Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho các ngành công nghiệp văn hóa (bài cuối)

Hiện nay, phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) đặc biệt được quan tâm từ Trung ương tới địa phương. Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội nghị văn hóa của Quốc hội năm 2022, mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH, CNVH được xác định là 'đất vàng', góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển CNVH. Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL dự định sẽ thực hiện chỉ đạo này như thế nào trong thời gian tới?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển các ngành CNVH. Quốc hội đã ban hành Luật Báo chí năm 2016, Luật Du lịch năm 2017, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Luật Điện ảnh năm 2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Nhiều tỉnh/thành ban hành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch triển khai nhiệm vụ về phát triển CNVH, như: Thủ đô Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 về "Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2726/QĐ-UBND ngày 19/10/2022 phê duyệt Đề án "Định hướng phát triển du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND ngày 25/10/2023 phê duyệt Đề án "Phát triển ngành CNVH TP Hồ Chí Minh đến năm 2030". Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cho các ngành CNVH vẫn còn thiếu tính đột phá để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của một số ngành CNVH có lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, cũng như xu hướng phát triển công nghệ biến đổi nhanh chóng hiện nay (chuyển đổi số, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo…).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy.

Trong thời gian tới, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết/Chỉ thị về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành CNVH. Trong đó, nội dung căn bản đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho các ngành CNVH với một số định hướng trọng tâm. Đó là xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển các ngành CNVH. Rà soát, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính, thủ tục hành chính... để kịp thời thể chế các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển các ngành CNVH một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong bối cảnh mới và hội nhập quốc tế. Bộ sẽ tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi (cơ chế, chính sách về tài chính, thuế) để thúc đẩy phát triển các ngành CNVH; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến CNVH. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính tạo môi trường pháp lý ổn định, thông thoáng và thuận lợi, thu hút, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đối với các lĩnh vực liên quan đến CNVH.

Bộ VHTTDL cũng sẽ đồng thời tham mưu xây dựng và ban hành chính sách cụ thể đối với từng ngành CNVH, áp dụng các ưu đãi thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong một thời hạn nhất định; ưu đãi về thời gian được miễn, giảm nghĩa vụ thuế TNDN có thời hạn; giảm trừ thu nhập chịu thuế TNDN trên cơ sở mức vốn đầu tư của dự án; giảm trừ trực tiếp nghĩa vụ thuế TNDN. Nghiên cứu, đề xuất cho phép áp dụng mức thuế suất hợp lý, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho một số ngành CNVH nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trong các hoạt động kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác công - tư trong phát triển các ngành CNVH; chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ CNVH có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Về chính sách quản lý và sử dụng đất đai, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan đến các ngành CNVH có sử dụng đất đai, yêu cầu phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, gắn kết chặt chẽ để phát triển đồng bộ. Ngoài ra, cần hoàn thiện quy định của pháp luật đối với các lĩnh vực, tăng cường hiệu quả quản lý nói chung, quản lý trên môi trường số nói riêng, bảo đảm bắt kịp xu thế chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

PV: Các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong hợp tác công - tư được chỉ rõ là một trong những "nút thắt" của phát triển CNVH hiện nay. Theo Thứ trưởng, chúng ta cần làm gì để tháo gỡ "nút thắt" này?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong hợp tác công - tư, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch, Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đề xuất các cấp thẩm quyền các chính sách, cơ chế trong hợp tác công - tư phù hợp với một số lĩnh vực trong CNVH. Chúng tôi thấy rằng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có thể thực hiện theo Chiến lược văn hóa của chúng ta, ví dụ như công nghiệp điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… Trước mắt, có thể thí điểm tại một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… từ đó, sớm tổng kết đánh giá và có thể đưa vào đề xuất, sửa đổi, bổ sung những lĩnh vực CNVH thuộc danh mục được áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) để thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành CNVH.

PV: Sản phẩm của ngành CNVH không dừng lại ở sáng tạo tác phẩm mà phải gắn liền với một quy trình sản xuất, phân phối và lưu thông sản phẩm, tạo doanh thu. Nhiều ý kiến cho rằng, nên coi sản phẩm CNVH là tài sản được định giá, có thể mang đi cầm cố, tiếp cận vay vốn ngân hàng như nhiều lĩnh vực sản xuất hàng hóa khác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Quan điểm của Bộ VHTTDL về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Bộ VHTTDL thống nhất với quan điểm sản phẩm CNVH/công nghiệp sáng tạo được coi là loại hàng hóa có hàm lượng trí tuệ rất cao. Vì trong mỗi sản phẩm đó chứa đựng nhiều nội dung được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên. Các sản phẩm CNVH hoàn toàn có thể định giá bởi đáp ứng được quy trình đầu tư, sáng tạo và sản xuất. Bên cạnh đó, các sản phẩm đó được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan hoặc/và quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích…). Ví dụ như một tác phẩm điện ảnh, được bảo hộ theo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan (như biên kịch, đạo diễn, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh); đồng thời được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên gọi của bộ phim (nếu đăng ký nhãn hiệu cho tên bộ phim đó).

Nghệ thuật truyền thống là một trong những khu vực tiềm năng cho công nghiệp văn hóa.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang coi sản phẩm CNVH/công nghiệp sáng tạo là tài sản trí tuệ và xác định giá trị của chúng như là một loại hàng hóa, tài sản thông qua một hệ định giá tài sản trí tuệ (IP Audit). Một số quốc gia ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines) đã bắt đầu thúc đẩy những sáng kiến về định giá tài sản sở hữu trí tuệ như một phương án tài chính thay thế để giúp các doanh nghiệp định hướng đổi mới tiếp cận với nguồn vốn. Như vậy, việc định giá tài sản trí tuệ là cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và khu vực.

PV: Bộ VHTTDL đề xuất mục tiêu phấn đấu CNVH đóng góp 7% GDP vào năm 2030. Theo Thứ trưởng, chúng ta cần phải làm gì để đạt mục tiêu này?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Chúng ta có thể đạt vượt mức chỉ tiêu đề ra nếu công tác thống kê về sự đóng góp của các ngành CNVH vào phát triển kinh tế-xã hội được đánh giá đúng, kịp thời để điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành CNVH phát triển. Để đạt mục tiêu này, Bộ VHTTDL xác định, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành CNVH trong phát triển kinh tế - xã hội. Cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành CNVH trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành CNVH. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành CNVH gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Thu hút và hỗ trợ đầu tư bằng việc xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Phát triển thị trường, hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng. Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Giao lưu, hợp tác quốc tế, xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Việt Nam, các tài năng tiêu biểu về văn hóa của đất nước tại các hội chợ quốc tế, liên hoan quốc tế; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển CNVH gắn với các sự kiện ngoại giao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hoa Nguyễn (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/hoan-thien-the-che-co-che-chinh-sach-cho-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-bai-cuoi--i720757/