Thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh mới

Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, việc tiếp cận vốn chưa dễ dàng, áp lực tỉ giá căng thẳng... gây khó khăn kép cho doanh nghiệp xuất khẩu

Sáng 25-4, Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ 2: Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, nhằm trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ cho một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đồng chủ trì diễn đàn.

Chủ động ứng phó

Từ đầu cầu Ả Rập Saudi, ông Trần Trọng Kim, Tham tán thương mại Việt Nam, nhìn nhận căng thẳng ở Trung Đông đã xuất hiện từ trước nhưng đến quý I/2024 trở nên nóng bỏng hơn.

Lực lượng Houthi ở Yemen thường xuyên gây bất ổn cho các nhà máy lọc dầu, tấn công tàu chở hàng qua biển Đỏ, khiến các công ty vận tải biển phải đi đường vòng qua châu Âu, châu Phi thay vì đi qua kênh đào Suez. "Gần đây, xung đột giữa Iran và Israel đã tác động đến hải trình của tàu hàng từ Việt Nam đến Ả Rập Saudi. Thời gian vận chuyển bị kéo dài - lên đến 15 ngày và công ty vận tải tăng giá cước 15% có thể làm giảm kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới" - ông Trần Trọng Kim nhận định.

Theo bà Lê Thị Thanh Minh, Trưởng Phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), căng thẳng tại biển Đỏ không chỉ đẩy giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang một số thị trường tăng 20% so với cuối năm 2023 mà còn gây ra biến động giá dầu thô, làm tăng mạnh phụ phí và thời gian vận chuyển, gây khó khăn lớn cho DN xuất khẩu.

Về phía DN, nhiều ý kiến cho biết đơn hàng xuất khẩu không tăng giá hoặc tăng không đáng kể trong khi thời hạn thực hiện đơn hàng ngắn lại. Nhiều DN phải tạm dừng hợp đồng với đối tác ở Trung Đông do vận chuyển và thanh toán khó khăn, tiêu dùng giảm. Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công - phản ánh DN tuy có đơn hàng nhiều hơn nhưng phải chia sẻ chi phí vận chuyển với đối tác nên lợi nhuận bị ảnh hưởng. "Chi phí tăng, khách hàng yêu cầu hàng hóa xanh, sạch hơn trong khi giá không tăng đang tạo áp lực kép đối với DN dệt may" - ông Tùng bày tỏ.

Theo các nhà quan sát, tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới chưa thể kết thúc sớm nên DN xuất khẩu cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó. Ví dụ, đa dạng thị trường; lưu ý những điều khoản bất khả kháng khi ký kết hợp đồng xuất khẩu; mua bảo hiểm đầy đủ; cập nhật, nắm bắt sớm thông tin thị trường từ cơ quan quản lý nhà nước...

Đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ 2: Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, khẳng định sẽ tổng hợp các ý kiến, góp ý của khách mời để chuyển đến các chuyên gia, nhà quản lý. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ổn định tỉ giá, lãi suất

Đồng nội tệ có giá thấp so với USD đã góp thêm khó khăn cho DN xuất khẩu trong thời điểm này. Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C, thông tin công ty xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN. Để giữ thị thường, công ty phải giảm giá cho một số hợp đồng, khiến biên lợi nhuận giảm. "Giá USD ở ngân hàng (NH) không cao như ngoài thị trường nên không bù đắp được chi phí đầu vào tăng cao" - ông Thứ nêu thực tế.

Cùng nội dung này, bạn đọc theo dõi diễn đàn trực tiếp trên Fanpage Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: "Vì sao giá USD "chợ đen" cao hơn giá USD ở NH? Giải pháp điều hành của nhà nước là gì?".

Phản hồi DN và bạn đọc, đại diện NH Nhà nước thừa nhận VNĐ thời điểm này đã mất giá so với đầu năm 2024. Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước, việc chênh lệch giá USD trên thị trường tự do và trong NH là bình thường. Chính bởi giá USD tự do cao nên cần có sự điều hành của NH Nhà nước. "Do mất cân đối cung - cầu ngoại tệ và yếu tố tâm lý nên giá USD "chợ đen" cao hơn. Khi tỉ giá trung tâm giảm, giá USD ngoài thị trường cũng sẽ giảm theo" - ông Đào Minh Tú giải thích thêm.

TS Vũ Tiến Lộc lưu ý DN xuất khẩu trong bối cảnh mới cần đáp ứng hàng loạt yêu cầu về tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu xanh hóa. Do đó, những rào cản nội tại về vốn, lãi suất... cần được tích cực tháo gỡ. "Lãi suất ở một số NH có dấu hiệu nhích lên, tạo áp lực chi phí cho DN. Cần hỗ trợ DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn với chi phí thấp hơn" - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực lâm - thủy sản

Theo dõi chương trình trên Fanpage Báo Người Lao Động, một bạn đọc gửi câu hỏi: "Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng dành cho lĩnh vực lâm - thủy sản đã giải ngân chưa, khi nào hết hạn?". Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú thông tin gói vay ưu đãi này đã giải ngân 18.000 tỉ đồng. Đây là gói vay không có thời hạn với lãi suất thấp hơn 1 - 2 điểm %/năm so với vay thương mại thông thường.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

THANH NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-day-xuat-khau-trong-boi-canh-moi-19624042520504852.htm