cuộc tấn công với quy mô toàn diện lên Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6/2021. Ảnh: Politico.

Các bên liên quan vẫn không chắc chắn về những tính toán của ông Putin. Một số nhà phân tích cho rằng tổng thống Nga đang dùng con bài đe dọa tấn công Ukraine để giành lợi thế trên bàn đàm phán với Mỹ. Những người khác lại nhận định ông Putin muốn tăng thêm uy tín tại quê nhà.

Tuy nhiên, dù với lý do gì, ông Putin cũng nhận thấy những điểm yếu của Mỹ và sự chia rẽ của đồng minh châu Âu, và đây là thời điểm thích hợp để ông dập tan hy vọng “xoay trục” sang phương Tây của Ukraine.

Không nhượng bộ

Với Tổng thống Putin, Ukraine có một tầm quan trọng chiến lược mà Nga không thể nhượng bộ.

Là một cựu thành viên KGB (Cơ quan tình báo của Liên Xô), ông nhận thức rõ được sự nguy hiểm khi NATO mở rộng về phía đông.

Đó là lý do ông đưa ra những yêu cầu mà Mỹ không bao giờ chấp nhận - bao gồm việc Ukraine sẽ không gia nhập NATO, và phương Tây phải rút quân khỏi những nước thuộc khối Warsaw cũ như Ba Lan và Romania, điều mà ông Putin cho rằng đe dọa đến an ninh của Nga.

Hơn 10 năm qua, ông Putin đã cố tạo ảnh hưởng lên các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine. Điều này dẫn đến việc sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Gần đây, ông cũng hỗ trợ chính phủ Belarus và Kazakhstan chống lại các cuộc biểu tình.

Ông Putin rõ ràng không thể chấp nhận một Ukraine đi theo tư tưởng của phương Tây. Điều này sẽ tạo nên chuỗi domino tới các quốc gia đang chịu sự ảnh hưởng của Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G7. Ảnh: Reuters.

Cuộc họp báo của ông Biden ngày 19/1 bất ngờ để ngỏ việc phương Tây có thể sẽ không trừng phạt toàn diện nếu Nga chỉ tiến hành “một cuộc xâm phạm nhỏ”.

“Nếu chỉ xảy ra một cuộc xâm phạm nhỏ (ở Ukraine), chúng ta sẽ phải đấu tranh để cân nhắc việc phải làm gì và không làm gì", ông nói.

Dù sau đó ông chủ Nhà Trắng đã đính chính, phát biểu trên phần nào cho thấy các đồng minh của Mỹ đang không có sự thống nhất về sách lược đối phó với Nga.

Việc giằng co ở Ukraine của ông Putin còn có mục đích làm suy yếu uy tín của phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Sách lược của ông Biden

Thách thức từ Moscow phần nào lý giải lập trường của ông Biden trong cuộc khủng hoảng. Ông dành nhiều tuần nỗ lực gắn kết đồng minh phương Tây, nhằm thống nhất phương án trừng phạt Nga.

Tuy nhiên, phát biểu của ông Biden ngày 19/1 đã ảnh hưởng không nhỏ, khi ông căn bản thừa nhận phương Tây không chung chí hướng trong cách đối phó với Nga.

Dù vậy, điều ông nói có một phần là sự thật, chẳng hạn như việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất lập kênh liên lạc giữa châu Âu với Nga - phần nào đã thể hiện sự chia cắt với Mỹ.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 19/1. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ dường như đang chơi ván bài tâm lý mạo hiểm với ông Putin, khi đơn phương đưa ra những cam kết về các lệnh trừng phạt.

Ông cũng phác thảo một bức tranh về những cuộc nổi dậy liên tục tại Ukraine, trong khi Mỹ nỗ lực để vũ trang cho chính quyền Kiev.

“Ông (Putin) có thể tấn công, chịu tổn thất nặng nề để chiếm giữ Ukraine, nhưng trong bao lâu? Diễn ra như thế nào? Cái giá phải trả là gì? Đó là thực tế. Đó là hậu quả”, ông Biden phát biểu ngày 19/1. Ông đề cập đến việc Nga có thể sa lầy tại Ukraine, và ông Putin sẽ vấp phải sự chống đối từ những phe đối lập, cũng như tổn thất về lực lượng.

Một trong những điều gây tò mò về cách tiếp cận của Mỹ với khủng hoảng ở Ukraine đến từ việc Washington liên tục cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra, và công khai thông tin tình báo việc Nga đang xây dựng lực lượng.

Phải chăng động thái này nhằm tạo một vỏ bọc cho chính quyền, để tỏ ra không bất ngờ nếu Nga điều quân vượt biên giới Ukraine hay không.

Washington cũng nhấn mạnh mối đe dọa để buộc những đồng minh phương Tây thống nhất các lệnh trừng phạt theo lập trường của Mỹ. Những cách tiếp cận như vậy có thể gây áp lực lên ông Putin, song nó cũng là canh bạc chứa nhiều rủi ro cho ông Biden trong nội bộ Mỹ, cũng như trong quan hệ với đồng minh.

Sức ép từ chính trường Mỹ

Không chỉ riêng ông Putin, bản thân Tổng thống Joe Biden cũng chịu nhiều sức ép từ những mối thách thức trong và ngoài nước.

Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ gây ra mối thách thức to lớn với châu Âu - vốn vẫn dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh. Điều này sẽ tạo nên cơn đau đầu với ông Biden, người đang quay cuồng với nhiều cuộc khủng hoảng.

Ông Biden khi đó phải gấp rút điều quân để hỗ trợ NATO ở khu vực Baltic nhằm ngăn chặn bước tiến của Nga. Những căng thẳng ở châu Âu sẽ phân tán sự tập trung của Mỹ vào một đối thủ cạnh tranh chiến lược khác: Trung Quốc.

Vai trò lãnh đạo của Mỹ cũng sẽ bị lung lay nếu Nga tấn công Ukraine mà không phải chịu nhiều hậu quả. Trung Quốc đại lục và Đài Loan sẽ theo dõi sát sao phản ứng của Mỹ với vấn đề tại châu Âu trong thời gian tới.

Sức ép bủa vây ông Joe Biden sau một năm nhậm chức. Ảnh: CNBC.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng ảnh hưởng đến uy tín của ông Biden trong nước. Theo CNN, ông Biden sẽ mất điểm về hình ảnh nếu ông Putin tấn công Ukraine, khi ông luôn đi sau những động thái của người đồng cấp Nga. Nhiều nhà phê bình cho rằng ông Biden đã nhân nhượng tại hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga ở Geneva năm 2021.

Tình cảnh của ông Biden hiện tại là cơ hội để đảng Cộng hòa hướng sự chỉ trích đến tổng thống Mỹ trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ, và kỳ bầu cử tổng thống năm 2024.

Lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Mitch McConnell đã có những lời chỉ trích về bình luận của ông Biden ngày 19/1 về “một cuộc xâm phạm nhỏ”, gọi đó là “kỳ quái và tồi tệ”.

“Tại sao tổng thống của chúng ta lại suy đoán như một người quan sát thụ động như vậy? Ông ấy không phải nhà bác học. Ông ấy không phải nhà phân tích tâm lý ông Putin. Ông ấy là tổng thống của nước Mỹ”, nghị sĩ Cộng hòa McConnell mỉa mai.

Với những căng thẳng tại Ukraine, Tổng thống Joe Biden, cũng như người đồng cấp Nga Vladimir Putin, sẽ không muốn để thua trò chơi tâm lý chiến trong những ngày tháng sắp tới.

Trần Hoàng

theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lan-ranh-do-cua-ong-putin-post1291524.html