Lan man ngọn khói

Những ngày đầu Đông, tâm trạng của tôi có gì cứ lan man, nhẹ bẫng rồi lại cay cay nơi khóe mắt khi nhớ về ngọn khói của quê nghèo, ngọn khói của rơm rạ, ngọn khói của mùa màng vừa đi qua bão lũ với bao sũng ướt. Khói khơi gợi kí ức, dẫn dắt về với ngõ xóm đồng quê, với bếp lửa nhà mình một thuở...

Tôi lan man nhớ về ngọn khói của mẹ, của bà. Đó là khói bếp, khói đồng, khói ruộng, khói trưa, khói tối, khói tháng, khói ngày. Khói như rút ruột những xác xơ sau màu gặt hái để đền trả bù đắp cho người cày xới bón chăm đến khi đã thành rạ, thành rơm vẫn chuốt từng sợi khói bay lên, bò lan man trên mái rạ nghèo tỏa lan mùi hương thơm gạo mới.

Mẹ tôi có một thời nuôi ủ lửa, rấm ngọn khói bằng trấu, cái vỏ lúa thô ráp lại giữ trong mình sức nóng âm ỉ, bền bỉ, nồng nàn, để khi tay mẹ cời lên thì vun thành bếp lửa tỏa sáng, một lặng lẽ, một lui cui như dáng mẹ, dáng bà. Đó là ngọn khói chứ không mỏng như làn khói hay quá dày như màn khói. Ngọn khói như chồi của ngọn cây của sự sống.

Ôi, cái ngọn khói mang theo hồn vía căn cốt ruộng đồng, giờ len lỏi giữa bao bếp nhà, ngõ xóm. Tôi lại nhớ đến câu thơ thật cảm động, da diết ân tình trong bài “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt: “Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/ Nghĩ đến bây giờ sống mũi vẫn còn cay”.

Quê nghèo, ngọn khói dù mỏng mảnh, thảng thốt thì cái vị khói ấy thật thơm, thật trong lành, thật ấm, thật đượm, thật truyền cảm, dù có lan man, trang trải, nhưng khói cho ta cái cảm giác thanh thản, hướng tới những gì thanh sạch nhất với bao quấn quýt, sum vầy. Và trên mái tóc sương của mẹ, của bà tôi đã nhận ra mùi khói, sợi tóc bạc hay là sợi khói?

Tôi nhớ sao những ký ức khói mùa Đông khi cánh đồng chiều chỉ còn trơ gốc rạ lõm bõm vết chân trâu sũng nước. Kỳ lạ thay, ta không ngờ ở đó có những chú cá rô đồng béo nhẫy nhảy bong bóc. Lũ trẻ dùng cành tre tươi xiên cá và nướng. Chao ôi, vị mỡ cá từ bụng trứng căng tròn nứt ra xèo xèo chảy. Lũ trẻ cứ thế mà lớn lên, mà phổng phao, mang trong huyết quản mình vị quê, vị ruộng, sắc đỏ hồng hào, tươi mới còn ám vị khói ngày Đông.

Cứ thế, ngọn khói cứ rủ rê, như mê hoặc, có lúc ngỡ như đi vòng mà ý tứ lắm, không nhởn nhơ bao giờ, lại càng không dửng dưng mà khi nào cũng như muốn thủ thỉ, tâm tình nhỏ nhẹ. Mùi cá nướng tan vào vị khói theo ngọn gió chiều thật quyến rũ, quyện với vị thơm bùi hôi hổi nóng của bắp ngô nướng đều săn hạt.

Rồi những chiều trên cánh đồng hun chuột. Lũ chuột đồng béo múp míp nấp dưới những hang hốc mé đồi, mé ruộng. Lũ trẻ hò reo chặn lối vào, lối ra với bùi nhùi xoắn khói. Nếu vị nướng mà không có khói thì làm sao lan tỏa, làm sao thổn thức, làm sao xuýt xoa. Khói như là một thứ “gia vị” có chút cay, chút nồng, chút thơm, chút ấm.

Con sông quê cũng bốc khói lan man, ngỡ như mặt sông đang chập chờn thức ngủ. Khói mơ hồ, có lúc vô hình, nhưng dằng dịt với người như thở ra cái men, cái nhụy, cái hồn vía của đồng quê thôn dã.

Và mấy câu thơ trong bài thơ “Ngọn khói” của nhà thơ Hữu Thỉnh đã thức dậy trong tôi thấm thía cái lan man tâm trạng này: “Sao tôi cứ lan man cùng khói ấy/ Mẹ nhóm lên nghi ngút mé đồi/ Bùn đất, cỏ khô ngùn ngụt cháy/ Cả mùa Đông tìm đến sưởi cùng tôi”.

Tản văn:Nguyễn Ngọc Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lan-man-ngon-khoi-post456054.html