Không để biến tướng, trục lợi tại lễ hội

Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, Hà Nội đã có các giải pháp để không xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động gây mất ANTT tại lễ hội. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Tăng cường quản lý

Hà Nội có hơn 1.500 lễ hội với nhiều quy mô khác nhau, trải rộng ở tất cả các quận, huyện, thị xã, trong đó, các lễ hội truyền thống chủ yếu tập trung vào mùa Xuân.

Lễ hội chùa Hương. Ảnh: Minh An

Nhiều năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các quận, huyện, thị xã đã có nhiều chuyển biến, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Đơn cử, tại Lễ hội chùa Hương, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024, lễ hội năm nay có chủ đề: Lễ hội chùa Hương "An toàn- Văn minh -Thân thiện". Lễ khai hội sẽ được tổ chức ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết).

Theo phương án bảo đảm an ninh trật tự phục vụ công tác quản lý và tổ chức Lễ hội chùa Hương 2024, Công an huyện Mỹ Đức sẽ phối hợp với lực lượng tăng cường bố trí hai tuyến, 10 tổ công tác tại các hướng tuyến, khu vực trọng điểm như ngã tư Đục Khê, Bến Yến, Đền Trình… bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao chính, trước các bến xe và khu vực bến đò trên Suối Yến.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu 100% chủ đò, người phục vụ được phổ biến và chấp hành nghiêm quy định phục vụ du khách an toàn, thuận tiện; các đơn vị chức năng phối hợp quản lý hiệu quả bốn bến bãi trông giữ phương tiện giao thông; tiếp tục vận hành thử nghiệm xe điện 8 - 14 chỗ theo ba hướng, tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ du khách trong mùa Xuân hội mới.

Về công tác tổ chức Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, từ cuối tháng 12/2023 huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị Lễ hội Gióng - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội đền Sóc. Ảnh: Trọng Tùng.

Để tổ chức tốt lễ hội, UBND huyện Sóc Sơn đã yêu cầu tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách giá vé đúng qui định, không để tổ chức, cá nhân bắt chẹt du khách. Trong 3 ngày hội tuyệt đối không tổ chức trông giữ phương tiện tại khuôn viên của di tích. Bố trí sắp xếp hàng quán ngăn nắp; nghiêm cấm nâng giá cao; không bán hàng rong; buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tổ chức trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình, ăn tiền; bày bán các loại ấn phẩm mê tín dị đoan; sử dụng loa công suất lớn.

Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hoạt động lễ hội. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: lưu hành ấn phẩm, văn hóa phẩm trái phép không phù hợp với thuần 4 phong mỹ tục; tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ dùng loa công suất lớn; việc đặt tiền công đức, tiền lễ đúng quy định...

Không để xảy ra hoạt động mê tín, dị đoan

Trước mùa lễ hội Xuân 2024, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan, địa phương không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

TP cũng yêu cầu đẩy mạnh sử dụng các hình thức truyền thông như: quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội trên website địa phương, nền tảng mạng xã hội, các phần mềm tiện ích… để người dân, du khách dễ tiếp cận, thực hiện.

Trước thềm mùa lễ hội Xuân 2024, tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương, ngày 5/2, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương ký ban hành các công văn số gửi các địa phương.

Người dân dùng tiền để xoa vào chùa Đồng (Yên Tử). Ảnh: Lại Tấn

Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động lễ hội, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.

Không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Đối với TP Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lễ hội tập trung đông người trên địa bàn như: Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn).

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-bien-tuong-truc-loi-tai-le-hoi.html