Hôm nay có kẻ bỏ kinh thành

Bạn hẹn ra quán cà phê, chia tay nhau, chia tay thành phố, chưa biết bao giờ tái ngộ. Tôi ngồi trong quán, đợi chờ, bấm đốt ngón tay thử tính xem đã là bằng hữu thứ mấy tuyên bố bỏ kinh thành.

Mấy hôm trước cũng lại ở quán cà phê, người bạn khác thỏ thẻ nói với tôi: hình như lũ tụi mình không ai thành đạt hết. Để rút ra kết luận đó, chúng tôi vừa điểm qua hết mấy đứa bạn “cùng một lứa bên trời lận đận” rời quê lên phố học hành làm việc. Đến tuổi chúng tôi cũng lờ mờ nhìn nhận ra nhiều thứ, như đã ngầm đoán định được thật ra cố thêm mười năm nữa thì mình sẽ ở đâu, sẽ có gì với cái năng lực hiện tại, có thăng quan tiến chức được không hay mãi là anh lính tốt già.

Tôi cười nói với bạn: thằng X vừa về quê luôn đấy, còn thằng Y ở quê từ dịch tới giờ, chí thú làm ăn, xem ra cũng ổn định và thoải mái với cuộc sống giản đơn, mỗi lần lên Sài Gòn, ngồi sau xe, nó lại càm ràm gì mà đông thế, gì mà bụi lắm thế, cứ như chưa từng có khoảng thời gian ở đây cả chục năm… Cứ nhắc tên từng đứa từng đứa, giờ làm gì ở đâu, có đứa biệt tăm biệt tích chẳng rõ sao nữa.

Bên kia đường, vài người xếp hàng nộp hồ sơ xuất ngoại, lại nhớ bao nhiêu bạn bè mình cũng từng đứng trong hàng đó, với nỗi lo âu, sự hồi hộp đó. Đâu phải những kẻ bỏ kinh thành đều tìm một miền quê thanh bình, mà chỉ bỏ bon chen ở chốn phồn hoa này để lầm lũi ở chốn phồn hoa khác, chỉ là bây giờ khoảng cách không còn tính bằng quận này tỉnh nọ mà là cả đại dương…

Lan man suy nghĩ một hồi thì bạn tới. Bạn già đi, tóc bạc nhiều thêm, đôi mắt ươn ướt không biết vì khóc hay vì bụi kinh kỳ. Bạn nói tối nay bạn đi về miền đất đỏ của bạn, ở đó có một thư viện đang chờ, có một mảnh vườn đang chờ. Bạn nói không còn trẻ nữa, bạn nói mình quần quật ngót hai chục năm rồi, một hôm đứng ở ngã tư, đèn chuyển xanh rồi mà tự nhiên bạn không biết cần rẽ trái hay rẽ phải, hoặc đi thẳng… hay là mình quay đầu?

Bạn thấy mình như đứa trẻ bạc tóc chiều nay lạc đường không biết về đâu “đứng sầu bóng tối”. Bạn quá già, đã sống ở đây quá lâu để bật khóc tu tu như hồi bé dại. Bạn nhận ra rằng suốt ngần ấy năm sống ở thành phố này, hình như bạn chưa thấy người lớn nào bật khóc giữa đường. Sao lại thế nhỉ?

Rồi như mọi buổi cà phê hay trà dư tửu hậu khác, đến lúc mỗi người phải đứng lên và đi những con đường của mình. Ảnh: Codon

Bạn nói mình từng có nhiều lý tưởng, bạn nói lo cho lớp đàn em đồng nghiệp sau này e khó sống với nghề vì thời buổi khó khăn hơn. Tôi không dám hỏi phải chăng lý tưởng đó bị bào mòn, hay đã mất hẳn? Còn tương lai thì sao? Mà tương lai là gì? Năm 2019 có ai ngờ cái tương lai năm 2021, 2022 nó lại ra như thế.

Còn việc làm ấy hả, có lời mời nhưng bạn chưa nhận vội, xả hơi chút đã… Tôi lại khắp khởi hy vọng cái sự bỏ kinh thành của bạn chỉ là tạm thời. Vì cái chốn này mang tiếng là ít hoa nhiều lệ nhưng vẫn nơi đất lành, mỗi năm đoàn thiên di lại về, lại đi, lại ở.

Các bạn thử cảm nhận xem có phải thời gian đến chỗ làm mỗi sáng dường như lâu hơn dù bạn xuất phát đúng cái giờ từ trước đến nay bạn vẫn xuất phát, đi đúng cái con đường từ trước đến nay bạn vẫn đi, nhưng đường phố co cụm lại dưới nắng nóng trong khi xe cộ lại nở trương ra. Bạn đã thấy đèn xanh nhấp nháy bốn lần rồi nhưng bạn vẫn chưa vượt qua được ngã tư, cái ngã tư có một cửa hàng xa xỉ phẩm mà dưới mái hiên của nó bạn từng đứng hàng giờ tay cầm bịch đồ ăn chờ đợi người thương tan làm ca tối.

Cái cửa hàng xa xỉ phẩm đó đã thay chủ mấy lần, và bỏ hoang từ hồi thành phố hết giãn cách. Ở vị trí đắt đỏ nhất nhì, không ai còn thuê nữa, mấy tấm biển quảng cáo linh tinh dán đầy trước cửa, la liệt những xe máy cũ mới xếp đầy. Khắp nơi người ta treo biển trả mặt bằng nhưng kỳ lạ là quán nhậu không bao giờ ngớt khách. Hai giờ sáng, bạn nghe tiếng hô hò dzô dzô rát mặt, rồi tự hỏi đó có phải đêm say cuối cùng ở kinh thành tiễn đưa một người bạn về quê mải miết, như biết bao đêm rồi dưới một ngọn đèn tù mù quán nhậu vỉa hè, bạn cũng tiễn bao bạn bè của mình chia tay thành phố, lòng tự hỏi lòng bao giờ thì đến lượt mình?

Như cái cách bạn nhìn người bạn đang ngồi đối diện quán cà phê nói với bạn rằng cuộc sống sẽ không có gì đổi khác. Nếu rảnh thì hãy tạm xa kinh thành một buổi để về miền đất đỏ, ở đấy giờ có bạn rồi, tha hồ mà thù tiếp, lại ôn “Những chiều quán trọ những đêm say/ Người quen nhắc lại từng tên một/ Kể lại từng nơi đặt dấu giày/ Trôi dạt dám mong gì vấn vít/ Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây” (Nguyễn Bính)

Rồi như mọi buổi cà phê hay trà dư tửu hậu khác, đến lúc mỗi người phải đứng lên và đi những con đường của mình. Lúc lấy xe bạn chần chừ đứng lại, đợi mình loay hoay trả vé. Hình như người Việt mình không có thói quen thốt ra cửa miệng từ “tạm biệt”, chỉ cười cười gật đầu, không biết sau cái gật đầu ấy là hàm ý chi. Mỗi người nổ máy xe, đi về hai hướng ngược chiều nhau.

Bạn đi qua những cửa hàng đóng cửa đang chờ chủ mới. Bạn đi qua một anh làm nghề chuyển phát đang ngửa mặt trút hết bình nước gần cạn lên mặt. Bạn đi qua dòng người ngược xuôi tiếp tục bươn chải. Và bạn nhận ra một buổi chia tay là chưa đủ, rằng còn quá nhiều điều để nói cùng nhau.

Như chuyện sáng nay trên đường đi làm, qua cây cầu bắc ngang hai quận, tự nhiên người ta đi chậm lại, những dân quân đứng rải rác bên cầu. Vô thức bạn cũng rướn người cố nhìn xuống con kênh nước đen bên dưới. Ai đó lướt ngang, ném một câu vu vơ vào không khí: Hình như nhảy cầu! Bạn không rõ, không ai nói cho bạn rõ, mà bạn cũng chẳng có thời giờ để điều tra.

Trước mặt bạn là cái hộp điện tử nhỏ bé, bạn biết rằng mình cần ấn ngón tay vào chiếc hộp ấy để chấm công. Bạn nhận ra không có gì cấp thiết hơn trong buổi sáng ngoài chuyện nhấn ngón tay mình vào chiếc hộp ấy. Dẫu hôm nay có một kẻ bỏ kinh thành, dù bằng theo cách nào đi nữa.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hom-nay-co-ke-bo-kinh-thanh-40467.html