Học sinh huyện Phù Yên bước vào năm học mới

Năm học 2022-2023, huyện Phù Yên có 68 trường học, 1.233 lớp từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông, với tổng số hơn 35.000 học sinh; trên 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm 2022, huyện đã đầu tư 5,5 tỷ đồng cho 10 đơn vị trường xây dựng, sửa chữa, nâng cấp lớp học, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy và học. Năm học này, toàn huyện có 765 phòng học kiên cố, 311 phòng học bán kiên cố, 29 phòng học tạm, còn 50 phòng học nhờ hoặc mượn.

Học sinh Trường tiểu học và THCS Huy Hạ, huyện Phù Yên chọn sách tại thư viện nhà trường.

Học sinh Trường tiểu học và THCS Huy Hạ, huyện Phù Yên chọn sách tại thư viện nhà trường.

Từ cuối tháng 8, hơn 35.000 học sinh các trường học trên địa bàn huyện đã tựu trường bước vào năm học mới. Theo đó, các nhà trường đã thông tin, quán triệt nội quy, quy định trong học tập và sinh hoạt của học sinh tại trường. Một số trường học đã tiến hành sát hạch, đánh giá năng lực của học sinh có học lực từ trung bình trở xuống, từ đó có kế hoạch, xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp, nhằm giúp các em nắm chắc kiến thức, không bị chậm hơn so với các bạn cùng lớp. Đối với học sinh đầu các cấp học, như lớp 6 và lớp 10, nhà ở cách xa trường có nhu cầu tìm nhà trọ, các trường đã giao cho Đoàn trường hỗ trợ tìm kiếm nhà trọ, sắp xếp cho học sinh ở ghép để tiết kiệm chi phí; rà soát, thống kê số học sinh của trường ở trọ bên ngoài và lấy số điện thoại của từng chủ nhà trọ để phối hợp quản lý học sinh.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Gia Phù có gần 400 học sinh ở xa, nhưng do trường không có khu nhà ở bán trú, các em phải thuê phòng trọ. Thầy giáo Hà Ngọc Tư, Hiệu trưởng cho biết: Sau tuần học đầu tiên, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các thầy, cô giáo chủ nhiệm các lớp rà soát, thống kê số học sinh ở trọ để báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc quản lý học sinh. Đối với học sinh khối lớp 10 mới nhập học, các em cơ bản đã làm quen với nền nếp, nội quy của nhà trường; được Đoàn trường và học sinh khóa trước hỗ trợ để thích nghi với cuộc sống tự lập, cũng như phương pháp học tập của bậc THPT.

Bước vào năm học mới 2022-2023, việc vận động trẻ trong độ tuổi đi học tại các bản vùng sâu, vùng xa của các xã Suối Tọ, Kim Bon, Sập Xa gặp nhiều khó khăn. Bởi nhiều học sinh ở các xã này đều là con em của các hộ nghèo, phụ huynh lại đi làm xa, nên việc học tập của con em chưa được quan tâm đúng mức. Bởi vậy, trước thời gian tập trung chuẩn bị cho năm học mới, các thầy, cô giáo công tác ở các xã này đã đến tận gia đình vận động cho trẻ đến trường. Nhờ nỗ lực của các thầy, cô giáo, sau tuần học đầu tiên của năm học mới, sĩ số học sinh lên lớp của các trường luôn đảm bảo từ 97% trở lên.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tĩnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Suối Bau thông tin: Trường có 500 học sinh tại 9 khối lớp. Phần lớn học sinh là con em của hộ nghèo, nên việc duy trì sĩ số lên lớp gặp nhiều khó khăn; đặc biệt học sinh lớp 1 là người dân tộc Mông chưa thạo tiếng phổ thông, nên ngay sau khi các em nhập trường, chúng tôi đã phụ đạo thêm tiếng Việt để các em có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên, học sinh các trường thực hiện chương trình sách giáo khoa mới đối với khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Bà Lường Thị Thắm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên cho biết: Để giúp giáo viên các trường học trên địa bàn chuẩn bị tốt cho việc giảng dạy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên tham gia các đợt tập huấn, nắm bắt được sự thay đổi trong chương trình sách giáo khoa để có phương pháp truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất.

Hào hứng, phấn khởi là tâm lý chung của toàn thể học sinh và cán bộ giáo viên ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Phù Yên bước vào năm học mới với quyết tâm cao “dạy tốt - học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoc-sinh-huyen-phu-yen-buoc-vao-nam-hoc-moi-52918