Israel ngừng bắn nhân đạo, Iceland tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Những tin tức đáng chú ý trong tuần qua vẫn xoay quanh cuộc chiến tại Dải Gaza với nhiều diễn biến mới, đi kèm là những dấu hiệu thời tiết khắc nghiệt bất thường tại Iceland và Greenland.

Chiến sự Israel - Hamas vẫn diễn biến phức tạp.

Xung đột Israel - Hamas: Israel nhất trí ngừng bắn nhân đạo

Theo các hãng truyền thông thế giới, ngày 9/11, tức hơn 1 tháng kể từ khi chiến tranh nổ ra tại Dải Gaza, Israel đã nhất trí tạm dừng hoạt động quân sự 4 tiếng hàng ngày tại phía bắc Dải Gaza để cho phép người dân ở khu vực này chạy nạn khỏi cuộc chiến.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết lệnh ngừng bắn nhân đạo đầu tiên sẽ được công bố trong ngày 9/11 và Israel đã cam kết thông báo vào thời điểm 3 tiếng trước khi bắt đầu ngừng bắn.

Mặc dù đã tuyên bố nhất trí ngừng bắn nhân đạo, nhưng chiến trường tại Dải Gaza vẫn vô cùng khốc liệt. Ngày 10/11, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết 20 bệnh viện ở Dải Gaza đã ngừng hoạt động hoàn toàn, đồng thời cảnh báo bệnh viện Al Shifa - bệnh viện lớn nhất ở Dải Gaza, có nguy cơ bị tấn công.

Không chỉ vậy, xung đột ngày càng leo thang từ ngày 7/10 khi Hamas bất ngờ tấn công, xâm nhập lãnh thổ Israel khiến 1.400 người ở Israel thiệt mạng và bắt cóc hơn 240 người. Israel sau đó triển khai chiến dịch tấn công và phong tỏa Dải Gaza khiến tình hình nhân đạo tại dải đất này xấu đi nhanh chóng. Theo cơ quan y tế Dải Gaza, xung đột khiến hơn 11.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết quân đội nước này đã chiếm được các tiền đồn quan trọng của Hamas ở thành phố Gaza trong ngày 10/11, tiêu diệt khoảng 150 thành viên Hamas. Trong khi đó, giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục diễn ra trong và xung quanh thành phố Gaza giữa quân đội và các tay súng Palestine.

Tổng thống Bồ Đào Nha giải tán Quốc hội

Ngày 9/11, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đã giải tán quốc hội và quyết định tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 10/3/2024 sau khi Thủ tướng nước này Antonio Costa từ chức do bị điều tra cáo buộc tham nhũng.

Tổng thống Rebelo de Sousa thông báo quyết định trên trong phát biểu trên truyền hình. Trước đó, nhà lãnh đạo này đã có cuộc tham vấn với các thành viên Hội đồng Nhà nước. Ông cũng có cuộc gặp lãnh đạo các chính đảng và thảo luận hai phương án: thành lập một chính phủ lâm thời hay giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Đa số các chính đảng đều kêu gọi bầu cử sớm, ngoại trừ đảng Xã hội (SP) muốn bổ nhiệm thủ tướng mới. Tổng thống Rebelo de Sousa cho biết giải pháp bổ nhiệm thủ tướng như vậy không được coi là hợp pháp vì không dựa trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

Trước đó, ngày 7/11, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa tuyên bố từ chức trong bối cảnh diễn ra cuộc điều tra về những hoạt động bị cho là bất thường của chính phủ nước này trong việc xử lý các dự án khai thác lithium và hydro.

Ông Galamba đã bị điều tra về việc phân bổ nhượng quyền cho các hợp đồng khai thác lithium ở miền Bắc Bồ Đào Nha, cũng như liên quan dự án sản xuất hydro và trung tâm dữ liệu sắp do công ty Start Campus xây dựng tại Sines, thị trấn cách Lisbon khoảng 100 km về phía nam.

Ông Antonio Costa - Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha bị điều tra vì tham nhũng.

Iceland tuyên bố tình trạng khẩn cấp do nguy cơ núi lửa phun trào

Ngày 10/11, các nhà chức trách Iceland đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về nguy núi lửa phun trào sau khi một loạt trận động đất mạnh làm rung chuyển bán đảo Reykjanes, Tây Nam nước này.

Cụ thể, Cơ quan Khí tượng Iceland (IMO) cho biết khoảng 24.000 trận động đất đã xảy ra tại bán đảo Reykjanes kể từ cuối tháng trước, trong đó có khoảng 800 cơn địa chấn ghi nhận trong ngày 10/11.

IMO cũng lưu ý sự tích tụ magma dưới lòng đất ở độ sâu khoảng 5 km. Nếu lượng magma này di chuyển hướng lên mặt đất, điều này có thể dẫn đến một vụ phun trào núi lửa. IMO nêu rõ: "Sẽ mất vài ngày để magma nổi lên bề mặt đất. Nếu một vết nứt xuất hiện ở nơi hoạt động địa chấn đang ở mức cao nhất hiện nay, dung nham sẽ chảy về phía Đông Nam và phía Tây, nhưng không chảy về phía Grindavik”.

Thị trấn Grindavik - nơi có khoảng 4.000 cư dân, đang lên kế hoạch sơ tán tại chỗ cho người dân trong trường hợp núi lửa phun trào.

Với vị trí địa lý nằm giữa các mảng kiến tạo thuộc lục địa Á - Âu và Bắc Mỹ di chuyển ngược chiều nhau, Iceland là điểm nóng về các hoạt động địa chấn và núi lửa trên thế giới. Nước này hiện có 33 hệ thống núi lửa đang hoạt động - nhiều nhất trong số các quốc gia châu Âu. Hệ thống núi lửa Reykjanes đã "ngủ yên" trong suốt 80 năm trước khi những vụ phun trào mới nhất xảy ra.

Các nhà nghiên cứu núi lửa dự đoán chu kỳ hoạt động lần này của hệ thống núi lửa Reykjanes có thể kéo dài trong vài thập kỷ hoặc thế kỷ.

Băng tan tại Greenland khiến nước biển tăng cao

Ngày 7/11, một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications cảnh báo các thềm băng cuối cùng còn sót lại ở Bắc Greenland đã mất hơn 1/3 thể tích trong vòng 4 thập kỷ vừa qua, làm gia tăng nguy cơ mực nước biển dâng cao đáng kể.

Theo đó, nghiên cứu mới nhất cho thấy các thềm băng ở phía Bắc Greenland đã mất hơn 35% tổng khối lượng kể từ năm 1978, thậm chí 3 trong số các thềm băng kể trên đã sụp đổ hoàn toàn.

Thềm băng là những khối băng khổng lồ kéo dài từ các sông băng trên đất liền, có vai trò quan trọng trong điều tiết dòng chảy của băng trên đất liền vào đại dương với khả năng chứa những khối băng có thể khiến mức nước biển dâng tới 2,1m.

Sông băng ở phía Bắc Greenland vốn được xem là tương đối ổn định, khác với sông băng nhiều khu vực khác ở Greenland đã bắt đầu tan chảy từ giữa những năm 1980. Tuy nhiên, điều này dường như không còn đúng khi các nhà nghiên cứu mới đây phát hiện rằng sông băng ở phía Bắc đang tan dần.

Đây là hệ quả khi các thềm băng trở nên yếu hơn và tan chảy từ bên dưới do nhiệt độ lòng đại dương tăng lên. Đáng chú ý dải băng Greenland là tác nhân chính khiến mực nước biển dâng cao toàn cầu, chiếm khoảng 17% mực nước tăng quan sát từ năm 2006 đến 2018.

Tranh của danh họa Picasso được đấu giá cao nhất từ đầu năm

Ngày 8/11, bức tranh có tên "Femme à la montre" (năm 1932) của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại một cuộc đấu giá của Sotheby's ở New York. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm nay được đưa ra cho một tác phẩm nghệ thuật trong một cuộc đấu giá.

Mức giá này đã khiến "Femme à la montre" trở thành bức tranh Picasso đắt thứ hai được bán đấu giá, sau bức "Les femmes d'Alger". Bức "Les femmes d'Alger" thu về 179,3 triệu USD, bao gồm cả phí bảo hiểm cho người mua, tại cuộc đấu giá của Christie's năm 2015.

Bức tranh Femme à la montre của danh họa Picasso.

Tác phẩm "Femme à la montre" có kích thước 130cm x 96,5cm, là bức chân dung người tình của Picasso, nghệ sĩ Marie Thérèse Walter, ngồi trên chiếc ghế giống như ngai vàng trên nền xanh.

Tác phẩm này là một tác phẩm nổi bật trong đợt đấu giá tác phẩm nghệ thuật mùa thu của thành phố New York, được nhiều người coi là điểm nhấn cho thị trường nghệ thuật. Bức tranh được bán đấu giá trong đợt bán bộ sưu tập trị giá 400 triệu USD của nhà từ thiện quá cố Emily Fisher Landau.

Linh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/israel-ngung-ban-nhan-dao-iceland-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-20180504224291467.htm