Khoảng 800.000 tấn bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam

Ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tính đến năm 2023, số diện tích còn ô nhiễm rất lớn, khoảng 5.590.094 ha, tương đương với gần 17,7% diện tích của cả nước.

Ngày 4/4 hàng năm được chọn là Ngày quốc tế nhận thức và hỗ trợ hành động bom mìn, với nhiều sự kiện, hoạt động được tổ chức khắp nơi trên thế giới, như một lời cam kết của Liên Hợp quốc trong các nỗ lực vì một thế giới không bom mìn và tàn dư của chất nổ sau chiến tranh.

Ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tính đến năm 2023, số diện tích còn ô nhiễm rất lớn, khoảng 5.590.094 ha, tương đương với gần 17,7% diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong nhiều năm qua Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ an sinh cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp các nạn nhân bom mìn.

Ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn

Hiện cả nước có trên 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxine. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em.

Trong suốt gần 50 năm qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn, đặc biệt là việc ban hành các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn. Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 504, phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025” (Chương trình 504), nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quyết định số 738, ngày 13/5/2013 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình 504 đến năm 2015; Quyết định số 213, ngày 11/4/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 701 của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/5/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 22/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 748, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023-2025.

Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm vay vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật trên địa bàn 10 tỉnh/thành phố gồm: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định, Vĩnh Long.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, việc khắc phục hậu quả và ô nhiễm môi trường do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam còn nhiều khó khăn.

“Với thực trạng ô nhiễm bom mìn như hiện nay, Việt Nam cần hàng trăm năm để khắc phục hoàn toàn bom mìn. Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc đã nhận định: Khắc phục bom mìn và hậu quả chiến tranh là mục tiêu lớn của thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua, tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch hết hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam cần kinh phí hàng chục tỷ USD, chưa kể hàng tỷ USD cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn”, Nguyễn Bá Hoan chỉ ra.

Để làm sạch hết hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam cần kinh phí hàng chục tỷ USD

Hưởng ứng Ngày quốc tế nhận thức và hỗ trợ hành động bom mìn 4/4/2024, Ban Chỉ đạo 701 và Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia tiếp tục tổ chức phát động Cuộc thi trực tuyến về cách nhận biết, phòng tránh tai nạn bom mìn trên Trang thông tin điện tử: http://vnmac.gov.vn. Cuộc thi nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam đến đông đảo tầng lớp nhân dân cả nước.

Hà Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khoang-800000-tan-bom-dan-con-sot-lai-sau-chien-tranh-tai-viet-nam-post1087151.vov