Khơi thông đường sắt đô thị

Tuyến Metro 1 về cơ bản đã hoàn thành và các tuyến Metro 2, Metro 5 đã xác định được nguồn vốn từ các nhà tài trợ cho giai đoạn 1. Thế nhưng, không chỉ thiếu vốn đầu tư, TP HCM vẫn khó khăn trong thu hút đầu tư cho đường sắt đô thị.

Tuyến Metro số 1 của TP HCM dự kiến vận hành thử nghiệm vào ngày 2/9 tới.

Tuyến Metro số 1 của TP HCM dự kiến vận hành thử nghiệm vào ngày 2/9 tới.

Nhiều dự án chờ vốn

Dự án Metro số 1 lộ trình Bến Thành (quận 1, TP HCM) - Suối Tiên (TP Thủ Đức) đến nay cơ bản đã hoàn thành, chỉ chờ vận hành khai thác. Dự án có tổng chiều dài 19,7km, với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao được TP HCM rất kỳ vọng sẽ trở thành “cánh chim đầu đàn” của đường sắt đô thị thành phố. Dù vậy, mới đây UBND TP HCM đã gửi công văn khẩn kiến nghị Bộ Tài chính về việc bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP HCM (gọi tắt Công ty Metro số 1).

Kiến nghị cho biết, kể từ khi thành lập đến nay Công ty Metro số 1 không được cấp vốn ngoài số tiền 14 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu mua sắm thiết bị văn phòng cơ bản. Việc thiếu kinh phí trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị, tuyển dụng nhân sự để vận hành Metro số 1 được dự kiến vào cuối năm 2023. Do các bất cập này, hiện phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã rất sốt ruột và cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị các cấp hỗ trợ sớm xem xét giải quyết vấn đề kinh phí cho Metro số 1 để không ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho vận hành, khai thác đã đến rất gần.

Tương tự dự án Metro số 1, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có đến 12 năm chuẩn bị nhưng hiện nay cũng vẫn chưa rõ ngày khởi công, khiến nguy cơ chậm trễ kéo dài, ảnh hưởng cuộc sống nhiều hộ dân dọc tuyến đã giao đất cho dự án. Ngoài vướng mắc về mặt bằng “sạch”, quá trình điều chỉnh dự án kéo dài nên từ tháng 10/2018 hợp đồng tư vấn cho tuyến Metro này có nhiều thời điểm phải tạm dừng. Đồng thời, Metro Số 2 chậm tiến độ cũng đã dẫn đến một số hiệp định vay vốn các nhà tài trợ hết hạn giải ngân tại không ít tiến độ đã ấn định trước. Cũng như dự án Metro số 1, dự án Metro số 2 đang được chính quyền TPHCM đặc biệt quan tâm, đôn đốc thực hiện.

Bên cạnh 2 dự án metro kể trên, 4 tuyến metro được đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài cho 5 năm tiếp theo, bao gồm tuyến số 2 (giai đoạn 2), số 3A, số 4 và số 5 (giai đoạn 1) cùng các dự án hạ tầng trọng điểm khác của thành phố. Điều này đặt ra kỳ vọng rất lớn trong tổng thể quy hoạch đường sắt đô thị, tuy nhiên hầu hết các dự án cũng mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu, xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Để giải quyết vấn đề cấp thiết nhất của các dự án Metro tại TPHCM hiện nay, tháng 6/2023, UBND TP HCM đã có công văn gửi Quốc hội xin ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó, cho phép TPHCM được linh hoạt trong huy động nguồn vốn từ trái phiếu. Bởi vì, thực tế các dự án trọng điểm của TPHCM, điển hình là các dự án Metro luôn gặp khó khăn về vốn khiến ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Trong khi chờ cơ chế thông thoáng, được chủ động hơn về huy động và phân bổ vốn, UBND TPHCM đang tập trung nguồn lực để đánh giá, nghiệm thu toàn tuyến Metro số 1 để kịp vận hành chính thức vào cuối năm nay.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, tuyến metro đầu tiên của thành phố hiện đã đạt 95% tổng khối lượng và phần còn lại chủ yếu ở các đầu việc về kiến trúc, lắp đặt, thử nghiệm. Dự kiến, Metro số 1 sẽ được vận hành thử nghiệm trên toàn tuyến vào ngày 2/9 tới đây, vận hành chính thức vào cuối năm. Hiện tại, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM đã sẵn sàng với 17/17 đoàn tàu, 51 toa được nhập từ Nhật Bản.

Đối với các dự án đường sắt còn lại, UBND TP HCM đang nghiên cứu và thu hút đầu tư theo mô hình định hướng giao thông công cộng (TOD) và quan hệ đối tác công - tư (PPP).

Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đầu tư theo hình thức PPP được thành phố đề xuất Trung ương thí điểm phát triển đô thị theo định hướng TOD, tập trung trước hết vào 2 tuyến Metro số 1 và tuyến Metro số 2.

Theo ông Bùi Xuân Nguyện - đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, với 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên kết nối các trung tâm chính của TP HCM, toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị của thành phố sẽ có tổng chiều dài vào khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD, sẽ tạo ra thay đối rất lớn đường sắt đô thị của TPHCM.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khoi-thong-duong-sat-do-thi-5721015.html