Thế giới đang ở thời điểm dễ bị tổn thương và lo sợ một cú sốc

World Bank mới đây cảnh báo giá cả hàng hóa trên toàn cầu đã ngừng giảm, thậm chí một số mặt hàng còn tăng mạnh khiến nguy cơ lạm phát tiếp tục kéo dài.

Trong báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa mới đây, WB cho biết, trong giai đoạn 2022 – giữa năm 2023, giá cả hàng hóa toàn cầu đã giảm tới 40%. Các mặt hàng thiết yết như dầu thô, khí đốt và lúa mì đều giảm giá mạnh, giúp lạm phát toàn cầu giảm khoảng 2 điểm phần trăm trong thời gian đó.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2023, giá cả hàng hóa bắt đầu tăng trở lại. Vào đầu tháng 4/2024, giá dầu thô Brent ở London tăng lên 91 USD/thùng, cao hơn gần 34 USD/thùng so với mức trung bình giai đoạn 2015 - 2019.

Theo nhận định của WB, giá cả hàng hóa trên toàn cầu đang ở mức cao, chủ yếu là do rủi ro địa chính trị. “Nguồn cung của nhiều mặt hàng khan hiếm hơn do căng thẳng địa chính trị tăng cao. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy lạm phát toàn cầu vẫn chưa bị đánh bại và lãi suất trên toàn cầu vẫn có thể tiếp tục neo ở mức cao trong năm nay và năm tới”, ông Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của WB, nhận định.

Đồng thời, các chuyên gia của WB cũng đưa ra cảnh báo “thế giới đang ở thời điểm dễ bị tổn thương và chỉ cần một cú sốc năng lượng lớn xảy ra thì phần lớn thành quả mà các ngân hàng trung ương đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát 2 năm qua sẽ đổ sông đổ bể”.

“Vấn đề lớn hiện nay là giá hàng hóa neo ở mức cao trong khi tăng trưởng toàn cầu lại chậm lại. Lần gần đây nhất tình trạng này xảy ra là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2023”, chuyên gia của WB cho hay.

Theo dự báo của WB, giá cả hàng hóa toàn cầu có thể chỉ giảm 3% trong năm 2024 và giảm 4% vào năm 2025. Điều này có nghĩa là giá hàng hóa toàn cầu vẫn còn cao hơn khoảng 38% so với mức trung bình từ năm 2015 cho đến trước đại dịch Covid-19.

Trong đó, giá thực phẩm dự kiến sẽ giảm trong năm nay và năm tới khi nguồn cung dồi dào hơn. Trái lại, các kim loại như đồng và nhôm sẽ tăng giá nhờ nhu cầu của lĩnh vực hạ tầng lưới điện và xe điện, cũng như tấm pin mặt trời và các hạ tầng năng lượng tái tạo khác.

Bên cạnh đó, WB cảnh báo giá dầu có thể tăng vọt nếu xung đột ở Trung Đông leo thang. Căng thẳng giữa Israel và Iran mới đây cùng với xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài khiến nguồn cung năng lượng toàn cầu đứng trước rủi ro thiếu hụt.

“Bất kỳ sự gián đoạn thương mại nào ở eo biển Hormuz (nằm sát Iran) sẽ khiến giá dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và phân bón tăng đáng kể. Bởi vì đây là một trong những tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Arab”, WB cho biết.

Theo WB, trong kịch bản xấu nhất, nếu xung đột leo thang ở Trung Đông khiến nguồn cung dầu bị gián đoạn 3 triệu thùng/ngày, giá dầu Brent có thể tăng vọt lên mức trung bình 102 USD/thùng trong năm nay, đẩy lạm phát toàn cầu lên gần 1 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, trái lại, WB cũng cho rằng, giá dầu sẽ giảm xuống mức trung bình 81 USD/thùng nếu liên minh OPEC+ nới lỏng chính sách siết chặt nguồn cung, đưa 1 triệu thùng dầu/ngày trở lại thị trường vào nửa cuối năm 2024.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/the-gioi-dang-o-thoi-diem-de-bi-ton-thuong-va-lo-so-mot-cu-soc-20180504224298141.htm