Xây dựng chuyên đề giám sát dựa trên yếu tố vùng, miền

Trên tinh thần giám sát vì mục tiêu kiến tạo sự phát triển, các đợt giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đều tới những nơi có vấn đề cần xem xét và tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau để thu thập thông tin, nhờ đó đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp kiến nghị xác đáng. Để nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tính đến yếu tố vùng, miền để quyết định triển khai số lượng chuyên đề, địa bàn giám sát.

Tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau để thu thập thông tin minh chứng

Thời gian qua, hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa ngày càng thực chất, hiệu quả, góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải, trên tinh thần giám sát vì mục tiêu kiến tạo sự phát triển, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, xây dựng kế hoạch và xác định rõ nội dung cụ thể cần tập trung giám sát, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thành viên đoàn giám sát đi sâu tìm hiểu, phân tích kỹ vấn đề cần quan tâm.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tích cực tham gia các cuộc giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội triển khai trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Bích Lan

Trước mỗi cuộc giám sát, các thành viên đoàn giám sát đều chủ động tìm hiểu trước tình hình triển khai chính sách, pháp luật ở đơn vị, ngành chịu giám sát, để chọn ra nhiều địa điểm khảo sát thực địa. Các đợt giám sát tập trung tới những nơi đang có vấn đề cần xem xét hoặc nơi tiêu biểu; tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau để thu thập thông tin minh chứng, nhận diện, phân tích rõ nội dung được, chưa được…

Đơn cử, trong chuỗi hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa về thực hiện chính sách, pháp luật đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc trong đa số các đơn vị sự nghiệp công lập được giao còn thấp. Một số đơn vị còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn kinh phí hoặc tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên chưa đạt yêu cầu; khả năng xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp còn hạn chế, hiệu quả đạt được thấp và thiếu vững chắc... Trên cơ sở này, Đoàn giám sát đã đề xuất nhiều giải pháp và đề nghị các đơn vị, địa phương khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm.

Dựa vào thực tế để quyết định tiến độ, kế hoạch giám sát

Có thể thấy, hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh đã và đang đem lại kết quả ngày càng thiết thực, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân, như: giám sát về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; giám sát chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đến hết năm 2023; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đem lại kết quả ngày càng thiết thực. Ảnh: Q. Hương

Tại các cuộc giám sát, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH đã rất trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến thiết thực. Đồng thời, thông qua giám sát, lãnh đạo Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh đã phản ánh sâu hơn, cụ thể hơn, cung cấp thông tin chính xác về những vấn đề của địa phương cần quan tâm liên quan đến nội dung giám sát được đoàn giám sát ghi nhận, tiếp thu và có kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, các kết luận giám sát của đoàn đều được UBND tỉnh ban hành văn bản giao các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ, chất lượng giám sát một số chuyên đề còn chưa cao do có phạm vi giám sát rộng, thời gian tổ chức giám sát theo kế hoạch của mỗi chuyên đề ngắn và sát nhau; việc mời các chuyên gia, nhà quản lý có chuyên môn cao tham gia các chuyên đề giám sát còn gặp nhiều khó khăn...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tham mưu xây dựng và tổ chức điều hòa thực hiện các chuyên đề giám sát một cách khoa học, hợp lý trên cơ sở tính đến các yếu tố vùng, miền, địa phương để quyết định triển khai số lượng chuyên đề, địa bàn giám sát; yếu tố tình hình thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, cơ sở tại các thời điểm trong năm để quyết định tiến độ, kế hoạch giám sát; giãn cách hợp lý thời gian tổ chức giám sát giữa các chuyên đề để bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Hải Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/xay-dung-chuyen-de-giam-sat-dua-tren-yeu-to-vung-mien-i369164/