Làm giàu từ nuôi chim bồ câu Pháp

Anh Nguyễn Văn Tuân (33 tuổi), thôn 8, xã Sông Khoai, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm, kiếm hàng trăm triệu mỗi năm.

Chim bồ câu Pháp tại trang trại nhà anh Tuân.

Giống chim to khỏe, nhanh nhẹn

Năm 2019, hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa của nhà nước, anh Tuân mạnh dạn vay vốn ngân hàng cải tạo diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi chim Pháp thương phẩm năng suất cao theo quy trình công nghiệp.

Được sự khuyến khích của gia đình, anh Tuân đầu tư xây dựng trang trại hơn 300m2 trên đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được nhà nước cấp.

Để chuồng trại thoáng mát, anh thiết kế đổ nền bê tông dày 20cm, dùng mái tôn lạnh và khung ống kẽm, xung quanh rào lưới sắt chống nóng. Việc đầu tư chất lượng chuồng trại sẽ giúp chim nhanh phát triển, sinh sản tốt.

Anh Nguyễn Văn Tuân.

Từ 1000 con năm 2020, đến nay, trang trại của anh Tuân có khoảng 1000 lồng ấp chia 4 dãy với 2500 con chim bồ câu Pháp, chủ yếu là loại lông xám đá và titan trắng.

Anh Tuân cho biết, sở dĩ anh chọn giống chim bồ câu Pháp để phát triển kinh tế vì chim Pháp giống to khỏe, nhanh nhẹn, chống lại dịch bệnh tốt hơn chim ta.

Chim Pháp thương phẩm có trọng lượng từ 0,5 đến 0,6kg, trong khi chim ta thường chỉ 0,3kg. Một ổ chim Pháp có thể nuôi ghép được 3-4 chim con cho số lượng nhiều hơn hẳn chim ta. Cứ 1000 đôi, sẽ cho 700 đôi bố mẹ ấp, 300 đôi đẻ. Mỗi đôi không ấp cứ 10 ngày đẻ 2 trứng. Trung bình mỗi tháng trại chim của anh Tuân cho ra hơn 4000 quả trứng giống.

Việc nuôi chim Pháp cũng khá đơn giản. Thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là mạch, ngô pha cám. Hàng ngày cho ăn 2 lần kết hợp với phòng bệnh định kỳ hàng tháng, giống chim Pháp khỏe dễ thích nghi và khả năng chống chọi dịch bệnh tốt.

Theo anh Tuân, để tăng đề kháng cho chim, vấn đề vệ sinh chuồng trại rất cần thiết. Công tác vệ sinh chuồng trại được thực hiện 2 lần/tháng, phun khử trùng định kỳ 3 lần/tháng. Dưới đáy nền làm đệm lót vi sinh, tận dụng phân hữu cơ để trồng cây.

Công nghiệp hóa quy trình nuôi

Để tối ưu hóa số lượng trứng giống, anh Tuân thực hiện chuyển đổi nuôi chim bằng quy trình công nghiệp hóa, ấp trứng toàn bộ bằng máy. Trước đây ấp thủ công, tỷ lệ trứng nở chỉ được 70%. Từ khi dùng máy ấp trứng trong lò công nghiệp, tỷ lệ trứng được bảo toàn đến 95%.

“Nuôi thủ công ấp tự nhiên như ngày trước không có lãi vì thức ăn đắt đỏ, giờ nuôi ghép, ấp trứng bằng máy năng suất cao gấp 3 lần. Lò ấp công suất 1.200 trứng, sử dụng điện 2 pha chế độ tự động, nhàn lại hiệu quả”, anh Tuân nói.

Tuy nhiên, để phối hợp nhịp nhàng giữa việc cho chim mẹ ấp và ấp trứng trong lò, anh Tuân tuân thủ quy trình ấp “trứng giả” chặt chẽ, đem “trứng giả” cho chim mẹ ấp, khéo léo lấy trứng thật ra ấp tại lò công nghiệp, đến khi trứng nở sẽ mang về lồng ghép với chim bố mẹ.

Trang trại chim bồ câu Pháp của gia đình anh Tuân.

Công việc hàng ngày của anh Tuân là nhặt trứng thật ra lò, kết hợp chặt chẽ ghi chép theo dõi ngày tháng để ghép chim non vào lồng.

Từ khi nở đến khi bán khoảng 25 ngày. Mỗi con chim Pháp thương phẩm bán tại trại giá 80.000 đồng/con. Bình quân mỗi tháng trại anh Tuân bán được 1.000 con, mỗi năm tiêu thụ số lượng lớn 12.000 – 15.000 con. Thu nhập sau khi trừ chi phí lãi 400 triệu đồng/năm.

Với kinh nghiệm 4 năm nuôi chim bồ câu, giờ đây anh Tuân có thể hoàn toàn chủ động về kỹ thuật nuôi giống chim Pháp này. Bản thân anh Tuân không ngừng học hỏi, đi trước đón đầu, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi sản xuất.

Cùng với bố mẹ là hội viên hội nông dân xã, anh Tuân tích cực mở rộng chào đón bà con đến tham quan, học tập, hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim Pháp để phát triển kinh tế.

Anh Tuân cho biết, dự kiến sắp tới sẽ đầu tư mở rộng thêm diện tích chuồng trại, tăng quy mô lớn hơn.

Ngoài nuôi chim bồ câu Pháp, anh Tuân còn dành 5000m2 để làm 3 đầm nuôi tôm thẻ trắng, mỗi năm thu hoạch 2 tấn tôm. Diện tích còn lại anh đầu tư mở thêm mô hình nuôi gà đồi, dê, thỏ với hơn 300 con các loại. Tổng hợp đa dạng các loại hình chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh Tuân thu lợi hơn nửa tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Khoai cho biết, anh Vũ Văn Tuân là một nông dân trẻ dám nghĩ dám làm, tiên phong trong mô hình nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Sông Khoai.

Để khuyến khích nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương, Hội Nông dân xã đã liên kết với Ngân hàng chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp tạo điều kiện vay vốn. Kết nối với các doanh nghiệp để nông dân tham quan học tập phát triển kinh tế.

Huyền Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-giau-tu-nuoi-chim-bo-cau-phap-post661898.html