Không chủ quan trước nguy cơ sạt lở

Những ngày qua, mưa lớn liên tục diễn ra trên hầu khắp các huyện, thành trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp và nhiều công trình giao thông, thủy lợi… Đến nay, thời tiết đã khô ráo trở lại, trời hửng nắng nhưng nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất vẫn là nỗi lo ngại lớn. Chính vì vậy, tăng cường cảnh giác, phân vùng cảnh báo, chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của thời tiết… là giải pháp cốt yếu đang được các ngành liên quan và địa phương triển khai.

Nhiều khối đá kích thước lớn bị sạt lở, rơi xuống đường giao thông khu vực chân núi Nản (Định Hóa).

Mặc dù trên địa bàn tỉnh từ ngày 25-5 đến nay không có mưa nhưng tình trạng sạt lở đất đá vẫn tiếp tục xảy ra. Điển hình, trưa 26-5, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tổ dân phố phố Núi (thị trấn Chợ Chu, Định Hóa) xảy ra sạt lở khoảng 10m3 đất đá từ trên núi Nản xuống đường từ độ cao khoảng 70m. Tuy vụ sạt lở không gây thiệt hại về người song đá văng vào nhà dân làm hư hỏng tài sản; sụt lún khoảng 5m2 mặt đường.

Những ngày trước đó, mưa lớn cũng đã khiến 23 hộ dân tại các xã: Lam Vỹ, Trung Lương, Bình Yên, Bảo Linh (Định Hóa)… bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Khối lượng đất đá sạt lở khoảng 900m³.

Có nhà ở gần chân núi, bà Ma Thị Lê, xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ, luôn trong tâm trạng thấp thỏm mỗi khi mưa lớn kéo dài. Bà Lê cho biết: Khoảng 2 năm trước, khu vực này cũng từng bị sạt lở nên chúng tôi rất lo lắng. Đêm nào trời mưa là cả nhà tôi không ngủ được, lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị di tản.

Theo thống kê, huyện Định Hóa có gần 900 hộ với khoảng 3.000 nhân khẩu đang sinh sống ở khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, thường xuyên kiểm tra và lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn.

Huyện Định Hóa huy động lực lượng hỗ trợ di dời người dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Hiện nay, các điểm có nguy cơ sạt lở cao đã được địa phương dựng biển cảnh báo để người dân biết, chủ động đề phòng. Đồng thời bố trí phương tiện, lực lượng kiểm tra, xử lý các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở cao.

Cũng là huyện miền núi với địa hình phức tạp, nhiều sông, hồ, khe suối, lượng mưa lớn, do vậy, Đại Từ thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi nhiều loại hình thiên tai. Huyện đã xác định một số khu vực trọng điểm, nguy cơ cao sạt lở đất đá như tại các xã: Na Mao, Tân Thái, Phục Linh, Tân Linh, Minh Tiến…

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ thông tin: Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, đặc biệt là vừa qua địa phương đã có một số thiệt hại do mưa lớn gây ra, chúng tôi đang tham mưu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong phương án PCTT và TKCN của huyện năm 2022 cho phù hợp với thực tế. Trong đó tập trung vào các khu vực xung yếu, nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là tại các xã: Na Mao, Quân Chu, Tân Thái (đoạn qua Tỉnh lộ 270). Đây là những khu vực đã từng sạt lở, có kết cấu đất, đá rời rạc. Thêm vào đó, mưa lớn dài ngày mới chấm dứt nên lượng nước trong đất vẫn còn khá lớn, nguy cơ sạt trượt cao. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó, huy động sự tham gia của lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp về phương tiện, lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra…

Một hộ dân ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) có taluy sau nhà bị sạt được lực lượng cứu hộ hỗ trợ xử lý.

Các địa phương khác, đặc biệt là những huyện miền núi, vùng cao, nơi có nguy cơ sạt lở cao cũng đã chủ động các phương án phù hợp. Hằng năm, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đều yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành rà soát, thông tin về những công trình trọng điểm, xung yếu có nguy cơ rủi ro thiên tai cao, đặc biệt là ảnh hưởng đến dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng.

Tuy nhiên, thực tế tình hình thời tiết những năm qua cho thấy, các hình thái thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất đá ngày càng diễn ra phức tạp và không theo quy luật, khó dự báo chính xác. Do vậy, cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân cũng cần nâng cao ý thức đề phòng, chủ động ứng phó.

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người dân cần di dời đến nơi an toàn và báo ngay cho chính quyền địa phương để có phương án xử lý kịp thời. Tại các khu vực đồi, núi, người dân không nên lạm dụng việc múc đất, cắt chân sườn dốc tự nhiên để lấy mặt bằng làm nhà, xây dựng các công trình. Bởi hoạt động này sẽ làm mất cân bằng sườn dốc, dễ gây sạt lở.

Nhóm P.V Kinh tế

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/khong-chu-quan-truoc-nguy-co-sat-lo-301543-205.html