Kiên Giang chủ động ứng phó với hạn, mặn

Bước vào cao điểm mùa khô 2023-2024, thời tiết không mưa, nắng kéo dài, độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Tỉnh Kiên Giang đang triển khai các giải pháp ứng phó, nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân.

HẠN, MẶN ĐE DỌA SẢN XUẤT

Cuối tháng 2 đầu tháng 3-2024, tác động của triều cường khiến độ mặn trên các sông tăng cao, độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến cao hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm từ 0,5-4,5‰. Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 40km; trên sông Cái Bé độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 18km. Khu vực vùng đệm U Minh Thượng thuộc địa bàn xã Minh Thuận và An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) độ mặn tăng cao bất thường ở các kênh 15, 16, 17A, 17B, dao động từ 2-14,5‰.

Ghi nhận tại địa bàn huyện Hòn Đất, độ mặn tại các khu vực ven biển tăng cao từ giữa tháng 2-2024 đến nay. Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp nước biển dâng làm các khu vực cống 282, cống 287, cống Tám Nguyên trên địa bàn xã Lình Huỳnh, xã Bình Sơn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng từ 100-300m. Việc mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nguy cơ cao đe dọa các diện tích lúa đông xuân 2023-2024 đang trong giai đoạn trổ chín của người dân.

Sau khi nắm thông tin phản ánh từ địa phương, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang điều chỉnh kế hoạch vận hành mở các cống khu vực này một chiều ra biển, khắc phục tình hình nhiễm mặn cục bộ, đảm bảo an toàn sản xuất cho người dân.

Cống Cái Lớn vận hành đóng giúp kiểm soát mặn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh xuống giống 280.218ha lúa đông xuân 2023-2024 và 72.395ha vụ lúa mùa 2023-2024, đến nay, nông dân thu hoạch dứt điểm vụ mùa, lúa đông xuân đã thu hoạch 42.809ha. Diện tích còn lại chủ yếu ở vùng tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu nằm trong vùng cơ bản đã hoàn thiện hệ thống kiểm soát mặn, đảm bảo cho yêu cầu sản xuất.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Nguyễn Huỳnh Trung thông tin được dự báo trước về tình hình hạn hán, mặn xâm nhập mùa khô 2023-2024 sẽ khốc liệt và gay gắt, đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để điều tiết, vận hành hệ thống cống trên địa bàn tỉnh kịp thời kiểm soát mặn xâm nhập đảm bảo an toàn cho sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân.

Trước tết, tỉnh khẩn cấp thi công và đưa vào sử dụng công trình đập tạm T3 Hòa Điền (Kiên Lương) thay thế đập cũ đã hư hỏng, góp phần đảm bảo an toàn hơn 55.000ha lúa đông xuân và nước sinh hoạt của 67.000 dân thuộc hai huyện Kiên Lương và Giang Thành.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang phối hợp các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và U Minh Thượng kiểm tra, khắc phục tình trạng rò rỉ mặn của hệ thống cống trên địa bàn các huyện. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn như An Biên, An Minh chủ động gia cố, đắp mới 27 đập đất ngăn mặn để bảo vệ diện tích lúa đông xuân 2023-2024.

THIẾU NƯỚC NGỌT SINH HOẠT

Bước vào mùa khô 2023-2024, nhiều hộ dân sống tại các cụm, tuyến dân cư ven biển và hải đảo thuộc các huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, Kiên Hải, Kiên Lương đều lo thiếu nước sạch sinh hoạt. Theo rà soát, thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, ước toàn tỉnh có khoảng 30.000 hộ dân có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Người dân xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh trữ nước trong lu xi măng để sử dụng trong mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Phương, ngụ ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên cho biết: “Vùng này nước giếng khoan đều bị nhiễm phèn, mặn, người dân gặp khó khăn trong việc sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong mùa khô, tình hình khan hiếm nước sạch càng trở nên trầm trọng hơn. Đa số hộ dân đều trữ nước mưa trong các lu xi măng để tắm, giặt, ăn uống trong mùa khô”.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành cho biết tính đến thời điểm này huyện chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất do ảnh hưởng mặn xâm nhập gây ra. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với huyện là thiếu nước sinh hoạt cho người dân tại các xã đảo.

Tại xã đảo Hòn Nghệ, hàng ngày các giếng nước ngầm chỉ có thể cung cấp từ 50-60m3, lượng nước này chỉ đủ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Để tiết kiệm nước ngọt, nhiều hộ tận dụng nước biển để tắm sau đó tắm lại bằng nước ngọt. Gia đình có điều kiện kinh tế thường chủ động trữ nước mưa trong các bồn chứa sử dụng cho các tháng mùa khô.

Đập tạm T3 Hòa Điền trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên đưa vào sử dụng góp phần ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo an toàn sản xuất và nước sinh hoạt của người dân huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành.

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn trong mùa khô 2023-2024, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, các xã đảo, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ống từ các công trình cấp nước tập trung tại các xã Vân Khánh Đông, Vân Khánh (An Minh); đầu tư bồn trữ nước xã đảo Hòn Nghệ.

Tỉnh cũng có phương án hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa chứa nước dung tích 0,5-1m3 và hóa chất xử lý nước khẩn cấp cho các hộ dân ở khu vực phân tán, vùng khó khăn về nước sạch. Các địa phương chủ động trữ nước an toàn vào các hồ chứa Dương Đông (TP. Phú Quốc); Bãi Nhà, Bãi Cây Mến (Kiên Hải) để cấp nước sinh hoạt an toàn cho nhân dân trên đảo.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, nhờ chủ động ứng phó kịp thời tình hình hạn, mặn xâm nhập, đến nay tỉnh bảo đảm an toàn sản xuất, nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, theo nhận định từ các cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập còn diễn biến phức tạp. Hiện phần lớn diện tích lúa đông xuân 2023-2024 vẫn chưa thu hoạch, nguy cơ cao bị mặn đe dọa, thiếu nước sản xuất.

Các địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là, thực hiện đồng bộ giải pháp ứng phó hiệu quả với hạn hán, mặn xâm nhập, trong đó thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình nguồn nước, diễn biến hạn, mặn. Đồng thời, chủ động hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra cống bọng, bờ bao, chất lượng nguồn nước trước khi bơm tưới, đề phòng nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng; thông báo cho người dân trong khu vực nhiễm mặn biết để chủ động sản xuất, sử dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, khoa học nhằm tiết kiệm nước tưới.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/kien-giang-chu-dong-ung-pho-voi-han-man-19413.html