Indonesia và Thái Lan nhận thêm hàng triệu liều vaccine Covid-19, Trung Quốc đạt mốc tiêm chủng hơn 1 tỷ liều vaccine

Ngày 20/6, Indonesia nhận thêm 10 triệu liều vaccine Sinovac, Thái Lan tiếp nhận 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Sinopharm, Malaysia khẳng định còn quá sớm để áp dụng 'hộ chiếu vaccine'.

Indonesia nhận thêm 10 triệu liều vaccine Covid-19 Sinovac

Ngày 20/6, Indonesia đã nhận thêm 10 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac - lô vaccine thứ 17 mà quốc gia này nhận được từ trước đến nay.

Vaccine ngừa Covid-19 Sinovac.

Vaccine ngừa Covid-19 Sinovac.

Theo Tổng Thư ký Bộ Y tế Indonesia, Oscar Primadi, với 10 triệu liều vaccine này, đến nay Indonesia đã có tổng cộng 104.728.000 liều vaccine ngừa Covid-19, bao gồm 94.500.000 liều Sinovac, 2.000.000 liều Sinopharm và 8.228.000 liều AstraZeneca.

Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm luôn đảm bảo hàng trăm triệu liều vaccine Covid-19 cần thiết để thực hiện chương trình tiêm chủng cho 181,5 triệu người Indonesia. Việc mua sắm được thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau như các nỗ lực song phương, đa phương, trong khi tiếp tục phát triển nguồn vaccine trong nước.

Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 19/6, nước này có tổng cộng 12,2 triệu người đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 và 22,8 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên.

Thái Lan tiếp nhận 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Sinopharm

Một cơ sở tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Reuters)

Cũng trong ngày 20/6, Học viện Hoàng gia Chulabhorn của Thái Lan cho biết, lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của hãng Sinopharm (Trung Quốc) gồm 1 triệu liều đã được chuyển từ Bắc Kinh đến sân bay Suvarnabhumi.

Theo Học viện Hoàng gia Chulabhorn, 1 triệu liều vaccine Sinopharm này sẽ được gửi tới Cục Y khoa để kiểm định chất lượng. Vaccine phòng Covid-19 của Sinopharm sẽ được phân phối cho các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc trong ngày 23 và 24/6 và công tác tiêm chủng sẽ bắt đầu vào ngày 25/6.

Trước đó, Tổng Thư ký Học viện Hoàng gia Chulabhorn - Tiến sĩ Nithi Mahanonda đã đảm bảo trên trang Facebook cá nhân rằng số vaccine nói trên sẽ dần được chuyển giao cho tất cả các tổ chức đã đăng ký mua.

Ông Nithi cảnh báo các tổ chức này không được bán lại vaccine để kiếm lời và trong trường hợp vi phạm sẽ đối mặt với mức phạt gấp 20 lần giá mua vaccine.

Hiện chính phủ Thái Lan đã mua hoặc đăng ký mua 105,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó có 61 triệu liều của AstraZeneca, 19,5 triệu liều vaccine Sinovac, 20 triệu liều của Pfizer/BioNTech và 5 triệu liều của Johnson & Johnson.

Thái Lan cũng sẽ đặt hàng thêm 28 triệu liều vaccine từ Sinovac và 22 triệu liều từ các nhà sản xuất khác.

Việc tăng lượng mua là để đối phó với những biến thể của virus SARS-CoV-2 và nhu cầu tiêm liều vaccine tăng cường thứ 3.

Thái Lan ngày 20/6 ghi nhận thêm 3.682 ca mắc mới Covid-19 cùng 20 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ trước tới nay lên 281.131 người, trong đó có 1.629 người không qua khỏi.

Trung Quốc đạt mốc tiêm chủng hơn 1 tỷ liều vaccine

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở An Huy, Trung Quốc.

Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc thông báo, tính tới ngày 19/6, nước này đã tiêm hơn 1 tỷ liều vaccine phòng Covid-19, chiếm hơn 1/3 số liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới.

Con số trên được Trung Quốc công bố sau khi AFP tổng hợp từ các nguồn chính thức cho biết số liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm trên toàn cầu đã vượt mức 2,5 tỷ liều vào ngày 18/6.

Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 miễn phí trên toàn quốc kể từ cuối tháng 3.

Theo thông tin cập nhật hàng ngày của NHC, Trung Quốc mất 25 ngày để tăng từ 100 triệu liều lên 200 triệu liều, 16 ngày để tăng từ 200 triệu lên 300 triệu, 6 ngày từ 800 triệu lên 900 triệu và chỉ mất 5 ngày để đạt mức tăng 100 triệu liều gần đây nhất lên 1 tỷ liều.

Giới chức Trung Quốc đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là tiêm chủng đầy đủ cho 40% trong số gần 1,4 tỷ dân vào cuối tháng này. Một số tỉnh đang cung cấp vaccine miễn phí để khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng.

Tháng 4 vừa qua, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc dự kiến sẽ sản xuất hơn 3 tỷ liều vaccine trong năm nay. Tuy nhiên, các cơ quan y tế Trung Quốc chưa cho biết khi nào nước này sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc tỷ lệ liều vaccine sẽ được bán ra nước ngoài.

Malaysia khẳng định còn quá sớm để áp dụng "hộ chiếu vaccine"

Hộ chiếu vaccine chứng minh một cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19. (Nguồn: The Regulatory Review)

Theo Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah, hiện không phải là thời điểm thích hợp cho việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” vì hầu hết dân số nước này chưa được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Trong một phát biểu ngày 20/6, ông Noor Hisham cho biết tới nay chỉ có khoảng 10% dân số Malaysia được tiêm chủng nên tạm thời chưa thể áp dụng hộ chiếu vaccine. Nguyên nhân là do nếu đặt việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 như một điều kiện để đi lại, rất nhiều người sẽ tức giận vì chưa được tiêm chủng. Do đó, hộ chiếu vaccine chỉ có thể sử dụng khi đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo ông Noor Hisham, trong điều kiện thực thi lệnh phong tỏa toàn diện, Malaysia cần ít nhất 2-3 tháng nữa để tăng cường nguồn cung vaccine và cũng như nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Một khi có nguồn cung cấp vaccine đầy đủ, tỷ lệ tiêm chủng được gia tăng, dự kiến, Malaysia có thể đạt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 hoặc tháng 12/2021.

Tính đến ngày 19/6, Malaysia đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 5,67 triệu người, trong đó có 4,08 triệu người hay 12,5% dân số tiêm mũi đầu tiên và 1,58 triệu người hoàn thành tiêm 2 mũi. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho trên 80% dân số, tương đương hơn 26,1 triệu người.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/indonesia-va-thai-lan-nhan-them-hang-trieu-lieu-vaccine-covid-19-trung-quoc-dat-moc-tiem-chung-hon-1-ty-lieu-vaccine-148912.html