Kon Tum: Nghịch lý hàng chục ha cao su trồng hơn 11 năm vẫn không thể khai thác

Hàng chục diện tích cây cao su liên kết giữa người dân với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum trồng hơn 11 năm nhưng vẫn chưa thể khai thác. Hiện công ty đang chờ đấu giá số diện tích cao su kém chất lượng này để thu gỗ hoặc củi.

Trong 3 năm từ 2007-2009, nông trường cao su Tân Hưng thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã thực hiện liên kết với người dân trên địa bàn TP Kon Tum để trồng cao su với tổng diện tích hơn 255 ha. Theo đó, người dân sẽ bỏ đất sản xuất và Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum sẽ bỏ vốn đầu tư, chi phí chăm sóc.

Tuy nhiên, trong diện tích hơn 255 ha được trồng từ năm 2009 có hơn 23ha ở xã Ia Chim và 40ha xã Chư Hreng thuộc TP Kon Tum vẫn không đủ điều kiện để đưa vào khai thác.

Có khoảng hơn 60 ha cao su đã hơn 11 năm xuống giống nhưng vẫn chưa thể khai thác (ảnh T.H)

Qua kiểm tra, đánh giá chất lượng, số diện tích trên chưa đạt tiêu chuẩn để đưa vào thu hoạch hoặc tỷ lệ thu mủ rất thấp. Ông H’Ni (trú tại thôn Plei Weh, xã Ia Chim, TP Kon Tum) đã dành hơn 1,5ha để liên kết với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum trồng cao su.

Dự kiến trong khoảng 5 năm, cao su sẽ của ông H’Ni sẽ cho thu mủ. Lúc đó, ông H’Ni sẽ bỏ công thu hoạch, chăm sóc để thu về số hơn 49%.

“Những tưởng khi dành diện tích đất trên để liên kết trồng cao su sẽ mang hiệu quả, phần nào cải thiện được cuộc sống. Tuy nhiên đến nay đã hơn 11 năm vườn cao su vẫn chưa thể thu hoạch khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Hiện gia đình đang thiếu đất sản xuất, tôi mong công ty sớm đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng trên, trả lại đất cho người dân canh tác. Bên cạnh đó, hỗ trợ phần nào chi phí mà trong 11 năm qua người dân đưa đất để liên kết trồng cao su”, ông H’Ni bộc bạch.

Dành đất liên kết với công ty tuy nhiên đến nay vườn cao su 1,5 ha của ông H’Ni vẫn chưa thể thu hoạch khiến cuộc sống càng thêm khó khăn (ảnh T.H)

Liên quan đến vấn đề trên, mới đây ông A Lip (trú tại thôn Plei Weh) đại diện cho một số hộ dân đã có kiến nghị tại kỳ họp lần thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo kiến nghị của ông A Lip, về diện tích cao su liên kết tại khu vực đồi Ba Chấm qua 11 năm mà hộ liên kết chưa được khai thác, trong khi người dân không có đất sản xuất, đời sống hết sức khó khăn. Ông A Lip đề nghị UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn cao su Việt Nam có biện pháp thanh lý, trả đất lại cho dân để trồng các loại cây khác phù hợp hơn.

Lý giải về nguyên nhân khiến hàng chục ha cao su trồng hơn 11 năm vẫn không cho thu hoạch, ông Ngô Thanh Mân - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho biết: “Sở dĩ một số diện tích cao su kém phát triển và không đủ điều kiện đưa vào khai thác dù đã được trồng và chăm sóc từ nhiều năm nay do trồng trên phần đất bạc màu…Liên quan đến vấn đề này, Công ty đã có văn bản báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về thực trạng vườn cây và đang chờ Tập đoàn có ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết”.

Hiện Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đang chờ đấu giá số diện tích cao su kém chất lượng này để thu gỗ hoặc củi (ảnh T.H)

Trong khi chờ hướng giải quyết thỏa đáng, nhằm tạo việc làm và thu nhập cho các hộ liên kết có vườn cây không đủ điều kiện đưa vào khai thác, Nông trường cao su Tân Hưng đã họp và bố trí cho các hộ này đi cạo tại các vườn cây khai thác không có người cạo trong cùng một khu vực nhưng các hộ này vẫn không đi cạo.

“Hiện nay, chúng tôi đang kiểm đếm và lập hồ sơ để gửi lên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Từ đó, tập đoàn sẽ có quyết định bán đấu giá số diện tích cao su kém chất lượng này để thu gỗ hoặc củi. Số tiền thu được sẽ hỗ trợ phần nào lại cho người dân liên kết bị ảnh hưởng và đất cũng sẽ trả lại cho người dân canh tác”, ông Mân cho hay.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kon-tum-nghich-ly-hang-chuc-ha-cao-su-trong-hon-11-nam-van-khong-the-khai-thac-post262272.html