Chung tay bảo vệ 'lá phổi xanh'

Biến đổi khí hậu dẫn đến những hiện tượng tự nhiên ngày càng tiêu cực đang là vấn đề lớn đặt ra với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay ở nước ta.

Theo công bố của 60/60 tỉnh, thành phố trong cả nước có rừng, nước ta hiện có khoảng 14,8 triệu héc ta rừng, trong đó rừng tự nhiên là khoảng 10,1 triệu héc ta, rừng trồng 4,7 triệu héc ta. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đến nay đạt hơn 42%.

Những năm qua, các địa phương trong cả nước và ngành Lâm nghiệp đã tập trung thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ (ngày 12-1-2017) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nỗ lực này đã đem đến một số kết quả. Nổi bật là hằng năm, ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đang có, đặc biệt là rừng tự nhiên, các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân cư đã chung tay triển khai tốt kế hoạch trồng rừng thay thế, trồng mới, chăm sóc rừng, khoán bảo vệ đất rừng… Đặc biệt, các địa phương có rừng đã thành lập được lực lượng bảo vệ rừng từ cấp tỉnh xuống tận thôn, bản.

Tuy vậy, vẫn phải nhìn nhận vào thực tế là hằng năm, diện tích rừng bị phá hủy không phải là nhỏ. Theo thống kê, năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra gần 400 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 1.200ha, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Ngoài ra, cũng trong thời gian này, cả nước xảy ra khoảng 4.000 vụ phá rừng, diện tích thiệt hại hơn 1.200ha.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nhận diện các vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là rất cấp bách. Bởi việc bảo vệ “lá phổi xanh” là bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. Ngoài ra, rừng không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế, mà trên phương diện xã hội cũng rất quan trọng, đặc biệt là ở góc độ tạo sinh kế cho người dân.

Những vấn đề lớn hiện nay trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phải đặc biệt lưu ý là biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt; sự bất cẩn của người dân trong sử dụng lửa trong rừng, gần rừng… Hơn nữa, cơ chế, chính sách, nguồn vốn cho các chương trình, dự án lâm nghiệp và người làm nghề rừng chưa bảo đảm, dẫn đến không thu hút được người dân địa phương gắn bó với rừng… Đây là những khó khăn, thách thức đặt ra, đòi hỏi ngành Lâm nghiệp cũng như các địa phương cần có đối sách phù hợp, qua đó cùng chung tay bảo vệ cho được “lá phối xanh”...

Hiện nay, ngoài những cơ chế, chính sách đang được thực hiện, các địa phương có rừng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tín chỉ carbon. Thực tế, trong thời gian qua, nước ta đã thu về hàng triệu USD khi bán loại tín chỉ này từ rừng. Vì vậy, về lâu dài, ngành Lâm nghiệp cũng như các địa phương có rừng và chủ rừng cần xác định đây là hướng đi có tiềm năng lớn để bảo vệ và phát triển rừng. Việc chúng ta bán được tín chỉ carbon sẽ hình thành một nguồn tài chính bền vững, hỗ trợ đắc lực cho địa phương và chủ rừng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Một tin rất vui liên quan đến vấn đề nêu trên là hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng nghị định, dự kiến đến cuối năm nay sẽ ban hành, để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện bán tín chỉ carbon một cách hiệu quả và bền vững. Thêm một việc quan trọng là ngành Lâm nghiệp và các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và bổ sung trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chung tay bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chung-tay-bao-ve-la-phoi-xanh-666915.html