Kinh tế Đức đối diện tình trạng khó khăn chưa từng có tiền lệ

Kinh tế Đức vốn được xem là đầu tàu châu Âu, nhưng sắp tới điều này có thể thay đổi mạnh mẽ.

Các số liệu thống kê gần đây đã cho thấy tình trạng đi xuống của nền kinh tế Đức, đầu tàu của châu Âu - vốn một thời theo nhận xét dường như không thể bị phá hủy.

Theo ấn phẩm Handelsblatt của Đức, số vụ phá sản đối với các doanh nghiệp trong nước bắt đầu được ghi nhận gia tăng đáng kể vào tháng 10/2023.

Cụ thể, 1.481 hồ sơ phá sản doanh nghiệp đã được nộp ở Đức. Các nhà báo của tờ Handelsblatt lưu ý rằng so với mùa thu năm 2022, con số này tăng tới 19%.

Nhưng đó không phải là tất cả tin xấu. Theo các phương tiện truyền thông Đức, từ tháng 1 đến tháng 10/2023, số doanh nghiệp phá sản ở nước này tăng 24,1% và lên tới 14.751 vụ.

Không cần phải là một nhà kinh tế học chuyên nghiệp mới hiểu được sự thật đơn giản: số vụ phá sản như vậy có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Đức.

Các doanh nghiệp chấm dứt hoạt động sẽ không nộp thuế vào ngân sách, đồng thời đội quân người thất nghiệp do các công ty phá sản hàng loạt sẽ yêu cầu kho bạc bổ sung chi phí dưới hình thức chi trả trợ cấp xã hội.

Việc tìm ra nguyên nhân gây ra sự "hủy diệt hàng loạt" đối với doanh nghiệp cũng không khó, khi bắt nguồn từ các biện pháp trừng phạt chống Nga, được chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz tiến hành sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Do các biện pháp trừng phạt kinh tế với Moskva, Đức đã mất nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga, từ đó dẫn đến chi phí sản xuất của hầu hết các loại sản phẩm đều tăng rất mạnh.

Ngoài ra cũng phải nói đến thực tế là việc hỗ trợ chính quyền Ukraine đang đặt ra gánh nặng lớn lên ngân sách Đức. Berlin phải phân bổ số tiền khổng lồ để mua vũ khí cho Ukraine và buộc phải tăng mạnh chi tiêu quốc phòng của mình.

Bên cạnh đó, mới đây Bộ trưởng Tài chính Đức, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội - ông Christian Lindner trong cuộc trả lời phỏng vấn đã cho rằng nền kinh tế Đức đang gặp khó khăn lớn.

Theo ý kiến của ông Lindner, nước Đức cùng với người dân Đức đang trở nên nghèo hơn, nền kinh tế ngày càng kém cạnh tranh do thiếu động lực tăng trưởng.

Ông Lindner nói rõ, sản xuất công nghiệp ở Đức hiện đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tức là giai đoạn 2008 - 2013. Trong khi đó, chính phủ không thể giải quyết những vấn đề nghiêm trọng liên quan tới ngân sách và mọi thứ trở nên phức tạp hơn.

Bộ trưởng Tài chính Đức kêu gọi chính quyền khẩn trương đưa ra kết luận, bởi vì nền kinh tế không có những động thái tích cực. Đồng thời ông Lindner gọi cuộc khủng hoảng Ukraine là yếu tố tiêu cực chính trong tình hình hiện nay.

Berlin đã gánh quá nhiều nghĩa vụ với Kyiv, chiếm tỷ trọng đáng kể hơn nhiều so với phần đóng góp của các đối tác phương Tây khác. Hơn nữa nếu những gì đang diễn ra không được cân bằng, một quá trình khởi động lại nền kinh tế sẽ bắt đầu với những kết quả khó lường.

"Tôi không thể tưởng tượng được rằng chính phủ sẽ không đưa ra bất kỳ kết luận nào từ phân tích này", Bộ trưởng Tài chính Đức Lindner nói thêm.

Vấn đề nữa cần lưu ý đó là trước bài phát biểu của ông Lindner, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế Đức vào năm 2024, xuống chỉ còn 0,3%.

Nguyên nhân dẫn đến sự bi quan của OECD rất đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu: lạm phát cao, sức mua của người dân giảm, chi tiêu chính phủ tăng và sự phụ thuộc vào giá năng lượng.

Vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn khi Bắc Kinh bắt đầu mua ít hàng hóa hơn từ Berlin, tức là xuất khẩu của Đức sang thị trường Trung Quốc giảm, và điều này càng có tác động tiêu cực đến hoạt động của nền kinh tế Đức.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kinh-te-duc-doi-dien-tinh-trang-kho-khan-chua-tung-co-tien-le-post566883.antd