Kinh tế thế giới vẫn chưa hết khó khăn

Rủi ro vỡ nợ của Mỹ đã kết thúc. Tuy nhiên, thế giới vẫn phải đang phải đối mặt với tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng và tăng trưởng chậm.

Mỹ tránh được vỡ nợ không đồng nghĩa với việc kinh tế thế giới đã hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua dự luật nâng trần nợ công. Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Mỹ có khả năng vỡ nợ lần đầu tiên. Điều này đã giúp xứ cờ hoa và thế giới tạm thời tránh được một cuộc khủng hoảng trước mắt. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề như lạm phát cao, lãi suất tăng và tăng trưởng chậm vẫn chưa biến mất.

"Ngay cả khi không tính đến trường hợp xấu nhất, chúng tôi vẫn đang xem xét về kịch bản của một cuộc suy thoái toàn cầu", ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng ING (Hà Lan), nhận định.

Tăng trưởng đang chậm lại

Nhiều minh chứng đang cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chững lại ở Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, tính đến quý I, nền kinh tế Mỹ hiện tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Đồng cảnh ngộ, trong tháng 5, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này kết thúc chính sách Zero Covid-19.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang chật vật để phát triển. Ảnh: Reuters.

Không chỉ vậy, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng đang dần mất đà do nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình hình ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản.

Sự suy yếu của Trung Quốc cũng tác động không nhỏ tới Đức. Hiện quốc gia tỷ dân là đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này.

Đức đang rơi vào suy thoái khi tăng trưởng kinh tế âm hai quý liên tiếp (quý IV/2022 và quý I/2023). Kết quả này xuất phát một phần từ cú sốc giá năng lượng năm ngoái đã ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.

Sự suy yếu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ gây ra nhiều khó khăn cho phần còn lại của khu vực, khi nhiều quốc gia tại đây mới chỉ tránh được suy thoái hồi đầu năm trong gang tấc.

Bên cạnh đó, Pháp, quốc gia có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19, cũng đang cho thấy dấu hiệu “hụt hơi”. Dữ liệu chính thức cho thấy tính đến tháng 4, chi tiêu của người tiêu dùng tại đất nước này đã giảm 3 tháng liên tiếp.

Lạm phát vẫn ở mức cao

Thời gian qua, lạm phát đã giảm ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy. Dữ liệu công bố ngày 1/6 cho biết lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 5 do tốc độ tăng giá cơ bản chậm lại.

Nhiều người dân vẫn đang phải sống trong cảnh "thắt lưng buộc bụng". Ảnh: Reuters.

Cùng thời điểm, lạm phát ở 20 quốc gia dùng chung đồng Euro đã giảm xuống còn 6,1%, hạ từ mức 7% trong tháng 4 và thấp hơn so với mức dự báo 6,3% của các chuyên gia.

Lạm phát cũng đã được kiểm soát ở Anh và Mỹ khi tỷ lệ lần lượt là 8,7% và 4,9%. Tuy nhiên, các con số này vẫn ở mức cao so với mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2%.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương các nước sẽ nâng lãi suất trong những tuần tới để chế ngự đà tăng của giá cả hàng hóa.

Lạm phát đã làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ hàng ngày, giảm tiêu dùng của người dân. Đồng thời, việc tăng lãi suất khiến các khoản vay thế chấp trở nên đắt đỏ hơn, gây nên áp lực chi tiêu đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Ngân hàng Deutsche (Đức) cho biết làn sóng vỡ nợ của các công ty Mỹ và châu Âu “sắp xảy ra” do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt nhất trong 15 năm qua, cùng với đó là mức nợ cao và khả năng sinh lời thấp. Các nhà phân tích của Deutsche cho biết làn sóng này có thể kéo dài đến cuối năm 2024.

Báo cáo của Capital Economics khẳng định nền kinh tế chưa thực sự “ngấm đòn” của các chính sách thắt chặt tiền tệ. Tất cả những gì đang xảy ra mới chỉ chịu gần 50% tác động của chính sách.

“Khi các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chúng tôi cho rằng hầu hết nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái. Các cuộc suy thoái này kéo dài tương đối ngắn và có lẽ nên được coi là một cuộc 'hạ cánh mềm' do lạm phát tăng cao trong năm qua”, ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, nhận định.

Hai mối đe dọa lâu dài

Bất kỳ cuộc suy thoái nào, dù lớn hay nhỏ, đều sẽ tác động xấu tới nền kinh tế thế giới. Suy thoái có thể xuất hiện ở nhiều nước vì lạm phát. Ngoài ra, điều này có thể phát sinh từ hai mối đe dọa lâu dài khác, bao gồm chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và cuộc khủng hoảng khí hậu. Hai vấn đề này sẽ gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và giá lương thực.

Cuộc chiến tại Ukraine chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Ảnh: Reuters.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc mặc dù đã kéo dài hơn một năm. Trong năm ngoái, chiến dịch quân sự đặc biệt này đã đẩy giá lương thực trên toàn thế giới lên mức cao nhất mọi thời đại. Dẫu cho giá cả đã thuyên giảm nhưng đa phần thực phẩm vẫn quá đắt đỏ tại nhiều quốc gia và gây ra nạn đói ở các nước nghèo.

Bên cạnh đó, khủng hoảng khí hậu cũng đe dọa nhiều nước châu Âu. Đơn cử như trận lũ lụt tàn phá miền Bắc Italy vào tháng trước đã nhấn chìm hàng nghìn trang trại tại quốc gia này.

Ngoài ra, tình hình hạn hán nghiêm trọng kéo dài tại nhiều nơi đã khiến đất bị nén chặt và làm giảm khả năng hấp thụ lượng mưa. Một đợt hạn hán sắp tới tại Nam Âu có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

“Việc đất trở nên khô cằn và hạn hán nghiêm trọng tại Tây Ban Nha đang ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng và sẽ khiến giá lương thực bị đẩy lên cao ở nhiều nước Liên minh châu Âu", Công ty Gro Intelligence cho hay.

Thanh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-te-the-gioi-van-chua-het-kho-khan-post1436501.html