Hoạt động giám sát của Quốc hội được triển khai đồng bộ, toàn diện

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và thể hiện rõ tinh thần kiến tạo phát triển, đồng hành với Chính phủ.

Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: Tiếp tục xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, Quốc hội đã sử dụng các hình thức giám sát tối cao của Quốc hội được luật định như: Xem xét báo cáo của các cơ quan nhà nước; chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm;… tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát.

Năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được triển khai đồng bộ,

Ấn tượng đầu tiên trong hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội chính là phiên chất vấn và trả lời chất tại Kỳ họp thứ 6 khi được đánh giá là “đổi mới”, “đặc biệt”, thậm chí “chưa có tiền lệ” khi xét về phạm vi chất vấn, cách thức tiến hành, với tính chất nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ.

Không còn là phiên chất vấn như thông lệ của kỳ họp trước, mà phiên chất vấn này đã ghi dấu ấn bởi “lần đầu” khá đặc biệt như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu: "Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực".

Lần đầu trong nhiệm kỳ khóa 15, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa 14 và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa 15 đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực. Phạm vi chất vấn rộng, liên quan đến 4 nhóm lĩnh kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội. Phiên chất vấn còn có thêm nhân tố mới, đó là các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội cũng “đăng đàn” tham gia làm rõ vấn đề. Đại biểu và cử tri đều đánh giá cao hoạt động tái giám sát của Quốc hội.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, với 4 nhóm lĩnh vực: lao động, thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải và dân tộc được lựa chọn, một loạt con số ấn tượng, lần đầu đạt được tại phiên chất vấn với tinh thần “5T” (Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm), đó là: 454 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn, 112 đại biểu thực hiện quyền chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn vấn đề- đây đều là những con số kỷ lục.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tranh luận tại phiên thảo luận

Với sự chuẩn bị công phu về dữ liệu, không ngại va chạm, các đại biểu đã truy vấn đến cùng trách nhiệm quản lý Nhà nước của cá nhân người đứng đầu và các cơ quan chức năng bằng những tấm biển tranh luận. Theo các đại biểu Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh, việc nhiều đại biểu bấm nút tranh luận cũng thể hiện tinh thần giám sát đến cùng và cho thấy lợi ích của người dân, lợi ích của đất nước đã được đặt lên trên tất thảy.

"Không khí rất sôi nổi, không chỉ đông các đại biểu chất vấn mà sau đó đại biểu tranh luận lại còn nhiều hơn. Trả lời thẳng thắn rõ vấn đề. Quá trình tranh luận làm không khí tăng nhiệt, hiệu quả…."- đại biểu Trần Thị Vân nói

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội cho biết, có những lúc 14 biển tranh luận. Khi tranh luận thường các đại biểu xoáy sâu vào vấn đề rất nóng bỏng, rất hay.

Với giám sát chuyên đề, một chuyên đề giám sát của Quốc hội được thực hiện giữa kỳ, "tiền kiểm", song song với quá trình triển khai, điều hành. Lần đầu tiên, một chuyên đề giám sát tích hợp cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng của đất nước như Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Trần Quang Phương nhấn mạnh. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tổng hợp cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và được tiến hành giữa kỳ. Điều đó thể hiện rõ phương châm từ sớm, từ xa của Quốc hội để đồng hành cùng Chính phủ.

Trên tinh thần chủ động, “giám” phải “sát”, thẳng thắn, không né tránh, kịp thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc, Quốc hội tiếp tục đồng hành Chính phủ để tìm ra những giải pháp phù hợp hơn, nhất là khi thời gian thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chỉ còn hai năm nữa là phải về đích. Ngày 29/11/2023, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết quan trọng về nội dung này.

Lần đầu tiên ngay trong nghị quyết về giám sát, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Quốc hội để xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù theo trình tự thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Giám sát với tinh thần xuyên suốt là xây và chống, trong đó xây vẫn là cơ bản để mọi việc ngày càng tốt hơn, đây là điều Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh trong nhiều cuộc họp và với năm 2023, giám sát chuyên đề là một điểm sáng trong hoạt động Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để tiếp tục đổi mới, thông qua giám sát này để thấy hệ thống pháp luật như thế nào, những vấn đề gì dài hạn, cấp bách để tháo gỡ. Giám sát của năm nay chú trọng vào giám sát hoạt động, tức là giám sát những gì đang diễn ra. Như giám sát 3 CTMTQG là 1 ví dụ. Chính vì có cuộc giám sát này nên kỳ họp bất thường tới đây mới xem xét việc ban hành một số cơ chế, chính sách để đẩy nhanh thực hiện 3 chương trình. Khi đó, giám sát mới có hiệu lực, có tác dụng, ý nghĩa, gắn bó với cuộc sống và thể hiện kiến tạo phát triển.

Chuyên đề này một lần nữa cho thấy nội dung giám sát không phải chỉ theo kiểu “hậu kiểm” mà còn là những vấn đề đang trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện, cùng với Chính phủ nhận diện những bất cập khi triển khai để có giải pháp tạo chuyển biến tốt hơn.

Với tinh thần “mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường”, giữ lời hứa Quốc hội luôn lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, nguyện vọng nhân dân, năm 2023, lần đầu tiên, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Điều này minh chứng cụ thể cho tinh thần đổi mới, trách nhiệm, sự tôn trọng ý kiến của cử tri, quan tâm đến kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Năm 2023, một phương thức giám sát quan trọng nữa đã được Quốc hội thực hiện tại Kỳ họp thứ 6, đó là lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP Hà Nội và đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cho rằng, đây là hình thức giám sát vừa giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phải tự đánh giá, tự thay đổi vừa là cách nhìn của người dân, cử tri đối với mỗi cá nhân đó, giúp cho hoạt động của các vị trí này trong 2 năm tới được định hướng tốt hơn:

Một năm với nhiều hoạt động giám sát được lồng quyện vào nhiều nội dung của các kỳ họp. Hoạt động giám sát đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, khâu trọng tâm, then chốt. Và điều quan trọng là từ kết quả của công tác giám sát sẽ có tác động trở lại trong công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng, để từ đó Quốc hội sẽ xem xét, bổ sung các dự án luật sát với thực tiễn cuộc sống hơn. Còn với đông đảo cử tri, có lẽ điều hài lòng hơn cả, đó là tạo được niềm tin rất lớn khi giám sát đã sống cuộc sống của dân, lo nỗi lo của dân, trăn trở những nỗi niềm trăn trở của dân.

Uông Huyền/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi-duoc-trien-khai-dong-bo-toan-dien-post1067727.vov