Rút BHXH một lần: Số đông công nhân chọn phương án 1

Người lao động muốn được tự quyết đối với thời gian đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật BHXH (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kèm theo Tờ trình số 527/TTr-CP, Chính phủ đã đề xuất 2 phương án về vấn đề hưởng BHXH một lần. Phương án 1: Người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH.

Đây là vấn đề được đông đảo người lao động quan tâm. Đến thời điểm này, số đông công nhân vẫn thiên về phương án 1, kể cả những người đã có số năm đóng BHXH trên 20 năm bởi nhiều người cho rằng khi họ bắt đầu tham gia BHXH thì việc rút BHXH một lần (cho toàn bộ thời gian đóng) là một trong những quyền lợi họ được hưởng, việc thay đổi về chính sách theo phương án 2 khiến họ cảm thấy quyền lợi bị giảm đi.

Nhiều người lao động chọn phương án 1

Bà Hồ Thị Phương (công nhân Công ty TNHH may thêu Thuận Phương, quận 6, TP HCM) cho biết bà đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc là 20 năm, thảo điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Thời gian qua, cũng không ít lần gia đình bà đối mặt với khó khăn, phải nợ nần, nhất là khi con bà mong muốn được đi xuất khẩu lao động nhưng gia đình không có khả năng đóng các khoản phí cho con. Trong hoàn cảnh đó, bà rất băn khoăn giữa việc nghỉ việc rút BHXH một lần hay vay mượn tuy nhiên cuối cùng bà vẫn chọn vay mượn rồi trả dần để tuổi già có lương hưu.

"Bây giờ còn sức khỏe, còn làm việc được nên tôi thà vay mượn rồi ráng làm để trả nợ chứ không muốn "nhận một cục" rồi về già vẫn phải lo cơm áo gạo tiền. Dù là vậy, tôi vẫn chọn phương án 1 bởi với tôi và nhiều công nhân, BHXH một lần chính là phao cứu sinh trong những trường hợp không thể nào xoay xở được như bản thân hay người nhà ốm đau mà không có tích lũy hay không có người chăm sóc…"- bà Phượng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Thành Luân, công nhân tại một một doanh nghiệp ở KCX Linh Trung I (TP Thủ Đức) cũng chọn phương án 1. Anh Luân có thời gian tham gia BHXH bắt buộc là 17 năm 9 tháng. Anh cho biết, thời gian qua, câu hỏi anh hay được nhận nhất là có rút bảo hiểm hay không vì có thể sau 2025 chỉ được rút 50%. Cho tới thời điểm này, anh vẫn quyết định giữ việc làm và tiếp tục tham gia BHXH để sau này có lương hưu.

Anh cho hay: "Nhiều bạn bè của tôi đã nghỉ việc để rút BHXH trước khi luật mới có hiệu lực. Tôi cho rằng khi chọn ở lại hệ thống để hưởng lương hưu hay rút BHXH một lần là lựa chọn của cá nhân người lao động, họ đều hiểu rõ họ được và mất gì với lựa chọn của mình nên không nhất thiết phải hạn chế việc rút BHXH một lần. Bởi dù phương án 2 được chọn mà NLĐ muốn rút thì họ vẫn rút và tới tuổi nghỉ hưu vẫn không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí"

N.Hoàng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/rut-bhxh-mot-lan-so-dong-cong-nhan-chon-phuong-an-1-196240519092330368.htm