Huyện Gò Công Tây: 'Quả ngọt' sau một năm nỗ lực

Năm 2023, vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, bằng quyết tâm chính trị cao, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã đạt được những thành tựu ấn tượng và toàn diện. Bức tranh tươi sáng của nền kinh tế được đánh giá không chỉ tạo ra sức bật lớn cho sự tăng trưởng trong năm 2023, mà còn là tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong cả giai đoạn 2021 - 2025.NHIỀU CHỈ TIÊU ĐẠT VÀ VƯỢT

Nhiều công trình trên địa bàn được lãnh đạo huyện chỉ đạo sâu sát, đẩy nhanh tiến độ.

Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, của quân và dân, huyện Gò Công Tây đã hoàn thành, đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023 mà Nghị quyết HĐND huyện đã đề ra.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 4,69% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt 69,12 triệu đồng, tăng 9,23%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện đạt 3.015 tỷ đồng, đạt 100,23% kế hoạch, tăng 13,26%; tổng thu ngân sách địa phương 153,248 tỷ đồng, đạt 134,43% so với kế hoạch; tổng chi ngân sách địa phương đạt 580,037 tỷ đồng, đạt 108,18% kế hoạch.

Trong năm 2023, toàn huyện Gò Công Tây phát triển mới 40 doanh nghiệp, với tổng số vốn 122,19 tỷ đồng, tăng 90,48% so với kế hoạch huyện đề ra.

Các chỉ tiêu về xã hội cũng đạt nhiều kết quả nổi bật, trong đó giải quyết việc làm cho 1.100 lao động, đạt 110% kế hoạch, 49 lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, đạt tỷ lệ 163,33%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 còn 0,87%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,69%; chỉ tiêu về môi trường đạt kế hoạch, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý 100%, tỷ lệ phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đạt 100%.

Các chỉ tiêu KT-XH chủ yếu năm 2024:

-Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) tăng 4,5 - 5% so với năm 2023;
- Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 73 - 75 triệu đồng.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.300 - 3.350 tỷ đồng.
-Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa phương năm 2024 là 125,50 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2024 là 567,281 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách huyện 469,054 tỷ đồng, chi ngân sách xã 98,227 tỷ đồng.
-Phát triển mới 27 doanh nghiệp.
-Giải quyết việc làm cho 1.100 lao động, trong đó xuất khẩu 30 lao động.
-Tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 58%.
-Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,87%.
-Tiếp tục củng cố, nâng chất 12/12 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã duy trì đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 1 xã NTM kiểu mẫu; duy trì huyện đạt chuẩn NTM. Phấn đấu năm 2024, huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu.
-Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%.
-Tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn sau phân loại xử lý tại hộ gia đình đạt 99,50%;

Huyện duy trì đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM. Đến nay, toàn huyện có 12/12 xã duy trì đạt chuẩn xã NTM, 4 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến cuối năm ra mắt xã Vĩnh Hựu đạt chuẩn NTM nâng cao. Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, thương mại, dịch vụ có bước phát triển ổn định và tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi đều đạt, toàn huyện hiện có 40 sản phẩm đạt OCOP gồm: 18 sản phẩm đạt 4 sao và 22 sản phẩm đạt 3 sao…

Trong năm 2023, toàn huyện phát triển thêm 1 hợp tác xã (HTX), đến nay, toàn huyện có 20 HTX, trong đó có 17 HTX nông nghiệp, 1 quỹ tín dụng nhân dân, 1 HTX vận tải, 1 HTX tiểu thủ công nghiệp. Tình hình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, công tác mời gọi đầu tư, xây dựng và quy hoạch tiếp tục được triển khai thực hiện tốt.

Huyện tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 06 của Huyện ủy về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đô thị huyện Gò Công Tây giai đoạn 2021 - 2025.

Huy động và sử dụng mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm của huyện, các Dự án liên kết vùng theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Tiền Giang.

Phát huy tối đa tiềm năng khi được UBND tỉnh đầu tư hệ thống giao thông đường huyện 18, tuyến đường tránh thị trấn Vĩnh Bình, đường tỉnh 872B, đường tỉnh 864 - đường dọc sông Tiền. Huyện đang tiếp tục xúc tiến xây dựng thị trấn Vĩnh Bình đạt Đô thị văn minh và đô thị loại V đối với Long Bình và Đồng Sơn. Tiếp tục thực hiện tốt Đề án quy hoạch mặt bằng Nghĩa địa thị trấn Vĩnh Bình sau giải tỏa và quy hoạch chỉnh trang Nghĩa trang nhân dân Long Bình.

Đối với các hoạt động văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; phòng, chống tham nhũng, lãng phí tạo được niềm tin trong nhân dân.

PHÁT HUY TIỀM NĂNG, LỢI THẾ

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình cho biết, với niềm tin và khát vọng vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, huyện xác định mục tiêu tổng quát của năm 2024 tiếp tục kế thừa những thành tựu đạt được, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện về phát triển nông nghiệp, thu hút phát triển cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình số 05 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với đa dạng hóa các loại hình hợp tác; Đề án tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với xây dựng NTM; nâng cao chất lượng xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng cao, vùng sản xuất lúa chất lượng cao; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”…

Cùng với đó, tập trung xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án trên địa bàn huyện như: Cụm công nghiệp Long Bình, Vĩnh Hựu, Đồng Sơn; Nhà máy xử lý rác thải Bình Tân. Nhà máy chế biến nông sản Long Bình; siêu thị, dự án thương mại, dịch vụ... đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư khi đã có chủ trương phê duyệt của tỉnh.

Huyện Gò Công Tây luôn quan tâm hỗ trợ các HTX phát triển, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như lợi thế cạnh tranh.

Phát triển kinh tế đi liền với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác tư pháp; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, xây dựng huyện Gò Công Tây ngày càng văn minh, hiện đại.

HOÀI THU - KIM LAN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202312/huyen-go-cong-tay-qua-ngot-sau-mot-nam-no-luc-998863/