Kỳ 6: Chiến tranh giành quyền kiểm soát khí đốt ở Trung Á

Nếu dầu mỏ được ví là 'vàng đen' thì khí đốt được coi là 'vàng xanh' và cả 2 loại năng lượng này đều được mua bán trên thị trường thế giới bằng USD. Do đó, để duy trì vị thế toàn cầu của USD, Mỹ không chỉ theo đuổi sử dụng chiến tranh để giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ và còn cả tài nguyên khí đốt.

Tổng thống Mỹ G.W. Bush phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” của Mỹ trên sóng truyền hình trực tiếp, ngày 20-9-2001_Ảnh: NYT

Theo Cơ quan tình báo Pháp, trước khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001, các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Mỹ từng rất quan tâm tới đề án xây dựng đường ống dẫn khí đốt TAPI - tên gọi hợp thành từ chữ cái đầu của tên 4 nước tham gia là Turmenistan, Afghanistan, Pakistan, India (Ấn Độ) - trị giá 7,6 tỷ USD, để xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt kéo dài 1.040 dặm (khoảng 1.700km). Năm 1995, hai nước Trung Á là Turmenistan và Pakistan ký biên bản ghi nhớ tham gia đề án này.

Theo dự tính, TAPI có khả năng chuyển tải mỗi năm 33 tỷ mét khối khí đốt và sẽ được khởi công xây dựng tại mỏ khí đốt Dauletabad của Turmenistan, đi qua Afghanistan và Pakistan và cuối cùng sẽ đến thành phố Fazilka ở Tây Bắc Ấn Độ. Năm 1997, nghĩa là 2 năm sau khi ký kết biên bản ghi nhớ giữa Turmenistan và Pakistan, Công ty Central Asia Gas Pipeline Ltd dưới sự chỉ đạo của công ty Unocal của Mỹ đón đoàn đại biểu của Phong trào Taliban ở Afghanistan tới Văn phòng của Unocal ở Houston (Mỹ) để thảo luận về việc tham gia đề án này. Hai công ty Unocal và Enron với sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ nỗ lực thuyết phục để Taliban chấp nhận xây dựng đường ống này đi qua lãnh thổ Afghanistan.

Trước thời điểm đó, các nguồn dầu mỏ và khí đốt ở Trung Á do Nga kiểm soát. Vì thế, Tổng thống G. W. Bush muốn xoay chuyển tình hình này. Dưới thời cầm quyền của ông, Công ty Unocal tiếp tục nhập cuộc cạnh tranh với Nga. Tháng 2-2001, dưới sự giúp đỡ của nhiều quan chức chính phủ hàng đầu và có ảnh hưởng lớn, trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Armitage -người chuyên vận động hành lang cho các lợi ích của Unocal - công ty này tiếp tục thuyết phục Taliban ủng hộ đề án khí đốt của Mỹ ở Trung Á. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này đã thất bại. Trong tình thế đó, Washington đưa ra tối hậu thư đối với Taliban. Theo đề xuất của phía Mỹ, trước ngày 11-9-2001 - nghĩa là trước vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ, Taliban được quyền lựa chọn một trong hai khả năng: sẽ được nhận “tấm thảm bằng vàng” nếu đồng ý cho Washington lắp đặt đường ống chuyển khí đốt từ các mỏ ở Trung Á đi qua lãnh thổ Afghansitan, còn nếu không đồng ý thì Taliban sẽ phải nhận các trận ném bom rải thảm. Taliban không chịu nhận “tấm thảm bằng vàng”. Vì thế, Mỹ quyết định loại bỏ Taliban. Tại Hội nghị G-8 vào tháng 7-2001 ở Genoa (Italia), các nhà ngoại giao phương Tây đã biết được ý định của Mỹ dưới thời Tổng thống G. W. Bush quyết định lật đổ chế độ Taliban trước cuối năm 2001. Giới ngoại giao Pakistan cũng khẳng định điều đó. Vì thế, vụ khủng bố ngày 11-9-2001 giống như “một dịp may có một không hai” đối với các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Mỹ để xúc tiến quá trình thực hiện kế hoạch loại bỏ Taliban.

Cũng chính vì thế, đến này đã hơn 20 năm, vụ khủng bố 11-9-2001 vẫn bị phủ bức màn bí ẩn. Không ít chuyên gia trong giới phân tích ở Mỹ và phương Tây vẫn cho rằng, sự kiện này là một kiểu “khổ nhục kế” của một số thế lực để mở đường cho Mỹ thực hiện chiến lược ném bom rải thảm nhằm vào Taliban - kẻ dám cả gan từ chối hợp tác với Mỹ xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Trung Á đi qua lãnh thổ Afghanistan. Các chuyên gia phân tích nhận thấy một chuyện kỳ lạ: chỉ 1 ngày sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001, trong khi chưa cần điều tra để xác minh ai là kẻ chủ mưu và thực thi, Tổng thống Mỹ G. W. Bush ngay lập tức tuyên bố trước toàn thế giới rằng mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ẩn náu ở Afghanistan là kẻ chủ mưu và chỉ mấy ngày sau chính ông phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” nhằm vào Afghanistan - nơi Washington coi là Taliban đang chứa chấp trùm khủng bố Osama Bin Laden - chỉ huy số 1 của Al-Qaeda.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tập trung vào một chi tiết rất đáng chú ý: Tổng thống Mỹ G. W. Bush phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” chứ không phải là “cuộc chiến nhằm trả đũa Al-Qaeda” - người được coi là chủ mưu gây ra vụ khủng bố 11-9. Từ đây, các chuyên gia phân tích đặt câu hỏi nghi vấn: vì sao Mỹ không phát động cuộc chiến nhằm tiêu diệt Al-Qaeda mà lại là phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” để từ đó phân chia các nước trên thế giới thành 2 phe như thể trong một cuộc chiến tranh thế giới mới, theo đó “ai chống khủng bố là đi theo Mỹ, còn ai chứa chấp hoặc ủng hộ khủng bố là chống lại Mỹ”. Chính vì sự phân chia thế giới thành 2 phe này của Tổng thống Mỹ G. W. Bush nên nhiều chuyên gia đã nhận định, “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do Mỹ phát động đã mở đầu Chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Một chi tiết khác rất quan trọng: Al-Qaeda chính là tổ chức được Cục Tình báo trung ương Mỹ dựng lên, nuôi dưỡng và huấn luyện để làm lực lượng chống lại quân đội Liên Xô hiện diện ở Afghanistan trong những năm 80 của thế kỷ XX. Tháng 2-1979, theo sáng kiến của Z. Brezinski, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Jimmy Cater đã ký một chỉ thị bí mật sử dụng Al-Qaeda ở Afghanistan phục vụ ý đồ chiến lược của Mỹ ở quốc gia này. Từ năm 1979, sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, Mỹ sử dụng Al-Qaeda tấn công các lực lượng của quân đội Liên Xô thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Chính phủ Afghanistan chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan. Như vậy, Al-Qaeda từng là đồng minh chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Liên Xô ở Afghanistan, đến năm 2001 bỗng nhiên trở thành kẻ chủ mưu gây ra vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ vào ngày 11-9. Tình tiết này đến nay vẫn gây ra nhiều cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu trên thế giới.

Mãi 2 năm sau, Ủy ban hỗn hợp Thượng viện và Hạ viện Mỹ được thành lập để điều tra nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ khủng bố bí ẩn này. Nhưng thật bất ngờ, Nhà Trắng đã không công bố đầy đủ kết quả điều tra. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24-7-2003, Thượng nghị sĩ Bob Graham - cựu Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện và là một trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ - chỉ trích Nhà Trắng đã ngăn cản việc công bố các thông tin điều tra về vụ 11-9-2001. Vì thế, quyết định của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống G. W. Bush không công bố kết quả điều tra vụ 11-9 làm dấy lên những lời chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nghị sĩ Mỹ. Từ đây, một câu hỏi nghi vấn nữa được đặt ra: vì sao Nhà Trắng lại ngăn cản việc công bố kết quả điều tra về vụ 11-9-2001? Phải chăng, sự thật về kẻ chủ mưu gây ra vụ khủng bố này không phải là Al-Qaeda như tuyên bố chính thức của Washington?

Tính đến thời điểm năm 2021, “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do Tổng thống Mỹ G.W. Bush phát động sau sự kiện 11-9 đã trải qua 20 năm, tiêu tốn của nước Mỹ gần 6.000 tỷ USD, khiến hàng nghìn binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Trong thời gian đó, thế giới chứng kiến một nghịch lý chưa có lời giải: Mỹ càng “nỗ lực chống khủng bố”, số lượng các vụ khủng bố càng tăng thêm về quy mô và tính chất nghiêm trọng, nhằm vào nhiều đối tượng khác nhau trên khắp các châu lục. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, một tổ chức khủng bố cực kỳ tàn bạo ngang nhiên tuyên bố thành lập nhà nước riêng, mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS), ngay trước tầm ngắm của tàu sân bay cùng với nhiều tàu chiến khác của Mỹ ở vùng Vịnh cùng với hàng nghìn quân và cố vấn quân sự Mỹ ở Iraq.

Chỉ có một sự thật ai cũng nhìn thấy rõ: các công ty dầu mỏ và khí đốt của Mỹ đã đạt được mục đích của họ đặt ra ở Afghanistan: sau khi Mỹ tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” lật đổ chế độ cầm quyền Taliban ở Afghanistan, Hamind Kazai - một trong các chuyên gia tư vấn hàng đầu của Công ty dầu khí Unocal - trở thành Tổng thống Afghanistan. Chính quyền của Tổng thống Hamind Kazai ngay lập tức chấp nhận đề án xây dựng tuyến đường ống TAPI, mở đường cho Mỹ khai thác các mỏ khí đốt khổng lồ ở Trung Á, cạnh tranh ngang ngửa với Nga, Trung Quốc và Iran, trong đó riêng Teheran đang có kế hoạch xây dựng tuyến dẫn khí đốt đi từ Iran sang Pakistan và Ấn Độ.

Tuy nhiên, cái gì không danh tính ngôn thuận thì rút cuộc sẽ không mang lại kết quả. Ngày 15-8-2021, phong trào Taliban - một tổ chức bị Mỹ truy lùng để tiêu diệt trong “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” do Tổng thống G. W. Bush phát động ở Afghanistan sau thảm kịch 11-9-2001 đã giành được kiểm soát toàn bộ lãnh thổ quốc gia này, cũng như Thủ đô Kabul và tuyên bố “giành chiến thắng” trước cảnh tượng các lực lượng cuối cùng của Lầu Năm Góc ra đi trong hỗn loạn. Sau 20 năm, cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan không đạt được mục tiêu đề ra. Về mục tiêu chống khủng bố, hiện tại, ở Afghanistan, các tổ chức khủng bố không những không bị tiêu diệt mà còn trỗi dậy mạnh mẽ và lan tỏa ra nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù tiềm lực của Al-Qaeda có bị suy giảm, nhưng tổ chức này vẫn duy trì vị thế vững chắc tại 15 trong số 34 tỉnh của Afghanistan. Ngoài

Al-Qaeda, ở Afghanistan hiện có hơn 20 tổ chức khủng bố và Hồi giáo cực đoan khác. Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng phải thừa nhận, khủng bố đã lan rộng ra ngoài lãnh thổ Afghanistan. Còn Taliban, từ chỗ là một tổ chức bị Mỹ truy lùng để tiêu diệt, không những không bị loại bỏ mà còn được Washington công nhận như một chính thể có thể bình đẳng ngồi cùng với Mỹ trong các cuộc đàm phán ở Doha để ký kết thỏa thuận hòa bình vào ngày 29-2-2019. Vì thế, Taliban đã lấy ngày 29-2-2020 làm “Ngày Chiến thắng”. Về mục tiêu mang lại “nền tự do bền vững”, sau khi đánh đổ chính quyền của Taliban vào cuối năm 2001, Tổng thống G. W. Bush từng tuyên bố, Mỹ chủ trương tái thiết Afghanistan theo đề án tương tự như Kế hoạch Marshall của Mỹ tái thiết châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo đó, Quốc hội Mỹ quyết định chi hơn 38 tỷ USD để tái thiết Afghanistan. Tuy nhiên, mục tiêu này của Mỹ đã không đạt được. Chính thể do Mỹ dựng lên ở Afghanistan theo mô hình dân chủ phương Tây không những không thể đưa quốc gia này phát triển ổn định mà còn lâm vào tình trạng khủng toàn diện về kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh. Khi Taliban áp sát Thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cùng với bộ tham mưu đã bỏ chạy khỏi đất nước. Taliban chính thức nắm quyền quản lý Afghanistan.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ky-6-chien-tranh-gianh-quyen-kiem-soat-khi-dot-o-trung-a-692507.html