Kiểm toán doanh nghiệp: Lộ sai sót trong sử dụng vốn Nhà nước

Kết quả kiểm toán cho thấy 19/20 TĐ, TCT, công ty sản xuất kinh doanh có lãi; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao. Song bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp cũng còn một loạt bất cập đáng chú ý.

Trong báo cáo mới đây được gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có nêu rõ: Năm 2022, KTNN đã kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) và công ty.

Kết quả kiểm toán cho thấy 19/20 TĐ, TCT, công ty sản xuất kinh doanh có lãi; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao. Song bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp cũng còn một loạt bất cập đáng chú ý.

Doanh nghiệp có tiền gửi ngân hàng nhưng vẫn… đi vay

Báo cáo từ KTNN nêu rõ, lợi nhuận sau thuế năm 2021của hàng loạt đơn vị tăng. Cụ thể như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV); Tổng Công ty Hàng Hải Việt nam (VIMC); Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost); Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood1) …

Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán cũng chỉ ra rằng, nhiều đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kiến nghị tăng thu NSNN 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế GTGT được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.

Cụ thể, như Vinataba, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (Vinafood1); Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (VIMC:); Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa thuộc TCT Phát điện 3 - CTCP, TCT Điện lực miền Nam thuộc EVN, kiểm toán phát hiện chưa xây dựng quy chế quản lý tiền.

Liên quan đến việc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả, KTNN cũng "điểm tên" các công ty như công ty mẹ - SCPC phát sinh khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm (số dư tại 31/12/2021 là 10 tỷ đồng), lãi suất từ 5,5% đến 6%/năm, trong khi đó phải đi vay để bù đắp thiếu hut vốn lưu động (vay ngắn hạn 53,96 tỷ đồng, các khoản vay kỳ hạn 1 năm, lãi suất từ 7% đến 8%/năm); VIMC chưa lập kế hoạch dòng tiền hàng tháng; số dư tiền gửi và tiền mặt một số thời điểm vượt hạn mức quy định.

Tại EVN cũng chưa có quy định về hạn mức số dư tiền gửi nhằm linh hoạt chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ - EVN); việc cân đối dòng tiền năm và hàng tháng tại một số đơn vị chưa cân đối giữa nguồn tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn. Trong đó, một số thời gian còn duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn, ít giao dịch nhưng chưa cân đối để gửi có kỳ hạn.; hoặc một số hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn ngắn hơn thời gian ổn định của số dư tiền gửi trong năm như TCT Phát điện 3 - CTCP, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa thuộc TCT Phát điện 3 - CTCP.

Mặc dù nhiều công ty kinh doanh có lãi, song tình trạng quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn như ở VIMC có Công ty mẹ có số tiền phải thu là 268,76 tỷ đồng, Công ty CP Cảng Sài Gòn 164,04 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam 111,10 tỷ đồng, Công ty CP Cảng Hải Phòng 38,36 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông 27,02 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải Biển Vinaship 2,68 tỷ đồng; VNPost có số tiền phải thu là 16,65 tỷ đồng. Kế đó, tình trạng nợ khó đòi lớn xảy ra ở Vinafood1.

Bên cạnh đó, một số tồn tại bất cập còn thể hiện ở việc một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, hoạt động cho vay chưa phù hợp quy định như tại EVN có Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (công ty đại chúng trực thuộc TCT Phát điện 1) cho Công ty mẹ - TCT Phát điện 1 vay 799,9 tỷ đồng từ năm 2014 - 2015; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (công ty đại chúng trực thuộc TCT Phát điện 2 - CTCP) cho EVN vay 350 tỷ đồng từ năm 2010 (đến 28/12/2021 EVN đã hoàn thành trả nợ vay).

Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính

Đáng chú ý, báo cáo của kiểm toán nhà nước cũng nêu rõ, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính như Vicem Tam Điệp, Vicem Hạ Long, Vicem Sông Thao; Vinafood1: Công ty CP Lương thực Hà Bắc, Công ty CP Lương thực Nam Định, Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty CP Lương thực Bình Trị Thiên, Công ty CP Lương thực Lương Yên, Công ty Liên doanh sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo. Hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt như Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Liên quan đến quản lý sử dụng đất, KTNN đã chỉ ra một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Cụ thể ở đây là Vinafood1 với 2,04ha; Công ty CP Đầu tư xây dựng và Vật liệu Đồng Nai là 1,29ha; Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh Nhà TP Hồ Chí Minh có 66 mặt bằng và 61 căn hộ trống toàn bộ, 18 mặt bằng trống một phần… Một số bị lấn chiếm, tranh chấp như Công ty CP Xây dựng và chế biến lương thực Vĩnh Hà có 0,49ha; VNPost có Bưu điện Tây Ninh với diện tích 0,016ha.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của TCT Lương thực miền Nam cho thấy: Một số đơn vị thuộc Công ty mẹ - TCT đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; Công ty mẹ - TCT chưa xác định khoản tiền phạt chậm nộp liên quan đến tiền thu về cổ phần hóa các đơn vị thành viên 17,75 tỷ đồng; chưa nộp số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại 31/12/2017 và xác định lãi chậm nộp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định lãi chậm nộp theo quy định. UBND một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến về phương án sử dụng đất đối với 25 cơ sở nhà, đất của Công ty mẹ - TCT. 1 cơ sở nhà, đất và 1 thửa đất tại tỉnh Long An chưa được Công ty mẹ - TCT lập, trình cơ quan có thẩm quyền phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Công ty mẹ - TCT xác định kết quả kinh doanh giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần chưa chính xác, qua kiểm toán điều chỉnh giảm Lợi nhuận sau thuế TNDN 4,72 tỷ đồng. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần giảm so với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp tuy nhiên Công ty mẹ - TCT chưa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định. Kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần 32,6 tỷ đồng và kiến nghị tăng thu NSNN 21,92 tỷ đồng.

Trước các sai sót kể trên, kiểm toán nhà nước đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó: Kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN của KTNN đối với niên độ ngân sách 2021 là 34.595 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu 4.641,3 tỷ đồng; giảm chi NSNN 29.953,7 tỷ đồng (chi thường xuyên 24.066,9 tỷ đồng; chi đầu tư 5.886,8 tỷ đồng); kiến nghị khác 37.010 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, các tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đã nêu tại từng báo cáo kiểm toán của KTNN thực hiện trong năm 2022.

Cùng đó là chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 270 văn bản, gồm: 10 luật; 14 nghị định; 04 nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 15 thông tư và 227 văn bản khác không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2022.

Nhật Uyên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/kiem-toan-doanh-nghiep-lo-sai-sot-trong-su-dung-von-nha-nuoc-i695837/