Kỳ vọng tăng trưởng mới từ cảng biển

Hết 9 tháng năm 2023, lượt tàu thuyền và sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của Quảng Ninh tăng so với cùng kỳ năm 2022. Điều này đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động cảng biển, hứa hẹn một đợt tăng trưởng mới ở những tháng cuối năm nay.

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng CICT Cái Lân.

Năm 2023, Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi nhưng đan xen không ít thách thức, khó khăn. Ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, động lực tăng trưởng của tỉnh gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ; tình trạng thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận dòng vốn để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã “bào mòn sức khỏe” của doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất do không ký được các đơn hàng mới; kinh tế vĩ mô toàn cầu (lạm phát, giá cả tăng cao, thắt chặt tín dụng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực...) bất ổn, khiến nhiều mặt hàng thế mạnh của tỉnh như nông sản, vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc công nghiệp phụ trợ... Điều này, khiến sản lượng vận tải biển trở nên kém sôi động do nhiều hãng tàu dừng nhận vận chuyển hàng hóa, đã trở thành thách thức không nhỏ đối với hoạt động cảng biển của tỉnh.

Với vai trò đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, để cảng biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực tăng trưởng quan trọng, đứng trước những khó khăn, thách thức đó, Quảng Ninh đã không bị động, thay vào đó, ngay từ đầu năm, các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý nhà nước về hàng hải, cảng biển Quảng Ninh đã không ngừng vận động, phối hợp chặt chẽ với các chủ cảng triển khai hiệu quả công tác thu hút nguồn hàng về tỉnh.

Tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư, sớm đưa vào vận hành các nhà máy, công xưởng; thống nhất các điều kiện, mở lại hoạt động giao thương hàng hóa với thị trường Trung Quốc; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các KCN, KKT với hệ thống hạ tầng cảng biển góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa... Cùng với đó, tỉnh tăng cường triển khai các hoạt động quảng bá thương hiệu, tối ưu hóa các hoạt động khai thác cảng, tối ưu hóa cầu bến, hỗ trợ cho các hoạt động cảng từ vùng neo. Đồng thời, đẩy mạnh chuẩn hóa, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, phần mềm nhằm tăng năng suất khai thác và chất lượng dịch vụ; nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hóa nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho chủ hàng...

Tàu neo đậu, làm hàng tại khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét.

Những giải pháp cụ thể, hiệu quả, kịp thời đã góp phần từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn, tác động đến hoạt động cảng biển của tỉnh. Từ đó, hoạt động cảng biển tại Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi lượt tàu, thuyền hoạt động tại các cảng tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 tháng 2023, Quảng Ninh đã đón gần 110.000 lượt phương tiện, sản lượng hàng hóa tăng mạnh, đạt gần 104 triệu tấn, tăng gần 10% so với năm 2022. Số bộ thủ tục hành chính được giải quyết thông qua Cổng thông tin điện tử Quốc gia là 4.686/4.689 bộ hồ sơ (đạt 99,9%).

Theo nhận định từ các chủ cảng, việc duy trì sản lượng hàng hóa là nỗ lực rất lớn của các đơn vị liên quan. Bởi, hầu hết những năm qua, giai đoạn những tháng đầu năm, sản lượng hàng hóa thường rất thấp. Hàng hóa chỉ tăng mạnh bắt đầu từ quý IV do nhiều nhà máy mới vào vận hành, hoạt động sản xuất tại các KCN tăng mạnh. Vì thế, không chỉ duy trì ổn định sản lượng hàng hóa mà còn đạt tăng trưởng sẽ là cơ hội, động lực để hoạt động cảng biển của Quảng Ninh tăng mạnh vào những tháng còn lại của năm 2023. Quý IV/2023, nhu cầu tích lũy hàng hóa tại các nhà máy, KCN tăng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, vận hành ổn định giai đoạn những tháng cuối năm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Một số mặt hàng chiến lược như than, xăng dầu, thiết bị máy móc và nông sản phục vụ nhu cầu thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng đẩy mạnh giao dịch vận tải. Đây cũng là cơ hội để hoạt động cảng biển tại Quảng Ninh tạo ra những đột phá mới.

Tàu khách quốc tế đưa khách đến Quảng Ninh.

Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 2 con số và phát triển bền vững cảng biển, hiện các công tác tham mưu về quy hoạch cảng biển đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch của địa phương đang được đẩy mạnh thực hiện. Các đơn vị chuyên ngành tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác các tuyến luồng hàng hải công cộng, chuyên dùng; thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng hải; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển; tăng cường triển khai ứng dụng CNTT trong thực hiện thủ tục tàu thuyền vào và rời cảng; rà soát thực hiện dự án nạo vét vùng nước cảng biển... nhằm tăng năng lực vận tải và giảm thời gian giải phóng hàng, tiết kiệm chi phí.

Với sự chủ động và tích cực của các đơn vị liên quan, tiếp nối đà tăng trưởng của 9 tháng năm 2023, hoạt động cảng biển tại Quảng Ninh những tháng cuối năm nay hứa hẹn nhiều sôi động; góp phần quan trọng đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cảng biển, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Đỗ Phương (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/150683/ky-vong-tang-truong-moi-tu-cang-bien