Kinh tế Việt Nam: Các động lực tăng trưởng truyền thống đang phục hồi

Kinh tế Việt Nam sắp bước qua quý 1 với nhiều điểm sáng. Các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, vốn FDI đăng ký mới tăng gần 40%, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên mốc 50 điểm… Dự báo của các tổ chức quốc tế đều đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ 6-6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6-6,5%.

Hoạt động kinh tế xã hội nước ta năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định; bất ổn địa chính trị, thời tiết cực đoan gây hệ lụy nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất; tiêu dùng suy giảm. Tuy nhiên, bức tranh vĩ mô của Việt Nam có nhiều điểm sáng và dự báo về một triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2024.

Bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam quý I/2024 có nhiều điểm sáng. Ảnh: CTV

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn từ các động lực tăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2024-2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn. Đối với các doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư, kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện. Niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm. Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng truyền thống đang phục hồi. Khả năng phục hồi sau đại dịch của Việt Nam được đánh giá tốt.

“Chúng ta thấy, kinh tế đang phục hồi, quý sau cao hơn quý trước. Đặc biệt xuất khẩu đã tăng trở lại, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 19%, thặng dư thương mại được duy trì cao; nhu cầu tại các thị trường chính phục hồi, đơn hàng xuất khẩu tăng dần (dù ngắn hạn). Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 33%. Về chứng khoán tăng trưởng tích cực khoảng 13% từ đầu năm, các nhóm ngành tăng trưởng âm trong năm trước đều phục hồi mạnh”, ông Lực cho hay.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, một số Tổ chức tài chính, thương mại quốc tế đánh giá chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam hỗ trợ nhiều cho phát triển kinh tế. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, năm 2024 tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào "cỗ xe tứ mã" đó là: Đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan tỏa tới đầu tư ngoài nhà nước và khu vực FDI; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, để GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5%, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 3% - 3,2%, thấp hơn 0,63 - 0,8 điểm phần trăm so với năm 2023; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,2%- 6,9% cao hơn 2,46 - 3,16 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7% - 7,1% cao hơn 0,28 điểm phần trăm. Đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng rất cao trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023 và không thể tăng cao trong nhiều năm vì tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và thủy sản cần thời gian, vốn đầu tư mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất, không giống khu vực công nghiệp và xây dựng có thể tăng thời gian sản xuất, tạo thêm nhiều sản phẩm với máy móc thiết bị và đội ngũ lao động hiện có.

Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu bấp bênh và bi quan tác động rất mạnh tới sự phục hồi và tăng trưởng cao của khu vực công nghiệp. Tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu, khó thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng cao. Tăng trưởng từ đầu tư công chỉ bù đắp được một phần cho các khu vực khác của nền kinh tế. “Năm 2024, cả nước dành 657 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công; nếu giải ngân đạt 95% thì cũng chỉ tương đương với số vốn đầu tư công thực hiện của năm 2023, khi đó đầu tư công không còn thực hiện vai trò gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác. Nếu giải ngân hết 657 nghìn tỷ, GDP sẽ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm”, TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Về tăng trưởng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cũng cho rằng, rất thách thức để đạt được mục tiêu 6,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt của sự chuyển đổi, nếu Việt Nam nỗ lực về chính sách và cải cách thì những điểm sáng kinh tế sẽ được thúc đẩy. Bước ngoặt chuyển đổi này được nhìn thấy qua dữ liệu tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực phi sản xuất trong cơ cấu GDP đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng không chỉ trong thập kỷ này mà cả trong thập niên tới. Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng, đặc biệt đối với nhóm thể chế và môi trường pháp lý. Từ đó, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Do vậy, Việt Nam cần tiến hành cải cách thị trường tài chính cũng như thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng; tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để chủ động ứng phó với các biến động không thuận về năng lượng, cắt giảm chi phí do giá năng lượng tăng cao.

Để thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công, TS.Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án trở thành công trình hiệu quả. Đồng thời, cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đồng thời, khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp. Cùng với đầu tư công, Chính phủ và các địa phương thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài bù đắp phần suy giảm so với năm trước của vốn đầu tư công.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-cac-dong-luc-tang-truong-truyen-thong-dang-phuc-hoi-i726467/