Ai có thẩm quyền quyết định nâng lương cho Đại tướng, Thượng tướng Công an?

Theo Luật Công an nhân dân, việc nâng lương cho Bộ trưởng Bộ Công an (mang cấp bậc hàm Đại tướng); Thứ trưởng Bộ Công an và Sĩ quan CAND biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (mang cấp bậc hàm Thượng tướng) sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chức vụ nào được mang cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng Công an?

Cụ thể, các chức vụ được mang cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng Công an bao gồm:

- Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;

- Thượng tướng, số lượng không quá 7 bao gồm:

+ Thứ trưởng Bộ Công an. Số lượng không quá 6;

+ Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

(Điểm a, b khoản 1 Điều 25 Luật Công an nhân dân 2018, sửa đổi 2023)

Theo quy định về thẩm quyền nâng lương sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân thì Thủ tướng Chính phủ sẽ là người có thẩm quyền quyết định nâng lương cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng.

Như vậy, việc nâng lương cho Bộ trưởng Bộ Công an (mang cấp bậc hàm Đại tướng); Thứ trưởng Bộ Công an và Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (mang cấp bậc hàm Thượng tướng) sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

(Khoản 2 Điều 26 Luật Công an nhân dân 2018)

Bộ trưởng Bộ Công an có quyền quyết định nâng lương đối với chức vụ, chức danh nào?

Theo khoản 3 Điều 26 Luật Công an nhân dân 2018, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định nâng lương đối với các chức vụ, chức danh thuộc cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng, cụ thể:

(1) Các chức vụ, chức danh thuộc cấp bậc hàm Trung tướng

- Cục trưởng, Tư lệnh và tương đương của đơn vị trực thuộc Bộ Công an có một trong các tiêu chí sau đây:

Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, trực tiếp chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng;

- Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương;

- Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân;

- Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh;

- Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương;

(Điểm c khoản 1 Điều 25 Luật Công an nhân dân 2018)

(2) Các chức vụ, chức danh thuộc cấp bậc hàm Thiếu tướng

- Cục trưởng của đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương, trừ trường hợp quy định tại (1);

- Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông;

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương;

- Phó Cục trưởng, Phó Tư lệnh và tương đương của đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại (1);

- Phó Cục trưởng và tương đương của đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại (2);

- Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh;

- Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương;

(Điểm d khoản 1 Điều 25 Luật Công an nhân dân 2018, sửa đổi 2023)

Từ ngày 1/7/2024, lực lượng công an sẽ có bao nhiêu bảng lương?

Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Theo nội dung cải cách tiền lương, lực lượng công an sẽ được xây dựng thành 3 bảng lương mới từ 1/7/2024, gồm:

- 1 bảng lương sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);

- 1 bảng lương chuyên môn kỹ thuật công an;

- 1 bảng lương công nhân công an.

Trong đó, 3 bảng lương nêu trên sẽ được xây dựng dựa vào các yếu tố như sau:

- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

- Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.

- Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.

- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.

- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.

Thành Công

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/tien-luong-tien-cong/ai-co-tham-quyen-quyet-dinh-nang-luong-cho-dai-tuong-thuong-tuong-cong-an-20240514234014218.htm