Lần đầu chụp được cảnh tượng chưa từng thấy của cá voi lưng gù

Các nhà khoa học xác nhận lần đầu tiên ghi lại được hình ảnh hai con cá voi lưng gù đồng giới đang 'kết đôi' ngoài khơi bờ biển Hawaii, Mỹ.

Lần đầu tiên giới khoa học quan sát được cảnh tượng cá voi lưng gù thực hiện hành vi giao phối, và khoảnh khắc mang tính bước ngoặt này còn gắn với một chi tiết thú vị - cả hai đều là cá voi lưng gù đực, theo Guardian.

Dù các nhà khoa học đã nghiên cứu về cá voi lưng gù suốt nhiều thập kỷ nhưng việc nhìn thấy bộ phận sinh dục của cá thể đực là rất hiếm. Hành vi giao phối của loài này chưa từng được ghi hình - cho đến nay, khi hai nhiếp ảnh gia chụp được hình ảnh về kết đôi giữa hai cá thể ngoài khơi bờ biển Hawaii.

Hình ảnh này, được các nhà khoa học xác nhận trong một nghiên cứu mới được công bố gần đây, được ghi lại vào tháng 1/2022 tại vùng biển phía tây đảo Maui. Tại đây, hai con cá voi tiếp cận và bơi vòng quanh một chiếc thuyền trước khi thực hiện hành vi kết đôi phía dưới cách thuyền 3-5 m.

Việc cả hai con cá voi đều là giống đực, khiến những bức ảnh do Lyle Krannichfeld và Brandi Romano chụp được trở thành bằng chứng đầu tiên về hành vi kết đôi đồng giới ở cá voi lưng gù. Đây cũng là lần đầu tiên ghi lại được hình ảnh hành vi giao phối ở loài này.

Hành vi kết đôi đồng giới khá phổ biến trong vương quốc động vật và đã được phát hiện ở cá heo và cá voi orca, nhưng chưa bao giờ được phát hiện giữa cá voi lưng gù trước đây.

Bà Stephanie Stack, nhà nghiên cứu cá voi tại Quỹ Cá voi Thái Bình Dương và là tác giả chính của bài báo nói trên, nói rằng hành vi giao phối của cá voi lưng gù “cho đến nay hầu như vẫn là một bí ẩn”.

“Khám phá này thách thức những quan niệm đã có trước đây của chúng ta về hành vi của cá voi lưng gù. Mặc dù từ lâu chúng ta đã nhận ra cấu trúc xã hội phức tạp của những sinh vật đáng kinh ngạc này nhưng việc chứng kiến lần đầu tiên hai con cá voi đực giao phối là một sự kiện độc đáo và đáng chú ý”, bà cho hay.

Cá voi lưng gù là loài có kích thước khổng lồ, dài tới 16 m và nặng tới 36 tấn, bằng trọng lượng của vài chiếc xe buýt.

Loài này thường dành cả mùa hè để kiếm ăn ở vùng cực trước khi di cư đến những vùng có khí hậu nhiệt đới ấm hơn vào mùa thu và mùa đông. Từng bị đe dọa bởi nạn săn bắt cá voi thương mại, số lượng cá voi lưng gù đã tăng trở lại trong những năm gần đây.

Lần đầu ghi hình được cảnh cá voi sát thủ truy sát cá mập trắng Đây là lần đầu tiên ghi nhận cá voi sát thủ đơn độc tấn công và ăn gan cá mập trắng. Cuộc săn mồi này diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy 2 phút, ở ngoài khơi Vịnh Mossel, Nam Phi.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://znews.vn/lan-dau-chup-duoc-canh-tuong-chua-tung-thay-cua-ca-voi-lung-gu-post1461701.html