Luật BHXH (sửa đổi): Ngoài phương án rút BHXH 1 lần, cần chính sách hỗ trợ nhóm khó khăn

Góp ý Luật BHXH (sửa đổi), BHXH một lần đặc biệt được quan tâm, nhiều đại biểu cho biết phương án 1 nhận được đông đảo sự đồng tình của người lao động

LĐLĐ TP HCM sáng 11-5 phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề: "Lấy ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi)".

Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề: "Lấy ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi)" diễn ra sáng 11-5

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý những nội dung được người lao động lẫn doanh nghiệp đặc biệt quan tâm liên quan đến Luật BHXH (sửa đổi): Quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; BHXH một lần; Giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu; Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; Các chính sách gắn liền với lương cơ sở; Một số chế độ đối với BHXH tự nguyện…

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu tại hội nghị

Trong đó, 2 phương án rút BHXH một lần nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự. Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân), doanh nghiệp có đông lao động nhất tại TP HCM, cho biết nhiều công nhân đang đoán về phương án nào sẽ được thông qua. Đồng thời bày tỏ quan điểm sẽ nghỉ việc rút BHXH một lần trước thời điểm luật có hiệu lực để "chạy luật".

Ông Cường cho biết rất đông người lao động tại doanh nghiệp là lao động ngoại tỉnh, từ lâu họ luôn mặc định BHXH là của để dành. Vì vậy, khi tuổi đã cao, sức khỏe không còn đảm bảo, nhiều người chọn xin nghỉ việc để về quê hoặc chuyển sang làm các công việc tự do, sau một năm nghỉ việc sẽ làm hồ sơ rút BHXH một lần.

Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) đề xuất thông qua phương án 1

"Nhiều người trong số họ bắt đầu đi làm từ năm 18 tuổi, nếu đợi đến 60-62 tuổi thì quá dài, trong khi điều kiện hưởng đã thỏa từ lâu. Hiện nay, số lượng người lao động trên 50 tuổi tại doanh nghiệp hiện rất ít, bởi đến độ tuổi này người lao động không còn đủ sức khỏe để gắn bó với công việc" - ông Cường nêu thực tế tại doanh nghiệp.

Ông Cường cũng nói thêm, thậm chí nhiều người lao động còn cho rằng, rút xong BHXH một lần, nếu có ý định quay lại thị trường lao động, với quy định tại dự thảo luật BHXH (sửa đổi) họ vẫn đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

"Việc người lao động nghỉ việc để tránh sự thay đổi của chính sách đã ảnh hướng rất lớn đến doanh nghiệp vì mất một lượng lớn lao động có tay nghề. Đề xuất phương án 1 sẽ được thông qua, để ổn định tình hình hiện tại, tránh việc NLĐ "chạy luật" để rút BHXH một lần" – ông Cường nói.

Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự

Thực trạng này cũng đang diễn ra tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nệm Mousse Liên Á (quận Tân Phú). Ông Phạm Quốc Tiến, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết khi dự thảo Luật BHXH được đưa ra lấy ý kiến thì nhiều NLĐ tìm đến Công đoàn để nhờ tư vấn nên rút hay nên tiếp tục tham gia.

"Trong số này, lượng người lao động có thời gian gắn bó từ 10-20 năm bày tỏ mong muốn nghỉ việc để rút BHXH một lần chiếm số lượng lớn. Họ muốn rút hết quá trình đã đóng trước đó và tính toán nếu quay lại làm việc, đóng lại từ đầu thì vẫn kịp thời gian để hưởng lương hưu. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng việc này có lợi hơn có lợi hơn so với đóng BHXH liên tục" - ông Tiến nói.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ TP HCM - phát biểu tại hội nghị

Còn theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ TP HCM mong rằng trong lần thông qua Luật BHXH tại kỳ họp Quốc hội lần này sẽ có sự quyết liệt về quy định liên quan đến rút BHXH một lần. Ông cũng đề xuất nên chọn phương án 1, vì cho rằng phương án 2 không thể giải quyết được vấn đề rút BHXH một lần. "Thà đau một lần rồi thôi, dứt điểm thực trạng day dứt rút BHXH một lần tồn tại nhiều năm qua để xây dựng chính sách an sinh xã hội bền vững" - ông Triều nói.

Từ năm 2023 đến nay đơn vị trường xuyên phối hợp với doanh nghiệp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền chính sách pháp luật về tác hại của việc "bán lúa non" khi hưởng BHXH một lần nhưng người lao động muốn rút vẫn cứ rút.

Do đó, ông Triều đề xuất ngoài lựa chọn phương án tối ưu để người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống an sinh, cũng cần có chính sách hỗ trợ cho nhóm thật sự khó khăn như vay vốn lãi suất ưu đãi chẳng hạn, để họ không còn xem BHXH là giải pháp giải quyết các vấn đề bức thiết, cấp bách.

Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM (đứng), phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri

Cũng tại hội nghị, các nội dung liên quan đến Luật Công đoàn (sửa đổi): Tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn, mức đóng kinh phí Công đoàn, phương án phân chia kinh phí Công đoàn, quyền gia nhập Công đoàn của người lao động nước ngoài, quyền giám sát của Công đoàn, việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp… cũng được các đại biểu mang ra thảo luận.

Huỳnh Như

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/luat-bhxh-sua-doi-ngoai-phuong-an-rut-bhxh-can-chinh-sach-ho-tro-nhom-kho-khan-19624051114223097.htm